Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2016:
Ông Trần Minh Hoàng (VCBS): Thị trường sẽ tích cực nhưng khó tăng mạnh
Mặc dù vẫn duy trì kỳ vọng tích cực về xu hướng chung của thị trường nhưng với “con sóng lớn” đã kéo dài hơn 5 tháng, ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS) nhìn nhận thị trường trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ không thể tăng trưởng mạnh như giai đoạn vừa qua.
Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường CTCK Vietcombank
|
Thị trường đã trải qua một chu kỳ tăng kéo dài trong suốt hơn 5 tháng qua, trong khi đó, yếu tố nền tảng kinh tế lại được nhìn nhận là chưa thực sự mạnh để hỗ trợ thị trường, đặc biệt là vấn đề về tăng trưởng. Do vậy, nhà đầu tư đã có tâm lý nghi ngờ thể hiện phần nào qua việc dòng tiền có vẻ yếu đi thời gian qua. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, với kịch bản VN-Index đã chính thức vượt vùng đỉnh cũ (640 điểm) kết hợp với kỳ vọng về định hướng chính sách tiếp tục theo hướng nới lỏng, ông Hoàng cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực nhưng không thể tăng trưởng mạnh như giai đoạn vừa qua.
Theo ông Hoàng, động lực tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều thử thách và rủi ro.. Thứ nhất, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5.52%, khá thấp so với mức tăng trưởng 6.28% cùng kỳ năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng 6.7% trong năm 2016 là gần như không thể đạt được.
Thứ hai, diễn biến theo sau sự kiện Brexit cũng cần được lưu tâm. Mặc dù chưa được hiện thực hóa bằng bất kỳ văn bản pháp lý nào nhưng sự kiện này đã đánh dấu bước ngoạt chính trị lớn có thể có ảnh hưởng mạnh lên nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn. Ngoài tác động trực tiếp từ phía Anh và EU, những động thái của các Ngân hàng Trung ương cũng như các nền kinh tế lớn trên thế giới hậu Brexit cũng sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường tài chính Việt Nam.
Những yếu tố rủi ro kể trên được đánh giá là có tác động thiên nhiều hơn về dài hạn. Xét tới diễn biến trong ngắn hạn, khi VN-Index đã chính thức vượt đỉnh trong vòng 8 năm trở lại đây, thị trường nhiều khả năng tiếp tục diễn biến tích cực đặc biệt tại 2 nhóm chính là nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt chỉ số và nhóm cổ phiếu với các yếu tố cơ bản tốt, kết quả kinh doanh nổi bật.
Về nhóm cổ phiếu lưu tâm, ông Hoàng cho rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt sau khi chỉ số hình thành mặt bằng giá mới thì vai trò dẫn dắt và giữ nhịp của nhóm này là cần thiết. Ngoài ra, trong bối cảnh giá cả hàng hóa nguyên liệu đầu vào có những biến động mạnh, nhà đầu tư cũng nên dành sự quan tâm đến các doanh nghiệp được kỳ vọng tận dụng tốt diễn biến này cắt giảm chi phí và cải thiện biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, các nhóm có tin tức hỗ trợ cá biệt hay các cổ phiếu có các thương vụ mua bán, sáp nhập, thoái vốn nhà nước cũng sẽ phát sinh cơ hội sinh lời đối với các nhà đầu tư.
Khối ngoại mua ròng nhưng cũng không còn dồi dào
Xét đến dòng tiền khối ngoại, ông Hoàng nhìn nhận, với những phản ứng từ thị trường thế giới kèm theo biến động rất mạnh tại các cặp tiền tệ chủ chốt, các Ngân hàng Trung ương nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp dụng hoặc thậm chí là tăng cường các biện pháp nới lỏng. Trong khi đó, Fed nhiều khả năng sẽ phải lùi thời điểm tăng lãi suất. Như vậy, các yếu tố này sẽ giúp cho dòng vốn giá rẻ duy trì trên thị trường biên và mới nổi, bao gồm Việt Nam.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xét trên khía cạnh rủi ro, sự kiện Brexit sẽ làm tăng tâm lý e ngại rủi ro từ đó làm giảm tính hấp dẫn đối với dòng tiền của kênh đầu tư cổ phiếu, đặc biệt là khi so sánh với các kênh đầu tư khác mang tính trú ẩn như vàng hoặc một số ngoại tệ mạnh. Theo đó, khả năng xuất hiện dòng vốn ngoại mới hiện vẫn đang là dấu hỏi.
Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, dòng vốn ngoại trên thị trường dù vẫn theo xu hướng mua ròng nhưng nhiều khả năng sẽ không còn quá dồi dào như giai đoạn nửa đầu năm.
Về mặt chính sách trên thị trường chứng khoán, ông Hoàng vẫn dành sự quan tâm nhất cho nghị định 60 về nới room cho nhà đầu tư ngoại khi còn nhiều vấn đề vướng mắc khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại lựa chọn nới room điển hình như việc sau khi doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài lớn hơn 51% vốn điều lệ thì doanh nghiệp có trở thành nhà đầu tư nước ngoài và được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài trong các hoạt động đầu tư kinh doanh hay không?
Nhìn một cách dài hạn hơn, chính sách được kỳ vọng là các cơ quan nhà nước sẽ có định hướng, lộ trình cụ thể để đưa thị trường Việt Nam đủ tiêu chuẩn nâng hạng thị trường mới nổi của MSCI. Trong đó, các chính sách trước mắt là việc đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường bao gồm giao dịch chứng khoán phái sinh hay mua bán chứng khoán T0. Xa hơn là các biện pháp giúp nâng cao tính minh bạch của các doanh nghiệp trên thị trường./.
|