Kinh tế Ấn Độ rơi vào vòng xoáy suy giảm tăng trưởng
Từng được xem là điểm sáng trên toàn cầu, vậy mà nay nền kinh tế Ấn Độ lại rơi vào vòng xoáy suy giảm tăng trưởng, CNNMoney cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm từ 7% xuống 5.7%, mức yếu nhất trong 3 năm, và các chuyên gia phân tích cho biết con đường phục hồi còn quá khó khăn.
“Chúng ta đang rơi vào vòng xoáy suy giảm tăng trưởng”, Mohan Guruswamy, người đứng đầu Trung Tâm Lựa chọn khác về Chính sách (CPA) ở Delhi, và từng là một quan chức thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ, cho biết.
Thủ tướng Narendra Modi đã lên nắm quyền trong năm 2014 với lời hứa thúc đẩy kinh tế Ấn Độ lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, nhiều cuộc cải tổ của ông vẫn chưa thành hiện thực và một số thay đổi – như lệnh cấm lưu hành tờ tiền mệnh giấy 500 Rupee và 1,000 Rupee và cải cách hệ thống thuế – đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Trong bài phát biểu hôm thứ Tư, ông Modi đã lên tiếng bào chữa về thành quả của mình, cụ thể khẳng định chính quyền của ông đã thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp.
“Mặc dù đúng là tăng trưởng suy giảm nhưng Chính phủ cũng cam kết sẽ đảo ngược xu hướng này. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế đang hoạt động tốt”, ông Modi cho biết.
Một con dao hai lưỡi
Ấn Độ vẫn đang quay cuồng vì 2 cú sốc diễn ra trong 12 tháng vừa qua – lệnh cấm tiền mặt của ông Modi hồi tháng 11 năm ngoái, và đợt cải cách triệt để hệ thống thuế nhằm chuyển 29 bang của nước này thành một thị trường duy nhất.
Cuộc cải tổ hệ thống thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia (GST) – vốn diễn ra hồi tháng 7/2017 – đã được ca ngợi như là một bước đi tích cực vì hệ thống này sẽ giúp đơn giản hóa hoạt động kinh doanh trong dài hạn. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa hệ thống GST đã gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng.
Shailesh Kumar, Chuyên gia phân tích tại Eurasia Group, cho hay: “Tôi lo rằng nếu người dân không hiểu cách thức hoạt động của hệ thống thuế mới thì họ sẽ ngừng việc làm ăn với các doanh nghiệp khác. Bạn đã thấy một vài dấu hiệu của việc này… khi các công ty thực sự không biết phải làm gì?”.
Chính phủ Ấn Độ cho biết đã dự đoán từ trước là tăng trưởng sẽ suy yếu, nhưng họ không ngờ lại giảm mạnh đến thế.
Các tổ chức tài chính hàng đầu lo ngại rằng nền kinh tế Ấn Độ sẽ gặp nhiều khó khăn để khôi phục lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm tài chính hiện tại từ 7.3% xuống 6.7%.
“Việc thực thi cải cách thuế có lẽ đã làm gia tăng sự không chắc chắn về triển vọng ngắn hạn”, Urjit Patel, Thống đốc RBI, cho biết.
Có khi nào ông Modi không thực hiện cam kết?
Các chuyên gia phân tích, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và thậm chí các thành viên thuộc Đảng của ông Modi đang nghi ngờ về cương vị quản lý kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ, không chỉ là do những tác động từ các sự thay đổi của ông mà còn vì những cuộc cải cách chưa thành hiện thực.
“Hiện ưu tiên của chúng tôi là đẩy mạnh các biện pháp nhằm nới lỏng luật thu hồi đất và tự do hóa thị trường lao động. Tuy nhiên, chưa xuất hiện dấu hiệu rõ ràng rằng Thủ tướng Modi thực sự có niềm tin để thúc đẩy những cải cách cần thiết dù không được lòng dân”.
Ngoài ra, còn có các lời kêu gọi cải tổ hệ thống ngân hàng. Khoảng 12% tổng khoản nợ đã trở thành nợ xấu, dựa trên dữ liệu chính thức.
Yashwant Sinha, từng là Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ và là thành viên cấp cao thuộc Đảng của ông Modi, cũng lên tiếng chỉ trích về những rắc rối mà nền kinh tế Ấn Độ đang gặp phải. Ông Sinha cho biết: “Một đợt ‘hạ cánh cứng’ là không thể tránh khỏi”.
Cần tạo thêm hàng triệu việc làm
Ông Modi đang đối mặt với muôn vàn khó khăn để ổn định nền kinh tế. Theo các chuyên gia, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là tạo thêm việc làm cho những người trẻ tuổi.
Mỗi năm có khoảng 12 triệu người dân Ấn Độ gia nhập vào lực lượng lao động, nhưng lại khó kiếm việc làm.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, có hơn 1.5 triệu người Ấn Độ mất việc làm, dựa trên một nghiên cứu của Trung Tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE) và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng./.
|