Châu Á sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trên toàn cầu trong thập kỷ kế tiếp?
Châu Á vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong thập kỷ kế tiếp, ngay cả khi tăng trưởng của các khu vực khác cũng gia tăng. Đây là quan điểm của Changyong Rhee, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Sự hồi phục ngày càng mạnh của Mỹ và châu Âu đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế thế giới có thành quả tăng trưởng tốt nhất trong nhiều năm qua, trong đó 75% các khu vực trên toàn cầu chứng kiến sự cải thiện trong tăng trưởng.
Đáng chú ý nhất, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang dẫn đầu cuộc đua về tăng trưởng, và dự kiến chiếm tới 63.3% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017, ông Rhee cho biết trong cuộc phỏng vấn ở Washington hôm thứ Sáu. Dựa trên cơ sở ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc sẽ đóng góp tới 34.1% và Ấn Độ là 13.8%.
Quỹ IMF dự báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5.6% trong năm 2017, khi hoạt động xuất khẩu được đẩy nhanh và nhu cầu nội địa ngày càng tăng. IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3.6% trong năm nay. Dẫu vậy, các chính quyền ở châu Á sẽ cần phải đẩy mạnh các cuộc cải cách để đảm bảo đạt được tiềm năng tăng trưởng của mình. Dân số già hóa, năng suất lao động tụt lại phía sau, và tình trạng bất bình ổn ngày càng tăng là 3 trong những thách thức cần phải giải quyết.
Sau đây, Bloomberg dẫn ra trích đoạn trong cuộc thảo luận với ông Rhee.
Câu hỏi: Liệu châu Á có là động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế thế giới ngay cả khi tăng trưởng của các khu vực khác cũng cải thiện?
Ông Rhee trả lời: Xu hướng này sẽ tiếp tục trong ít nhất là một thập kỷ nữa. Khi xét tới tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Ấn Độ, Trung Quốc, và khối nước ASEAN, mức độ tăng trưởng của họ thực sự rất khác biệt so với các khu vực khác.
Câu hỏi: Các khu vực khác cũng chứng kiến tăng trưởng nhanh hơn. Điều này có tác động như thế nào đến sự đóng góp của châu Á vào tăng trưởng toàn cầu?
Ông Rhee trả lời: Châu Á vẫn là động lực tăng trưởng. Thậm chí, nếu châu Á đi xuống tương đối, thì đây vẫn là thông tin tốt vì sự hồi phục của các nền kinh tế phát triển sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm này. Vì thế, điều này là yếu tố tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu và cả châu Á.
Câu hỏi: Triển vọng tích cực đang hiện diện ở những nước nào? Có phải đều xuất phát từ Trung Quốc?
Ông Rhee trả lời: Ấn Độ đang trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế toàn cầu, nhiều nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang trên đà hồi phục, cũng như các nền kinh tế cận biên (frontier) như Việt Nam và Campuchia. Ở châu Á, thu nhập trên đầu người đang rất thấp, vì vậy cơ hội tăng trưởng vẫn còn.
Câu hỏi: Ngay cả khi triển vọng lạc quan, thì đâu là những rủi ro đang hiện diện ở châu Á?
Ông Rhee trả lời: 2 năm về trước, mọi người đến văn phòng của tôi và hỏi rằng “khi nào thì Trung Quốc sẽ sụp đổ?”. Hiện nay, tình thế đã thay đổi và không còn nhiều người nghĩ vậy nữa. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sụp đổ vẫn là rủi ro lớn nhất. Nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới vẫn duy trì mức tăng trưởng cao dựa trên tăng trưởng tín dụng. Nếu quá khứ là một chỉ báo tốt, sau sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng ở đất nước này, thì một số quốc gia sẽ trải qua sự điều chỉnh rất đột ngột. Với quy mô hiện nay, diễn biến tại Trung Quốc sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các cơ quan chức trách Trung Quốc đã biết đến rủi ro này và họ đã bắt đầu kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Họ hoàn toàn nhận biết được rủi ro này. Chúng tôi tin rằng họ có tấm đệm an toàn để kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong một khoảng thời gian.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|