Chủ nghĩa bảo hộ có thể làm tăng thâm hụt thương mại?
Trong một nghiên cứu của mình vào hôm thứ Tư vừa qua, chỉ vài ngày sau khi những người đứng đầu ngành tài chính của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) hủy bỏ cam kết dành cho thương mại mở, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng những chính sách thương mại mang tính bảo hộ có thể làm gia tăng, thay vì giảm bớt, thâm hụt thương mại của một quốc gia, Reuters đưa tin.
Trong quá trình tìm cách làm giảm bớt thâm hụt thương mại nghiêm trọng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đề xuất một loạt biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như áp dụng các loại thuế nhập khẩu mới.
Nhà Trắng cũng muốn thảo luận lại một số mối quan hệ thương mại của mình, trong đó có hai đối tác quan trọng là Đức và Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đều đang có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cao hơn kim ngạch nhập khẩu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thật vậy, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), yêu cầu xem xét lại Thỏa thuận Thương mại Tự do Khu vực Bắc Mỹ (NAFTA) và từ chối tái khẳng định cam kết dành cho thương mại mở và tự do tại cuộc họp G20 hồi cuối tuần qua, làm dấy lên lo sợ rằng thương toàn cầu sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, các tác giả của cuộc nghiên cứu trên tại ECB - được xuất bản trong bản tin kinh tế thường kỳ của tổ chức này - tin rằng “công thức” ngược lại là cần thiết.
Họ cho rằng tự do hóa thương mại toàn cầu và nhập khẩu hàng hóa trung gian rẻ hơn giúp cải thiện tính cạnh tranh, giúp các công ty giữ được lợi thế của họ đối với các đối thủ quốc tế và gia tăng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó.
“Việc chấp nhận các chính sách mà làm cho sự đổi mới trở nên dễ dàng và giảm những rào cản bảo hộ có thể giúp cải thiện tính cạnh tranh của một nền kinh tế. Các sáng kiến đa phương nhằm vào tự do hóa tài chính và thương mại cũng có thể làm giảm bớt sự mất cân bằng bên ngoài của một nền kinh tế”, báo cáo của ECB viết.
“Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu có thể mang lại cho một nền kinh tế lợi thế cạnh tranh tạm thời, dẫn đến – để tối ưu hóa tiêu chuẩn sống bằng một sự cân bằng hợp lý trong chi tiêu và tiết kiệm theo thời gian – sự gia tăng trong cán cân tài khoản vãng lai”, ECB cho biết thêm.
Cuộc nghiên cứu cũng dường như bác bỏ “cáo buộc” của chính quyền Mỹ rằng các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai lớn có thể đang sử dụng những hành động thương mại không công bằng.
Thay vào đó, họ tranh luận rằng các quốc gia sẽ xem lợi thế cạnh tranh của họ là tạm thời, và sẽ hành xử thận trọng vì họ mong những quốc gia khác sẽ tự do hóa thương mại để cải thiện sự hiệu quả của riêng họ và khôi phục khả năng cạnh tranh.
“Kết quả là, để tối ưu hóa tiêu chuẩn sống bằng một sự cân bằng hợp lý trong chi tiêu và tiết kiệm theo thời gian, một phần của thu nhập có được trong nền kinh tế nội địa sẽ được tiết kiệm, giúp cải thiện cán cân tài khoản vãng lai”, ECB cho biết thêm.
Tổ chức này nói thêm rằng nếu lợi thế đó được xem là vĩnh viễn, thì cán cân tài khoản vãng lai có thể trở nên tệ hơn khi tiêu dùng và nhập khẩu tăng để tương xứng với thu nhập./.
|