Phân tích cơ bản trong đầu tư ngoại hối (kỳ 1): Các yếu tố ảnh hưởng chủ yếu
Thị trường ngoại hối là thị trường tài chính lớn nhất thế giới và là điểm đến của rất nhiều nhà đầu tư. Ở đó có nhịp độ nhanh và cung cấp nhiều cơ hội trong mọi thời gian giao dịch. Thị trường ngoại hối trở thành một thị trường giao dịch sôi động với giá trị giao dịch hằng ngày là hơn 4 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường đầy rủi ro. Khi một người có lời đồng nghĩa với việc một người khác đang phải chịu lỗ, bởi lẽ rủi ro và lợi nhuận luôn song song cùng tồn tại. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu phương pháp phân tích cơ bản trong đầu tư ngoại hối giúp giảm thiểu ro trong quá trình đầu tư.
Ngoại hối là gì?
Ngoại hối (foreign exchange) là ngoại tệ và các phương tiện có giá trị dùng chi trả trong thanh toán quốc tế. Có thể chia làm các loại sau:
Ngoại tệ bao gồm tiền giấy, tiền kim loại, tiền tín dụng.
Các phương tiện thanh toán quốc tế ghi bằng ngoại tệ như hối phiếu (bill of exchange), séc (cheque), kỳ phiếu (promissory note), thư chuyển tiền (mail transfer), điện chuyển tiền (telegraphic transfer)....
Các chứng khoán có giá ghi bằng ngoại tệ gồm cổ phiếu (stock), trái phiếu quốc gia (government loan), trái phiếu kho bạc (treasury bill), Vàng tiêu chuẩn quốc tế, Các đồng tiền tập thể như đồng SDR (special draw right – quyền rút vốn đặc biệt) của IMF hay đồng euro (EUR) của Liên minh tiền tệ châu Âu.
Phân tích cơ bản trong đầu tư ngoại hối
Phân tích cơ bản là việc phân tích sức mạnh kinh tế tài chính, xã hội và chính trị, có ảnh hưởng đến việc cung cầu của một tài sản. Mục tiêu là nếu triển vọng kinh tế hiện tại hoặc tương lai của một quốc gia là tốt, thì đồng tiền của họ sẽ vững chắc và ngược lại đồng tiền của một quốc gia sẽ giảm giá nếu triển vọng kinh tế xấu.
Những yếu tố chính ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái
Yếu tố kinh tế: Bao gồm chính sách kinh tế được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ và các ngân hàng trung ương và các điều kiện kinh tế được bộc lộ thông qua các báo cáo, chỉ số kinh tế.
Chính sách kinh tế của chính phủ bao gồm chính sách tài khóa – thực hành ngân sách,chi tiêu Và chính sách tiền tệ – các phương tiện mà ngân hàng trung ương áp dụng trong việc điều tiết thị trường.
Thâm hụt hoặc dư thừa ngân sách của chính phủ: Các thị trường thường phản ứng tiêu cực trong trường hợp thâm hụt ngân sách chính phủ và tích cực khi các khoản thâm hụt được thu hẹp lại. Các tác động được phản ánh trong giá trị của đồng tiền một quốc gia.
Cân bằng các mức độ và xu hướng thương mại: Các dòng chảy thương mại giữa các quốc gia cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, từ đó cho thấy nhu cầu đối với đồng tiền của một quốc gia để từ đó tiến hành thương mại hóa. Thặng dư và thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ phản ánh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của một quốc gia. Ví dụ, thâm hụt thương mại có thể có một tác động tiêu cực đến đồng tiền của một quốc gia.
Mức độ và xu hướng lạm phát: Thông thường một đồng tiền sẽ mất giá nếu lạm phát cao trong nền kinh tế hoặc nếu mức độ lạm phát được cảm nhận là sẽ tăng lên. Điều này là do lạm phát làm giảm sức mua, tuy nhiên một đồng tiền đôi khi có thể tăng mạnh khi lạm phát tăng do kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất ngắn hạn để chống lại lạm phát.
Tăng trưởng và sức khỏe nền kinh tế: Các báo cáo như GDP, mức độ việc làm, doanh số bán lẻ, số đơn đặt hàng và những chỉ tiêu khác phản ánh mức tăng trưởng kinh tế và sức khỏe của một quốc gia. Nói chung, nền kinh tế của một quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đồng tiền vì thế cũng tăng lên và các nhu cầu trong nền kinh tế cũng tăng lên.
Năng suất của một nền kinh tế: Tăng năng suất trong một nền kinh tế tích cực nên ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi năng suất tăng cao thì giá trị của hàng hóa, dịch vụ cũng tăng lên làm đồng tiền của quốc gia đó trở nên có giá hơn.
Điều kiện chính trị
Điều kiện và các sự kiện chính trị nội bộ, khu vực và quốc tế có thể ảnh hưởng sâu sắc trên thị trường tiền tệ. Tỷ giá hối đoái sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi có một sự mất ổn định chính trị, biến động chính trị và bất ổn có thể có một tác động tiêu cực đến nền kinh tế của một quốc gia. Ví dụ, sự mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đồng tiền của Hàn Quốc và Triều Tiên. Tương tự như vậy, ở một đất nước gặp khó khăn về tài chính, sự nổi lên của một phe nhóm chính trị có thể sẽ khiến tình hình chính trị của quốc gia đó bất ổn. Ngoài ra các sự kiện trong một quốc gia trong khu vực nếu như có diễn biến tiêu cực với một quốc gia khác thì cũng sẽ ảnh hưởng đến đồng tiền của mình.
Tâm lý thị trường
Tâm lý thị trường được biểu hiện theo nhiều cách sau:
Bất ổn chính trị hoặc kinh tế: Nếu chúng ta đang sống trong một giai đoạn bất ổn về chính trị thì tâm lý lo sợ đồng tiền sẽ mất giá, điều này sẽ càng làm tồi tệ hơn khi người ta sẽ bán tháo đồng tiền quốc nội để chạy vào một lớp tài sản an toàn hơn ví dụ như chính phủ sắp thực hiện việc đổi tiền. Cũng tương tự như thế nếu là một bất ổn kinh tế thì người ta cũng lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ buộc chính phủ phải thực hiện các biện pháp mang tính nới lỏng trong nền kinh tế, hiển nhiên điều này làm cho người ta lo ngại rằng kinh tế suy yếu thì đồng tiền cũng sẽ giảm theo.
Đầu cơ ngắn hạn: “Mua tin đồn, bán sự thật” Câu nói này cũng có thể áp dụng trên các thị trường tài chính khác nhau. Đó là xu hướng cho giá của một loại tiền tệ để phản ánh tác động của một hành động cụ thể trước khi nó xảy ra và khi các sự kiện được mong đợi đến thì lúc này đây có thể sẽ phản ứng ngược lại với những gì chúng ta mong muốn.
Trong hình giá chỉ số US Dollar Index giảm rất mạnh khi có tin FED nâng lãi suất thêm 0.25%. Điều này trái ngược với suy đoán của mọi người là Dollar Index sẽ tăng nếu tin nâng lãi suất được công bố.
Ở kỳ 2, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn các chỉ báo và chỉ số kinh tế vĩ mô, ý nghĩa và tác động của chúng.
|