Thứ Hai, 25/07/2016 09:48

Cổ phiếu nào sẽ rơi vào “tầm ngắm” của nhà đầu tư?

PXS, BHS, BTPSVC là các cổ phiếu được các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị nhà đầu tư nên mua hoặc nắm giữ trong thời gian này.

PXS: Nắm giữ với giá mục tiêu 18,500 đồng/cp

CTCK Đại Nam (DNSE) khuyến nghị mua và nắm giữ dài hạn cổ phiếu PXS của CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí với giá mục tiêu 18,500 đồng/cp.

Theo DNSE nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của PXS hiện tại đang ổn định, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi với biên lợi nhuận gộp luôn ở mức trên trung bình ngành. Doanh thu trong trung hạn được đảm bảo bằng các dự án đã ký kết, đặc biệt là từ phía Bộ Quốc phòng.Theo định hướng của Công ty mẹ là Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVX), PXS sẽ phát triển lên đảm nhận thêm nhiều công trình dầu khí trên bờ, mở ra một thị trường rộng lớn để khai thác.

Hiện tại, PXS có cơ cấu tài sản tốt, lượng tiền mặt và tương đương tiền chiếm tỷ trọng cao trong tài sản ngắn hạn. Dòng tiền luân chuyển hiệu quả và luôn chủ động đáp ứng đầy đủ cho các dự án đầu tư phát triển. Hàng năm, PXS đều có mức cổ tức tiền mặt dao động từ 10-15%.

DNSE cho rằng, giá cổ phiếu của PXS đã sụt giảm nhiều và sẽ xuất hiện cơ hội đầu tư hấp dẫn. Cụ thể, do ảnh hưởng của giá dầu thế giới, thị giá của PXS đã sụt giảm tương đối sâu và hiện đang ở mức dưới giá trị thực để đầu tư dài hạn.

Xem thêm tại đây

BHS: Nắm giữ với giá mục tiêu 25,900 đồng/cp

CTCK MB (MBS) khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BHS của CTCP đường Biên Hòa với giá mục tiêu 25,900 đồng/cp, tiềm năng tăng giá 33%.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 3 niên độ 2015-2016 của BHS đạt 1,176 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2014-2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 64.5 tỷ đồng, tăng 76% cùng kỳ. Theo MBS, BHS dự báo giá đường thô sẽ tăng mạnh nên đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đường thô dự trữ và so với cùng kỳ, nguyên liệu tăng đến 474%. Vì vậy đây sẽ là lợi thế của BHS so với các doanh nghiệp cùng ngành nhất là khi giá đường đang hồi phục mạnh mẽ trở lại.

BHS đã chính thức ký hợp đồng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cho OCB, với mục tiêu chínhlà triển khai chiến lược về nguyên liệu trong giai đoạn 2016-2020. BHS sẽ sử dụng số tiền thu được để thuê đất nhằm mở rộng diện tích nông trường, qua đó tăng thêm sản lượng mía do BHS tự sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, BHS sẽ dùng một phần vốn để tái cấu trúc tài chính với mục tiêu hướng đến một cấu trúc tài chính bền vững, đảm bảo an toàn hoạt động cho Công ty.

MBS cho rằng, các khoản nợ vay của BHS luôn có mức lãi suất tương đối thấp do chất lượng tài sản của BHS đảm bảo cho các ngân hàng tin tưởng và đánh giá cao. Ngoài ra, dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của Công ty khá dồi dào nên thanh khoản của BHS luôn ổn định. Việc BHS phát hành trái phiếu đợt này là bước đi chiến lược giúp cho cấu trúc tài chính của BHS an toàn hơn và tránh được mọi rủi ro trên thị trường.

Ngày 18/03/2016, BHS đã thành lập CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Biên Hòa với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, trong đó BHS góp 98% vốn điều lệ. Đây là bước đi chiến lược về thị trường của BHS, theo đó Công ty này sẽ là trung tâm kinh doanh tất cả các sản phẩm của BHS nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp của Tập đoàn nói chung. Công ty này sẽ hoạt động chính trong các ngành bán buôn nông - lâm sản nguyên liệu, động vật sống, thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, Công ty này còn cung cấp các dịch vụ vận tải hàng hóa, cho thuê kho bãi và kinh doanh bất động sản.

Dự kiến kết quả kinh doanh quý còn lại trong năm 2016 của BHS là khả quan do đó MBS dự phóng BHS có thể đạt 4,200 tỷ đồng doanh thu và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương với EPS đạt 1,946 đồng.

Xem thêm tại đây

BTP: Nắm giữ nhờ lãi ròng 6 tháng đầu năm 2016 đạt 31 tỷ đồng

CTCK VPBank (VPBS) khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BTP của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa.

