Có khi nào dầu sẽ rớt về 30-35 USD/thùng?
Khi gặp mặt ở Kuwait vào ngày Chủ nhật tới, các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được kỳ vọng sẽ tỏ ra vui mừng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng và họ nên hướng tới khả năng mở rộng thỏa thuận vào tháng 5/2017, CNBC cho hay.
* OPEC có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng
* Các nhà sản xuất ngoài OPEC chỉ tuân thủ 64% thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng 2
Điều này sẽ góp phần hỗ trợ giá dầu sau khi trượt dốc 10% trong thời gian gần đây vì nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào đầu tháng 3/2017. Cụ thể, hợp đồng dầu Brent tương lai đã rớt mốc tâm lý quan trọng 50 USD/thùng trong tuần này.
Theo dự kiến, các đại diện của 5 quốc gia phụ trách giám sát sẽ xem xét lại mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày của các quốc gia thành viên vào cuối tuần này. Với tư cách là Chủ tịch OPEC, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út cũng sẽ tham dự cuộc họp cùng với đại diện từ 5 quốc gia thuộc ủy ban giám sát – gồm Kuwait, Algeria, Venezuela, Nga và Oman.
“Nếu không có thỏa thuận cắt giảm sản lượng, tôi nghĩ có thể đặt mục tiêu giá dầu nằm trong vùng từ 30-35 USD/thùng. Tâm trí tôi cứ lo lắng liệu họ có kéo dài thỏa thuận hay không”, Gene Marcial, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, cho hay. “Ả-rập Xê-út cần nguồn thu từ giá dầu cao hơn. Họ biết khoảng giá từ 30-35 USD/thùng sẽ gây rắc rối lớn đến nguồn thu”.
Thỏa thuận được ký kết vào tháng 12/2016 giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã góp phần ổn định giá dầu trên mức 50 USD/thùng trong nhiều tuần qua. Cụ thể, khi thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 1/2017, giá dầu Brent đã vượt mức 58 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) thì ở mức 55 USD/thùng. Niềm tin vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã thu hút nhà đầu tư vào thị trường dầu. Kết quả là số lượng người đầu tư vào các hợp đồng dầu tương lai đã tăng lên mức kỷ lục.
* Mỹ đang “ăn” miếng bánh thị phần dầu của OPEC
* OPEC chuẩn bị đối đầu với các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ?
Tuy nhiên, vào đầu tháng 3/2017, các nhà sản xuất dầu ở Mỹ, vốn bị thu hút bởi giá dầu ổn định hơn, đã trở lại thị trường và tiếp tục gia tăng sản lượng của mình. Trong đó, sản lượng dầu của Mỹ hiện đang ở mức 500 thùng/ngày, qua đó làm dấy lên lo ngại về tinh trạng dư cung. Cũng chính tình trạng dư cung đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư và khiến họ nghi ngờ về thỏa thuận giữa các nhà sản xuất. Mối nghi ngờ ngày càng dâng cao khi Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út nhấn mạnh một lần nữa rằng vương quốc này sẽ không gánh vác trách nhiệm về các đợt cắt giảm sản lượng nếu các nhà sản xuất khác không tuân thủ theo thỏa thuận. Các nhận định của ông Al-Falih được đưa ra tại hội nghị năng lượng CERAWeek ở Houston. Và cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Năng lượng Iraq tiết lộ rằng quốc gia đang hướng tới mục tiêu sản lượng 5 triệu thùng vào giữa năm 2017, qua đó cho thấy dấu hiệu họ đang gia tăng sản lượng.
“Ả-rập Xê-út rõ ràng đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ rằng họ sẽ không thực hiện điều này một mình, và họ cũng không là nhà sản xuất chi phối (swing producer) và tạo cơ hội cho những nhà xuất khẩu khác. Đây là một sự khẳng định lại vị thế của Ả-rập Xê-út. Họ đang đóng vai trò ổn định thị trường nhưng họ không muốn đóng vai trò của swing producer”, Daniel Yergin, Phó Chủ tịch của IHS Markit và là nhà tài trợ của hội nghị CERAWeek vào đầu tháng 3/2017.
Đối với cuộc họp vào ngày Chủ nhật này, “tôi kỳ vọng họ sẽ khẳng định lại vị thế và cho thấy mức độ tuân thủ cao”, ông Yergin cho biết.
