Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang ở mức cao
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt (BVS), khi mà đa số các dòng cổ phiếu dẫn dắt đã đạt được biên độ hồi phục khá ấn tượng thì rủi ro điều chỉnh ngắn hạn của thị trường chứng khoán cũng tăng dần và hiện đang đứng ở mức cao.
Thị trường sẽ cần thời gian điều chỉnh để xác lập mặt bằng giá
Nhìn lại 6 tháng đầu năm, ông Bình đánh giá thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có nhịp tăng trưởng khá ấn tượng, trên thực tế là sóng tăng kéo dài nhất, đồng thời bứt phá thành công vượt dải đi ngang trong vòng 2 năm trở lại đây. Theo đó, dòng tiền nội đã giúp thị trường tạo đáy và đi lên trong quý 1 nhưng dòng tiền ngoại lại là nhân tố chính giúp tạo động lực bứt phá cho thị trường trong quý 2.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho diễn biến thị trường thời gian qua như chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN đã kích thích dòng vốn nội, sự hồi phục của giá dầu nâng đỡ nhóm cổ phiếu dầu khí, diễn biến tích cực của TTCK toàn cầu cùng môi trường ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước và lộ trình mở room ngoại tại một số nhóm cổ phiếu đã kích thích động thái giải ngân mạnh mẽ của khối ngoại.
Tuy nhiên, theo ông Bình, sau một nhịp tăng kéo dài trong 6 tháng qua, khi đa số các dòng cổ phiếu dẫn dắt đã đạt được biên độ hồi phục khá ấn tượng thì rủi ro điều chỉnh ngắn hạn cũng tăng dần và hiện đang đứng ở mức cao.
“Thị trường sẽ cần thời gian điều chỉnh để xác lập mặt bằng giá mới cho các cổ phiếu đồng thời cũng là lúc để đánh giá lại mức độ ảnh hưởng của các diễn biến bất lợi gần đây như áp lực lạm phát – có thể kìm hãm chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN; rủi ro tỷ giá sau sự kiện Brexit – có thể ảnh hưởng đến sự vận động của dòng vốn ngoại; và tín hiệu quay đầu điều chỉnh của giá dầu”, ông Bình nói thêm.
Mặc dù vậy, ông Bình duy trì quan điểm tích cực về trung hạn khi thị trường vẫn được hỗ trợ bởi một số yếu tố nền tảng như xu hướng hồi phục khá ổn định trong hoạt động sản xuất kinh doanh của số đông các doanh nghiệp, bối cảnh tiếp tục khả năng mở rộng gói kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước và việc đưa vào triển khai trên thực tế các sản phẩm, cơ chế giao dịch mới của hai Sở giao dịch (chứng quyền, giao dịch T0, bán cổ phiếu chờ về…).
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc khối Phân tích CTCK Bảo Việt
|
Ngành chứng khoán, ngân hàng, bất động sản sẽ luân phiên dẫn dắt thị trường
Ông Bình cho rằng có hai rủi ro cần lưu ý đối với kinh tế vĩ mô là tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể so với cùng kỳ và lạm phát đang dần leo thang. GDP thấp hơn so với kỳ vọng do sự sụt giảm của khu vực nông lâm thủy sản và tốc độ tăng trưởng chậm lại của khu vực công nghiệp - xây dựng; còn diễn biến bất lợi của lạm phát do sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như giá xăng dầu bật tăng, điều chỉnh giá dịch vụ y tế và độ trễ từ xu hướng tăng nhanh của tín dụng. Mặc dù vậy, tính đến thời điểm này thì những rủi ro này chưa quá lớn và mới chỉ mang tính thời vụ. Nhìn về tổng thể, nền kinh tế thì vẫn trong trạng thái ổn định, tỷ giá được bình ổn, cán cân thương mại và cán cân vốn thặng dư, FDI tăng khá đột biến…
Theo đó, kết quả kinh doanh (KQKD) quý 1 của các doanh nghiệp trên cả 2 sàn đã quay trở lại xu hướng tăng trưởng so với cùng kỳ sau khi có sự sụt giảm khá mạnh trong quý 4 năm ngoái. Cụ thể, so với cùng kỳ, tổng doanh thu của khối các doanh nghiệp trên cả 2 sàn tăng 13.4% trong khi lợi nhuận tăng chậm hơn ở mức 3.6%. Trong đó, mức độ tăng trưởng về lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ngành như VCB, VNM, VIC và HPG... là khá ấn tượng. Sau khi có sự sụt giảm nhẹ trong KQKD quý 4 năm ngoái, KQKD quý 1 năm nay quay trở lại xu hướng tăng trưởng phần nào làm giảm đi lo ngại và cho thấy việc sụt giảm KQKD quý trước chưa phải là biểu hiện xấu đi đối với môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp mà có thể chỉ là sự chững lại tạm thời do các yếu tố khách quan như biến động giá dầu, tỷ giá...
Xét về hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn, ông Bình cho rằng kênh đầu tư vàng có thể vẫn có sức hút nhất định trong một vài tháng tới. Mặc dù đang điều chỉnh nhưng đứng từ góc nhìn kỹ thuật, khả năng hồi phục của giá vàng thế giới vẫn đang được đánh giá cao. Tuy nhiên, xét về biến động thì kênh đầu tư này cũng thuộc vào hàng là một trong những kênh rủi ro nhất do chịu tác động của nhiều yếu tố ngoại biên khó lường.
Về trung hạn, thì chứng khoán và bất động sản đang được đánh giá hấp dẫn hơn. Tất nhiên còn tùy thuộc vào việc lựa chọn cổ phiếu hoặc phân khúc bất động sản, nhưng cùng với chu kỳ phục hồi của nền kinh tế hiện nay thì 2 kênh đầu tư này cũng mang lại nhiều cơ hội rõ ràng hơn cho nhà đầu tư.
Trong nửa đầu năm 2016, vai trò dẫn dắt chính cho đà tăng trưởng của thị trường thuộc về các nhóm cổ phiếu có liên quan đến xu hướng hồi phục của giá hàng hóa thế giới, điển hình là Dầu khí và Thép. Riêng nhóm Thép còn được hưởng lợi bởi chính sách thuế tự vệ của Bộ Công Thương nên có sức bật khá đột biến. Trong 6 tháng cuối năm, rất khó để tìm ra những dòng có thể tạo sự bứt phá mạnh mẽ tương tự như 2 dòng trên nhất là sau khi thị trường đã trải qua một nhịp tăng trưởng kéo dài.
Mặc dù vậy, ông Bình vẫn đặt kỳ vọng vào một số nhóm ngành có thể luân phiên dẫn dắt và giữ nhịp cho thị trường duy trì xu hướng tăng trung hạn. Điển hình trong số này gồm có các cổ phiếu ngành Chứng khoán (được hưởng lợi cùng xu hướng hồi phục của thị trường và những kỳ vọng vào các cơ chế sắp được triển khai như giao dịch T0, bán cổ phiếu chờ về, chứng quyền…), các mã khu công nghiệp (hưởng lợi từ lộ trình tham gia các FTAs, đặc biệt là TPP nếu chính thức được quốc hội các nước phê chuẩn). Ngoài ra còn có các nhóm ngành có chu kỳ hồi phục mang tính dài hạn khác như Công nghệ thông tin, Ngân hàng và Bảo hiểm./.
|