3 xu hướng kinh tế nào sẽ diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương trong 2017?
Sự bất ổn vẫn còn “ám ảnh” cả các nền kinh tế đang phát triển lẫn nền kinh tế phát triển trong năm 2017, theo Euromonitor.
Nghiên cứu mới nhất của Euromonitor, Global Economies and Consumers in 2017 (tạm dịch: Người tiêu dùng và kinh tế toàn cầu trong năm 2017), đưa ra dự báo về những tác động kinh tế do biến đổi chính trị mang lại – như việc Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, Brexit hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu. Bên cạnh đó, việc dân số già đi cũng gây khó khăn cho các quốc gia trong việc cải thiện năng suất lao động và giảm nợ.
Và mặc dù các bằng chứng về những thách thức kinh tế này có thể tìm thấy ở hầu hết mọi nơi nhưng mỗi khu vực sẽ phải đối diện với những trở ngại của riêng mình. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng vậy.
Sau đây là dự báo về 3 xu hướng kinh tế sẽ diễn ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017 do Forbes ghi nhận.
Trung Quốc hạ cánh cứng
Phần lớn các cuộc thảo luận về tình trạng kinh tế Trung Quốc đang tập trung vào những mối đe dọa từ chính quyền Donald Trump.
“Thái độ thù địch của chính quyền mới ở Mỹ đã làm gia tăng rủi ro căng thẳng quân sự ở Biển Đông và hàng rào thuế quan trong hoạt động thương mại giữa 2 nước”, Ugne Saltenyte, Giám đốc Phân tích Vĩ mô tại Euromonitor, cho hay. Nếu lời cam kết áp đặt mức thuế 45% lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Donald Trump trở thành sự thật thì GDP của Trung Quốc có thể bị tác động nặng nề.
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc còn chịu áp lực khi phải vật lộn với các quyết định được đưa ra để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC). Chính các quyết định này đã dẫn tới sự bùng nổ về tín dụng tại Trung Quốc.
“Chính phủ Trung Quốc đã đối phó với GFC bằng các chương trình kích thích tài khóa và tín dụng. Chính điều này đã gia tăng tốc độ tăng trưởng tín dụng của các dự án đầu tư có lợi nhuận thấp”, Saltenyte cho hay.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng đảo ngược những chính sách tài khóa đó nhưng dường như vẫn không đủ để ngăn cản sự gia tăng của tỷ lệ nợ xấu trong năm 2017. Nếu kịch bản này xảy ra thì rất có khả năng nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái nhẹ vào quý 3/2017. Còn trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, qua đó có thể tác động đến các đối tác khu vực của Trung Quốc.
“Theo kịch bản này, GDP của Australia vào cuối năm 2018 sẽ giảm 2.3% so với dự báo hiện tại của chúng tôi, GDP của Hàn Quốc sẽ sụt 3.2% và GDP Đài Loan lao dốc 4.1%”, Saltenyte cho biết.
Giá hàng hóa tăng mạnh
Theo báo cáo, hàng hóa sẽ hồi phục và thoát đáy trong năm 2017.
Cụ thể hơn, giá dầu khí được dự báo tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2017 cùng với sự gia tăng nhu cầu về quặng kim loại. Trong đó, nhu cầu ở Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ thúc đẩy giá của hàng hóa này.
Đây có thể là một thông tin tốt dành cho Australia, một trong những nền kinh tế thị trường hỗn hợp lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2003, nền kinh tế Australia đã có thành quả vô cùng ấn tượng nhờ sự gia tăng nhu cầu hàng hóa Australia từ Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác trong suốt giai đoạn giá hàng hóa tăng cao.
Tuy nhiên, đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu của quốc gia này đối với hàng hóa của Australia.
“Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư liên quan đến khai khoáng sẽ tiếp tục suy giảm và có thể dẫn tới sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp”, Roshni Wani Thapa, Chuyên gia phân tích kinh tế và người tiêu dùng tại Euromonitor, cho hay.
Hơn nữa, mô hình vĩ mô quốc tế của Euromonitor dự báo rằng việc hạ cánh cứng của Trung Quốc trong quý 3/2017 có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP thực của Australia bớt 0.5% trong năm 2017 và 1.6% trong năm 2018.
Năng suất cao
Trong năm 2017, dường như khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chạm đến một cột mốc quan trọng. Cụ thể, khu vực này sẽ sản xuất tới 40% sản lượng công nghiệp toàn cầu và 70% hàng hóa công nghệ cao.
Đây phần lớn là do các ông lớn công nghệ ở khu vực, như Hàn Quốc – nơi mà lĩnh vực viễn thông chuẩn bị tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2017.
“Các nhà điều hành ở quốc gia này chuẩn bị cho ra mắt mạng lưới 5G trong vài năm tới, qua đó sẽ góp phần củng cố mạng lưới kết nối mọi thứ (Internet of Things, IoT) và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số”, Swarnava Adhikary, Chuyên gia phân tích cấp cao về kinh tế và người tiêu dùng tại Euromonitor, cho hay.
Tuy nhiên, Hàn Quốc có thể đối mặt với một số thách thức nhất định có thể cản trở sự tiến bộ trong lĩnh vực viễn thông, chẳng hạn như những bất an bên ngoài./.
|