Các nhà lãnh đạo tài chính nói gì về nền kinh tế hiện nay?
Đừng ăn mừng quá sớm. Đó là thông điệp chính mà các nhà lập chính sách và nhà đầu tư đã đưa ra ở Washington trong ngày Chủ nhật sau khi họp mặt tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Đáng chú ý, tại cuộc họp này, tâm lý của các nhà lãnh đạo khá lạc quan. IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới. Thị trường chứng khoán đang trên đà tăng, chênh lệch tín dụng (credit spread) được thắt chặt, còn biến động thị trường thì ở mức thấp.
Dẫu vậy, những nhà lập chính sách của IMF vẫn lên tiếng cảnh báo rằng “không có chỗ cho sự tự mãn”. Dù đà hồi phục vẫn đang tiến triển, nhưng lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu của hầu hết các quốc gia giàu có, năng suất thấp và nhiều người không nhận thấy các lợi ích từ nhu cầu mạnh hơn.
Sau đây, Bloomberg dẫn lại những gì đã bàn luận ở Washington:
Mọi việc đâu sẽ vào đấy?
Nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương đang nắm bắt các cơ hội để giúp nhà đầu tư chuẩn bị cho chính sách tiền tệ thắt chặt khi họ dự báo sự cải thiện của tăng trưởng kinh tế rồi cũng sẽ thúc đẩy lạm phát.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen dự đoán giá hàng hóa sẽ sớm được đẩy nhanh. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Mark Carney, cũng tin vào điều này. Đây có khả năng là lần cuối cùng bà Yanet góp mặt tại cuộc họp IMF.
Janet Yellen cho rằng cần phải kiên nhẫn vì bà nhận thấy có nhiều lý do để lo lắng rằng lạm phát thấp sẽ tiếp diễn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Haruhiko Kuroda, cho biết ông sẽ duy trì chương trình kích thích khổng lồ nhằm thúc đẩy lạm phát, trong khi ông Draghi nhận định mặc dù xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tiền lương cuối cùng đã gia tăng, nhưng họ vẫn chưa đạt được mục tiêu. Các quan chức ECB đang bận rộn bàn luận về cách thức giảm bớt quy mô của các gói kích thích kinh tế mà không tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Liệu lịch sử có lặp lại?
Khi tranh luận về mức lãi suất cao hơn và tăng trưởng mạnh hơn, nỗi lo sợ về cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu vẫn ám ảnh những thành phần tham gia cuộc họp.
Giám đốc điều hành Barclays, Jes Staley, cho biết các điều kiện dễ chịu trên thị trường tài chính làm ông nhớ về năm 2006. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico (Banxico), Agustin Carstens, cho hay một số tài sản ở thị trường mới nổi có thể bị định giá quá cao.
Đáng ngạc nhiên hơn, những nhà lập chính sách bảo thủ lại tỏ ra thoải mái. Cụ thể, bà Yellen cho biết các rủi ro tác động đến sự ổn định tài chính ở Mỹ vẫn ở mức vừa phải, và ông Kuroda và ông Draghi cũng tin rằng giá trên thị trường chưa quá cao.
Nếu phán đoán sai lầm thì họ có thể gặp rắc rối vì trong bối cảnh lãi suất cực thấp, họ thiếu đi khả năng bảo vệ nền kinh tế nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde kêu gọi các quan chức lập tức xây dựng tấm đệm an toàn để chuẩn bị cho đợt suy thoái tiếp theo. Với tinh thần đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Zhou Xiaochuan cho rằng: “Khi các công ty Trung Quốc mắc nợ quá nhiều, chúng ta cần phải nỗ lực hơn để giảm bớt đòn bẩy và củng cố chính sách nhằm ổn định tài chính”.
Hiệu ứng “Donald Trump”
Các yếu tố chính trị có thể phá hỏng cuộc vui. Cụ thể, các quan chức Mexico và Canada nhận được các đề xuất cứng rắn từ Mỹ – một điều có thể hủy hoại Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Bộ trưởng Tài chính Anh, Philip Hammond, đang phải đấu tranh trước các lời kêu gọi ông từ chức vì quá bi quan về Brexit, còn các nhà điều hành của JPMorgan Chase và Goldman Sachs lên tiếng cảnh báo họ đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất của Brexit. Trong khi đó, Catalonia có lẽ vẫn đang cố gắng rời khỏi Tây Ban Nha, và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Áo lên nắm quyền sau các cuộc bầu cử hôm Chủ nhật (15/10).
Điều gì đã thúc đẩy những thay đổi trên? Đà hồi phục đã kéo dài gần 3 quý qua, nhưng quá nhiều người cảm thấy họ không nhận được lợi ích từ đà tăng trên.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|