Góp phần ủng hộ cho OPEC, các nhà phân tích đã đưa ra một sự thật là mức độ tuân thủ của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC dường như tốt hơn dự báo rất nhiều. OPEC không cho thấy tình trạng dư cung quá mức như trong quá khứ.
“Đối nghịch hoàn toàn với các thỏa thuận trước đó, mức độ tuân thủ đang rất cao. Đây rõ ràng là yếu tố đẩy giá dầu lên cao vào đầu năm 2017”, ông Yergin chia sẻ. “Sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư là khá rõ ràng”.
Helima Croft, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC, đồng ý rằng mức độ tuân thủ thỏa thuận rất cao, sau khi lo ngại về các quốc gia như Iraq, và thậm chí Nga sẽ không tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Theo nguồn tin từ Reuters, Ả-rập Xê-út dự định giữ nguồn cung theo đúng hạn ngạch ở mức 10 triệu thùng/ngày cho dù có xảy ra điều gì với sản lượng dầu đi chăng nữa.
“Tôi nghĩ Iraq sẽ là chủ đề của cuộc bàn luận và liệu sẽ có bất kỳ động thái mềm dẻo nào dành cho Iraq. Liệu bạn có thể buộc họ cắt giảm 210,000 thùng hay không?”, bà Croft cho biết. Tuy nhiên, bà hy vọng ủy ban giám sát mức độ tuân thủ sẽ ủng hộ thỏa thuận và quyết định mở rộng thỏa thuận này tại cuộc họp tháng 5/2017 của OPEC. Trong khi đó, Kuwait đã cho thấy dấu hiệu quốc gia này muốn kéo dài thỏa thuận.
“Chúng tôi đi từ những cuộc thảo luận nảy lửa về việc liệu OPEC có gian lận hay không và họ có cùng nhau thực hiện hay không, cho đến việc xem xét lại những gì OPEC đã thực hiện cho đến nay. Rõ ràng mọi thứ đang tiến triển rất tốt đẹp”, bà cho biết.
Bà Croft cho rằng việc tái cân bằng nguồn cung toàn cầu đang diễn ra, bất chấp việc dự trữ dầu tại Mỹ tiếp tục tăng cao. Thật vậy, nguồn cung dầu ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 533.1 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Ngoài ra, Mỹ còn sản xuất 9.1 triệu thùng/ngày.
“Mọi người dường như đang hướng mắt về phía Mỹ… Tuy nhiên, nếu xem xét các quốc gia bên ngoài nước Mỹ như Nhật Bản thì sẽ nhận ra là đang có sự tái cân bằng trong thị trường cung cầu”, bà cho biết.
Bà Croft nghĩ rằng nhà lãnh đạo của các quốc gia sản xuất dầu sẽ có động lực để đồng ý nới rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng do các mối lo ngại về nguồn thu của nước họ. “Liệu họ có thực sự muốn giá dầu rơi xuống vùng 30-39 USD/thùng?”, bà nói thêm.
Ngoài ra, bà hy vọng Tổng Thư ký OPEC Mohammad Sanusi Barkindo sẽ khẳng định lại tinh thần hợp tác giữa các nhà sản xuất sau cuộc họp vào cuối tuần này. “Barkindo rõ ràng ý thức được thị trường dầu đang ở đâu vào lúc này, và bất kỳ các dấu hiệu không tuân thủ thỏa thuận ở OPEC nào cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Ông ấy biết rõ điều đó”, bà nói rõ.
Một số nhà phân tích đang hạ thấp kỳ vọng giá vì nguồn cung dầu lên mức quá cao. Trong ngày thứ Năm, JPMorgan đã hạ dự báo giá trong 6 tháng cuối năm 2017, đồng thời hạ mục tiêu giá dầu trong năm 2017 xuống 55.75 USD/thùng đối với dầu Brent, thấp hơn dự báo trước đó là 58.75 USD/thùng. Ngoài ra, tổ chức này còn hạ dự báo giá dầu Brent năm 2018 từ 60 USD/thùng xuống chỉ còn 55.60 USD/thùng.
Ông Yergin cho biết đà sụt giảm của giá dầu có thể tác động nặng nề đến các nhà sản xuất. “Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến suy nghĩ khác về hoạt động khoan dầu trong 6 tháng cuối năm 2017”, ông cho hay./.
|