Nhà đầu tư đang quá lạc quan về kinh tế Mỹ?
Có dấu hiệu cho thấy có lẽ nhà đầu tư đang hơi quá phấn khích với thị trường chứng khoán (TTCK) ở khắp mọi nơi, Barron đưa tin.
Nouriel Roubini, CEO của Roubini Macro Associates
|
Tiền vẫn đang chảy vào các quỹ ETF như chưa bao giờ xảy ra trước đây, đẩy các cổ phiếu tăng giá cao hơn. Thật vậy, như Financial Times cho biết, theo ETFGI, một công ty tư vấn có trụ sở ở Luân Đôn, 131 tỷ USD đã chảy vào các quỹ đầu tư chỉ số trong 2 tháng đầu năm 2017.
Điều này là do tiếp nối thành quả của năm “phá kỷ lục” 2016, thời điểm mà các giám đốc quỹ ETF thu về thêm hơn 390 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, chỉ riêng các dòng tiền đổ về trong 2 tháng đầu năm nay cũng đã bằng 1/3 tổng lượng tiền thu về trong năm ngoái.
Ngoài ra, Chỉ số Biến động CBOE, một thước đo phổ biến về nỗi sợ hãi trên thị trường, đang ở gần các mức thấp lịch sử. Thậm chí, cụm từ nghe có vẻ tự phụ – “tâm lý bầy đàn” – đã liên tục xuất hiện trở lại trong giới truyền thông tài chính.
Không còn nghi ngờ gì nữa, một chất xúc tác lớn cho sự lạc quan trên thị trường này là sự đắc cử của tỷ phú Donald Trump và niềm hy vọng rằng ông ấy, cùng với một Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ đạt được một “cú ăn ba” gồm: thuế thấp hơn và đơn giản hơn, nới lỏng quản lý dành cho một số ngành, và một kế hoạch chi tiêu khổng lồ dành cho cơ sở hạ tầng.
“Tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng phản ánh một giả thuyết đang ăn sâu trong tâm lý người Mỹ rằng sự nới tay trong quản lý và giảm thuế luôn có tác dụng giải phóng tinh thần doanh nhân, khuyến khích tăng trưởng, mang đến những thay đổi”, nhận định của Mohamed El-Erian, cố vấn trưởng về kinh tế của Allianz, công ty mẹ ở Đức của Pimco.
Tuy nhiên, El-Erian chỉ ra rằng “tâm lý không phải lúc nào cũng là một thước đo chính xác đối với các diễn biến và triển vọng kinh tế thật sự”.
Ông nhắc lại chuyện Robert J. Shiller, chuyên gia kinh tế tại Đại học Yale, người từng đạt giải Nobel, đã cho thấy rằng sự lạc quan có thể phát triển thành “sự phấn khích vô lý”, theo đó nhà đầu tư đã đẩy những vụ định giá tài sản lên tới mức “chẳng ăn nhập gì” với các nền tảng kinh tế.
“Họ có thể giữ những định giá ấy ‘cao ngất’ trong một thời gian, nhưng chỉ tới mức mà tâm lý có thể dẫn dắt các công ty và nền kinh tế tới”, El-Erian nói. “Cho đến nay, phản ứng phấn khích quá mức của các thị trường đối với chiến thắng của ông Trump – thể hiện qua việc tất cả những chỉ số chứng khoán của Mỹ đã đạt mức kỷ lục nhiều lần – đã không được phản ánh trong ‘các dữ liệu cứng’. Thêm vào đó, các nhà dự báo kinh tế chỉ có những thay đổi khiêm tốn đối với các dự báo tăng trưởng của họ”.
El-Erian thừa nhận hiện Mỹ có nền tảng tương đối mạnh để đạt được đà tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. “Nhưng vẫn còn phải làm thêm nhiều điều. Nếu chính quyền ông Trump không thể khiến các thành viên trong Quốc hội hợp tác với nhau để chuyển những dự định thúc đẩy thị trường thành những hành động tạo dấu ấn tốt sớm, thì những ‘dữ liệu cứng’ ì ạch có nguy cơ làm giảm bớt sự tin tưởng, tạo ra những trở ngại hơn cả biến động tài chính”, ông kết luận.
Trong khi đó, Nouriel Roubini, CEO của Roubini Macro Associates và là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng nhờ dự đoán trúng lần sụp đổ của thị trường nhà đất trong năm 2007, 2008, cũng tin rằng: “[Các thị trường] đang đánh giá quá cao những điểm tích cực trong các chính sách của Mỹ dưới thời ông Trump. Cơ sở hạ tầng, chương trình kích thích, sự nới lỏng quản lý, cắt giảm thuế: Tôi nghĩ ông Trump sẽ đạt được ít hơn nhiều trong những mục tiêu đó”.
Roubini nói thêm rằng việc kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của chính quyền mới dành cho nước Mỹ cũng mang lại một thách thức: Chương trình kích thích tài khóa sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) siết chặt hơn. Họ sẽ đẩy lãi suất và đồng USD lên “theo cách mà sẽ làm yếu đi nền kinh tế Mỹ theo thời gian”, ông nói.
Ông thừa nhận rằng cái gọi là “tâm lý bầy đàn” có thể không biến mất quá sớm.
“Trong 6 đến 12 tháng tới, có thể những điều tích cực sẽ thống trị vì bạn có tâm lý bầy đàn, sự tin tưởng của doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng lên, bạn sẽ có hành động chính sách nào đó. Nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng và hy vọng rằng những điều tích cực đó sẽ kéo dài trong một thời gian”, ông nói.
Mặt khác, ông nói thêm, “càng có thêm xung đột thương mại, sẽ càng có hạn chế về vấn đề di trú. Gói kích thích này càng “khủng”, bắt buộc Fed phải siết chặt thêm nữa và nhanh hơn, thì một vài điểm trong những tiêu cực này càng bắt đầu ảnh hưởng đến các thị trường và tăng trưởng kinh tế theo thời gian”./.
|