[Inforgraphic]
Bức tranh toàn cảnh về NAFTA kể từ năm 1994
Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1994, qua đó loại bỏ tất cả hàng rào thuế quan lẫn các hạn chế về thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico, Business Insider cho hay.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã vận động tích cực để hoàn tất NAFTA, cho biết thỏa thuận này sẽ khuyến khích các quốc gia khác tiến tới một hiệp ước thương mại thế giới rộng hơn. “NAFTA đem lại việc làm cho người Mỹ và cả những việc làm có thu nhập cao. Nếu tôi không tin vào điều này thì tôi đã không ủng hộ NAFTA”, Bill Clinton cho hay.
Tuy nhiên, Ross Perot - từng là ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong năm 1992 và 1996 - lại có một quan điểm rất khác. Trong lúc vận động mọi người phản đối NAFTA, ông lưu ý rằng nếu thỏa thuận này được thông qua thì lượng việc làm sẽ chuyển sang Mexico.
Một thế giới phức tạp
20 năm sau khi ký kết, NAFTA lại là một chủ đề vô cùng nóng bỏng. Donald Trump cho biết ông đang trong tiến trình tái thương lượng NAFTA và nhiều người Mỹ có vẻ đồng tình với hành động này của ông Trump.
Trong 2 thập kỷ qua, tình hình chính trị lẫn kinh tế đã thay đổi rất nhiều. Cụ thể, Trung Quốc đã trỗi dậy và tạo ra một lượng lớn lao động giá rẻ, công nghệ đã thay đổi rất nhiều, và các ngân hàng trung ương tiếp tục giữ quan điểm về các gói nới lỏng định lượng và chính sách lãi suất cực kỳ thấp. Trong một thế giới thay đổi quá nhanh như thế này, việc chỉ ra kết quả nào là do NAFTA đem lại là không hề đơn giản.
Thay vào đó, bài viết lại đưa ra một biểu đồ về cái nhìn chung về thế giới 3 quốc gia Mỹ, Canada và Mexico trước và sau khi thông qua NAFTA. Kết quả cho thấy các hiệu ứng trái chiều và điều này ít nhất sẽ vẽ ra một bức tranh về hoạt động thương mại giữa 3 quốc gia kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực trong năm 1994.
Nguồn: Visual Capitalist
|
NAFTA: Các thông số trái chiều
Về khía cạnh tích cực, NAFTA tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới bao gồm 450 triệu người, trong đó giá trị thương mại giữa 3 quốc gia thành viên đã tăng từ 296 tỷ USD lên 1.14 ngàn tỷ USD trong suốt giai đoạn 1993-2015.
Hơn nữa, NAFTA có lẽ đã hạ giá hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm, xe hơi, quần áo và thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, thỏa thuận này còn làm giảm sự lệ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Cụ thể, trong năm 1994, 59% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ xuất phát từ OPEC. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống chỉ còn 44% tại thời điểm này, khi Mỹ dần chuyển sang nhập khẩu dầu từ Canada. Và hiện Canada là nguồn nhập khẩu dầu hàng đầu của Mỹ.
Các tác động tiêu cực đối với Mỹ
Ngoài ra, NAFTA còn dẫn tới sự gia tăng trong số lượng việc làm của lĩnh vực sản xuất xe hơi. Mặc dù số lượng xe hơi được sản xuất ở Bắc Mỹ đã tăng từ 12.5 triệu (1990) lên 18.1 triệu (2016), nhưng tỷ trọng xe hơi sản xuất được đã thay đổi rất nhiều.
Nguồn: Visual Capitalist
|
Cụ thể, hiện Mexico đang sản xuất 20% trong tổng số xe hơi ở Bắc Mỹ và tỷ trọng xe hơi sản xuất của Mỹ và Canada đã giảm sút dần theo năm tháng. Đáng chú ý hơn, chính điều này đã hủy hoại hàng trăm ngàn việc làm ở Michigan (Mỹ) và Ontario (Canada).
Cuối cùng, bảng dưới đây so sánh các chỉ báo vĩ mô của Mỹ trong giai đoạn 1980-1993 (trước NAFTA) so với giai đoạn 1994-2016 (sau NAFTA).
Đây là những thay đổi đối với Mỹ:
Nguồn: Visual Capitalist
|
Có thể thấy, nền kinh tế Mỹ dường như đi xuống trong giai đoạn sau khi NAFTA được ký kết. Cụ thể, tăng trưởng GDP thực giảm từ 2.8% xuống còn 2.5%, tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu cũng hạ từ 5.7% xuống 4.9%, tăng trưởng GDP trên đầu người (theo PPP) giảm đáng kể từ 5.9% xuống 3.3% và chỉ số đo lường bất bình đẳng đã tăng lên từ 34.2 lên 37.4. Chỉ riêng tỷ lệ thất nghiệp có chuyển biến tích cực với đà giảm từ 7.1% xuống còn 5.9%.
Mặc dù đây không phải là một phân tích toàn diện, nhưng cũng cho thấy sự thay đổi quan trọng kể từ khi NAFTA được thông qua./.
|