Theo VPBS, doanh thu 6 tháng đầu năm của BTP đạt 789 tỷ đồng, giảm nhẹ 7.4% so với cùng kỳ, do áp dụng giá bán trung bình của năm 2015. Sản lượng điện bán trong 6 tháng 2016 ước tăng 20% so với cùng kì năm ngoái. Giá bán trung bình trong giai đọan này thấp hơn gần 22% so với mức trung bình 6 tháng 2015 vốn. Doanh thu vì vậy suy giảm và Công ty mới chỉ hoàn thành 39.4% kế hoạch năm 2016. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm 13% so với cùng kỳ do phản ánh mặt bằng giá khí đầu vào thấp trong 6 tháng 2016. Nhờ đó lợi nhuận gộp tăng gần ba lần so với cùng kỳ lên mức 62 tỷ đồng, đẩy biên lãi gộp lên 7.9% trong 6 tháng 2016, từ mức chỉ 2.0% trong 6 tháng 2015.

Trong 6 tháng 2016, doanh thu tài chính của BTP sụt giảm mạnh 48% xuống còn 43.2 tỷ đồng, do BTP chỉ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá 25 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí tài chính của BTP cũng giảm mạnh 60.6% do không còn lỗ tỷ giá. Tính đến thời điểm 30/6/2016, BTP còn dư nợ 28.7 triệu won Hàn Quốc (tương đương với 573 tỷ đồng), trong khi tại thời điểm cuối quý 2/2016 đồng won đã giảm giá 3.8% so với cuối quý 1/2016. Nhờ đó, kết thúc quý 2/2016 BTP đạt mức lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 công ty lỗ 45 tỷ đồng sau thuế. Với mức lợi nhuận này, tính đến hết quý 2/2016 công ty đã thực hiện 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại thời điểm cuối quý 2/2016, tiền và tương đương tiền tăng 28% so với đầu năm, lên mức 375.3 tỷ đồng. Tổng nợ vay đạt 571.9 tỷ đồng, tăng nhẹ 7.9% so với đầu năm. VPBS duy trì dự phóng doanh thu 1,949 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 79 tỷ đồng cho cả năm 2016.

Xem thêm tại đây

SVC: Nắm giữ trong ngắn và trung hạn

CTCK Bản Việt (VCSC) khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu SVC của CTCP Thương mại dịch vụ tổng hợp Sài Gòn trong ngắn và trung hạn.

Theo VCSC, SVC là công ty phân phối ôtô hàng đầu với 8.5% thị phần của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Với trên 30 năm kinh nghiệm trong ngành, SVC đã phát triển được mạng lưới đại lý chính hãng trên cả nước. Phần lớn các đại lý của SVC hoạt động với mô hình 3S, qua đó mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho công ty qua việc cung cấp các dịch vụ giá trị giá tăng, bảo trì, bảo dưỡng cho khách hàng

Doanh số ôtô trong nước năm 2015 tăng trưởng 55% so với năm 2014, nhờ đó mảng kinh doanh ôtô của SVC cũng đạt kết quả khả quan với doanh số tăng 32% so với năm 2014. SVC đang mở rộng mảng kinh doanh xe ôtô du lịch và tiến tới phân phối xe tải với các thương hiệu Hino, Fuso và xe du lịch hạng sang với thương hiệu Volvo. Trong khi đó, qua việc mở rộng thêm mạng lưới đại lý, SVC có thể thu về nguồn doanh thu ổn định và lợi nhuận tốt hơn từ hoạt động cung cấp các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng và bán phụ tùng, linh kiện.

Theo VCSC, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của SVC tăng trưởng mạnh 73% chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận bất thường 105 tỷ đồng nhờ thoái vốn Công ty TNHH Savico-Vinaland. Sang năm 2016, SVC sẽ ghi nhận 60 tỷ đồng nhờ bán dự án 104 Phổ Quang. VCSC dự kiến lợi nhuận của SVC sẽ vượt kế hoạch thận trọng mà ban lãnh đạo đề ra trong năm 2016./.

Xem thêm tại đây

........................................

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 25-29/07: Sẽ xuất hiện phiên phục hồi? (24/07/2016)

>   Góc nhìn 22/07: Hạn chế giải ngân tỷ trọng lớn (21/07/2016)

>   Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang ở mức cao (21/07/2016)

>   Góc nhìn 21/07: Sẽ tiếp tục điều chỉnh? (20/07/2016)

>   Ông Nguyễn Thế Minh (VCSC): Thị trường sẽ bước vào chu kỳ điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm (20/07/2016)

>   Góc nhìn 20/07: Hạn chế sử dụng margin cao (19/07/2016)

>   Ông Trần Minh Hoàng (VCBS): Thị trường sẽ tích cực nhưng khó tăng mạnh (19/07/2016)

>   Góc nhìn 19/07: Kiểm nghiệm vùng 675-680 điểm (18/07/2016)

>   Cổ phiếu nào đáng được nhà đầu tư để ý? (18/07/2016)

>   Góc nhìn 18-22/07: Tiếp tục điều chỉnh? (17/07/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật