Euro tăng kỷ lục sẽ khiến cho đồng USD mất đi vị thế của mình?
Uy tín của đồng USD đang rơi vào vòng nghi vấn khi đồng tiền này yếu đi và những “đối thủ” như đồng Euro và Nhân dân tệ tăng giá, một giám đốc đầu tư nói với CNBC hôm thứ Hai vừa qua.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã thể hiện tốt trong thời gian qua và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã truyền tải tín hiệu sẽ có thêm vài đợt tăng lãi suất nữa, nhưng nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về thời gian và cách thức mà chính sách này sẽ được tiến hành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đưa ra những thông tin chi tiết về cải cách thuế và chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng, vốn là hai trong những cam kết lớn nhất trong chiến dịch tranh cử của ông. Cùng với một vài vụ lùm xùm tại Nhà Trắng trong thời gian qua, điều này đã khiến các thị trường lo ngại, và nhà đầu tư từ bỏ đồng USD để quay sang các đồng tiền khác.
“Hiện có một cuộc thảo luận ngắn hạn về thời điểm của giảm bảng cân đối kế toán, hoặc giảm dần chương trình mua tài sản”, Didier Saint-George, thành viên của Hội đồng Đầu tư tại Carmignac cho CNBC biết về những bước tiếp theo dành cho Fed.
Vị Giám đốc đầu tư này đề cập tới sự tăng lên của chỉ số đồng USD trong năm 2014, khi nó bắt đầu quanh mức 80 USD, rồi tăng nhanh lên 90 USD trước khi chạm mốc 100 USD trong năm 2015. Dù Saint-George không kỳ vọng chỉ số đồng USD giảm về lại 80 USD, nhưng ông cho rằng sẽ có một sự sụt giảm từ mốc 92.425 USD hiện tại.
Trong khi đó, đồng Euro đã đạt mốc cao mới hồi hôm thứ Hai vừa qua. Đồng tiền chung của khu vực châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi so với đồng USD, không chỉ do những nghi ngờ về đồng USD, mà còn vì sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi không đưa ra bất kỳ dấu hiệu gì về những bước tiếp theo dành cho chính sách tiền tệ của ngân hàng này.
Dữ liệu kinh tế tích cực, trong đó chỉ số PMI tốt hơn kỳ vọng hồi thứ Tư tuần trước, và thặng dư tài khoản vãng lai lớn ở một số nền kinh tế trong khối eurozone, đã giúp nhà đầu tư có lòng tin để mua vào đồng Euro.
Tuy nhiên, hiện có một số rủi ro chính trị sắp xảy ra cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Viktor Nossek, Giám đốc nghiên cứu tại Wisdom Tree, nói rằng cuộc bầu cử ở Italy trong năm 2018 có thể là một vấn đề dành cho khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro.
“Chúng tôi nghĩ rằng, trong quý đầu tiên của năm tới, điều này có thể là một trở ngại vì tỷ lệ thất nghiệp hiện rất cao, Đảng dân túy “Phong trào 5 sao” đang cạnh tranh sát sao với Đảng dân chủ vì thế không có gì để cho thấy rằng rủi ro chính trị ở Italy đã chấm dứt”, ông Nossek cho biết.
Đồng USD yếu hơn là một mối đe dọa đối với các công ty châu Âu
Thế nhưng, vào thời điểm này, sự yếu đi của đồng USD là một cơn đau đầu khác đối với ECB. Khi đồng Euro mạnh hơn so với đồng USD, các sản phẩm châu Âu trở nên đắt đỏ hơn, qua đó có thể tác động đến kim ngạch xuất khẩu của châu Âu.
Các công ty hiện lo ngại về sức mạnh gần đây của đồng Euro, một điều có thể ảnh hưởng tới vị thế của ECB. Sức mạnh của đồng Euro hiện có vai trò như một áp lực giảm phát, trong khi Ngân hàng Trung ương này lại muốn nâng lạm phát lõi (core inflation) lên.
Axel Riedel, người đứng đầu bộ phận quỹ ETF SPDR của State Street Global Advisors, cho hay bài phát biểu của ông Draghi tại cuộc họp Jackson Hole hôm thứ Sáu vừa qua nói nhiều về điều hành và cải cách hơn là về chính sách tiền tệ. “Ông Draghi không muốn làm phật lòng ai trong ECB trước sự kiện tháng 9 sắp tới”, ông nói.
ECB sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 07/09 tới. Các thị trường hy vọng được nghe những dấu hiệu về cách ngân hàng này sẽ giảm gói kích thích tiền tệ của họ tại cuộc họp đó.
Đà tăng kinh tế tích cực gần đây và rủi ro chính trị giảm trên khắp eurozone đang tạo áp lực lên ECB, buộc họ phải bắt đầu giảm bớt quy mô của chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Tình hình này là không hề dễ dàng cho Chủ tịch Draghi khi ông phải giải quyết tình trạng tăng trưởng mạnh hơn, nhưng lạm phát lại thấp hơn mục tiêu của ECB và đồng Euro lại mạnh hơn trước đây.
“Khá khó cho ông Draghi vì các hàng hóa xuất khẩu đang trở nên đắt đỏ hơn. Đồng USD mạnh hơn, đặc biệt là khi bầu cử Đức đang đến gần, sẽ đe dọa nhiều hơn đến mọi thứ”, ông Riedel nói.
“Đồng USD đang đe dọa người châu Âu và các công ty Đức. Khó mà nói chúng ta sẽ đi đến đâu (trong vấn đề chính sách tiền tệ)”, ông nói thêm.
Đà tăng kinh tế trong khu vực đồng Euro cũng là nhờ vào hoạt động xuất khẩu ngày càng tăng. Theo Observatory of Economic Complexity (OEC), một trang web hiển thị dữ liệu kinh tế bằng hình ảnh của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ là điểm đến hàng đầu cho các sản phẩm Đức./.
|