6 ngân hàng toàn cầu chung tay tạo tiền ảo cho hoạt động thanh toán bù trừ
6 trong số các ngân hàng lớn nhất trên thế giới vừa tham gia vào một dự án nhằm tạo một loại tiền kỹ thuật số mới với hy vọng sẽ cho ra đời loại tiền này vào năm 2018 nhằm thực hiện hoạt động thanh toán bù trừ cho các giao dịch tài chính thông qua nền tảng Blockchain, CNBC cho hay.
Theo đó, 6 ngân hàng gồm Barclays, Credit Suisse, Canadian Imperial Bank of Commerce, HSBC, MUFG và State Street vừa chung tay thực hiện dự án mang tên "utility settlement coin" (Tạm dịch là “đồng tiền thanh toán tiện ích”). Được biết, đồng tiền này được ngân hàng UBS của Thụy Sỹ tạo ra với mục tiêu gia tăng tính hiệu quả trên thị trường tài chính.
Động thái trên diễn ra khi dự án "utility settlement coin" bước vào một giai đoạn phát triển mới, theo đó các thành viên của dự án phải tăng cường bàn luận với các ngân hàng trung ương và tiến hành thắt chặt về tính riêng tư của dữ liệu cũng như bảo vệ an ninh mạng.
Hyder Jaffrey, Trưởng Bộ phận Đầu tư Chiến lược và Đổi mới Công nghệ Tài chính (fintech) tại UBS, cho hay: “Chúng tôi đã bàn luận với các ngân hàng trung ương và các nhà điều hành, và quá trình này sẽ kéo dài trong 12 tháng tới với mục tiêu ra mắt một phần về phiên bản mới nhất vào cuối năm 2018”.
Công nghệ Blockchain là một phức hợp các thuật toán, theo đó cho phép các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin có thể được giao dịch và xác nhận điện tử thông qua mạng lưới máy tính mà không cần có sổ cái chính.
Lúc đầu, các ngân hàng tỏ ra hoài nghi về tiền ảo vì lo ngại về gian lận, nhưng giờ đây họ đang tìm cách khai thác công nghệ Blockchain để đẩy nhanh hệ thống thanh toán back-office, và giải phóng hàng tỷ USD gắn liền với việc hỗ trợ các giao dịch trên thị trường toàn cầu.
Lee Braine, Trưởng Bộ phận Công nghệ ở ngân hàng đầu tư Barclays, cho hay: “Blockchain là một trong những công nghệ sáng tạo nhất trên thị trường. Từ giảm thiểu rủi ro cho đến nâng cao tính hiệu quả vốn trên thị trường tài chính, chúng tôi nhận thấy rất nhiều lợi ích của dự án này”.
Đồng tiền thanh toán tiện ích – vốn ra đời dựa trên một sản phẩm do Clearmatics Technologies phát triển – nhằm cho phép các nhóm tài chính thanh toán tiền cho nhau hoặc mua chứng khoán như trái phiếu và cổ phiếu, mà không cần phải chờ đợi chuyển tiền thì mới hoàn tất giao dịch.
Thay vào đó, họ sẽ sử dụng các đồng tiền kỹ thuật số có khả năng chuyển đổi trực tiếp thành tiền mặt tại các ngân hàng trung ương, qua đó sẽ giảm bớt thời gian, chi phí, và lượng vốn cần thiết cho quá trình thanh toán bù trừ hậu giao dịch.
Đồng tiền thanh toán tiện ích – mỗi đồng tiền sẽ có khả năng chuyển đổi thành các đồng tiền khác nhau – sẽ được lưu trữ bằng cách sử dụng Blockchain, hoặc công nghệ sổ cái phân phối (distributed ledger technology), qua đó cho phép họ hoán đổi nhanh chóng thành các chứng khoán tài chính mà họ muốn giao dịch. Các thành viên hiện tại của dự án bao gồm Deutsche Bank, Banco Santander, BNY Mellon và NEX.
Ông nói thêm, kể từ thời điểm cuối năm 2018, ông hy vọng đồng tiền thanh toán tiện ích sẽ được sử dụng để các ngân hàng thanh toán cho nhau bằng các đồng tiền khác nhau. Chẳng hạn, nếu một ngân hàng nợ ngân hàng đối thủ 100 triệu USD và đối thủ nợ họ 50 triệu Bảng Anh, thì thông qua việc sử dụng đồng tiền mới, 2 tổ chức tài chính này có thể chuyển tiền cho nhau gần như là ngay lập tức.
Trước khi đồng tiền thanh toán tiện ích được sử dụng để thanh toán giao dịch chứng khoán, ông cho biết các chứng khoán này sẽ cần phải chuyển sang hệ thống Blockchain, nếu không thì các lợi ích về tốc độ xử lý và giảm lượng vốn yêu cầu sẽ biến mất.
Peter Randall, nhà sáng lập của Setl, cho biết vẫn còn quá nhiều nghi vấn về việc liệu các thanh toán sử dụng một đồng tiền của ngân hàng trung ương sẽ được xem là đủ chắc chắn và phi rủi ro để đạt được cái gọi là “giải pháp thanh toán dứt khoát” hay không.
Tuy nhiên, ông Jaffrey cho biết rằng: “Theo quan điểm về pháp lý, quản lý và kế toán, hiện tại chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi đang có một cơ cấu có thể được xem là cơ sở để cho phép chúng tôi tiến tới giai đoạn thứ 3 với một cơ cấu khả thi để đạt được ‘giải pháp thanh toán dứt khoát’”.
Ông thừa nhận rằng đồng tiền thanh toán tiện ích có thể chỉ là sản phẩm lỗi thời nếu như các ngân hàng trung ương đã tự phát hành các đồng tiền kỹ thuật số của chính mình. Tuy nhiên, ông cho hay, để điều này xảy ra, dường như phải mất nhiều năm, đặc biệt là khi các nghi vấn về chính sách công xuất hiện./.
|