Góc nhìn 21/07: Sẽ tiếp tục điều chỉnh?
Thị trường có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp, VN-Index giảm 7.5 điểm, về mức 660.26 điểm. Các CTCK nhận định thị trường đang có diễn biến tiêu cực và xu hướng điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn đến hết tuần.
Rủi ro điều chỉnh mạnh
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh tương đối tiêu cực. Đà giảm lan tỏa rộng, xuất hiện tại đa số các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa, tại rổ VN30 có tới 26 mã điều chỉnh giảm, qua đó khiến cho VN-Index giảm tới 7.5 điểm và đóng phiên 20/07 ở mức thấp nhất. Thanh khoản tuy vậy không tăng quá mạnh, áp lực bán ra chủ yếu đến từ việc chốt lời trong ngắn hạn. Độ rộng thị trường mở rộng khi số mã đỏ điểm chiếm ưu thế, nhiều hơn gấp đôi số mã xanh. Theo quan điểm của SHS, xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường sẽ tiếp tục diễn ra ít nhất hết tuần này. Vùng 650-660 điểm sẽ cần được retest trước khi chỉ số có thể xác định xu hướng tăng trở lại.
Thị trường hiện vẫn đang trong giai đoạn liên tục đối mặt với rủi ro điều chỉnh mạnh ngay trong phiên, nhà đầu tư do vậy tiếp tục hạn chế dùng margin cao giai đoạn này và theo sát diễn biến thị trường. Đối với danh mục trung và dài hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ những mã cơ bản tốt đã có sẵn và chờ đợi kết quả kinh doanh quý 2. Đối với danh mục ngắn hạn, nhà đầu tư nên áp dụng chiến thuật mua thấp bán cao, tuy nhiên nên hạn chế giải ngân tỷ trọng lớn.
Hỗ trợ gần tại vùng 625-630 điểm
CTCK Bảo Việt (BVS): Thị trường có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trên cả 2 sàn với độ rộng nghiêng hoàn toàn về số mã giảm điểm và thanh khoản ở mức thấp. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VNM tăng điểm khá đột biến trong phiên 20/07, tuy nhiên vẫn không đủ để giữ cho thị trường tránh được phiên giảm điểm mạnh. Ngoài VNM, các cổ phiếu trụ cột còn lại đều giảm điểm khá mạnh, có thể kể đến diễn biến giảm ở VCB, VIC, GAS, HPG...
Vùng kháng cự gần của VN-Index nằm tại 670-675 điểm. Vùng hỗ trợ gần của VN-Index nằm tại 645-650 điểm và 625-630 điểm.
Thị trường diễn biến tiêu cực
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI): Sự vận động tiêu cực tiếp tục được nối dài. Chỉ số VN-Index đã 4 lần kiểm tra ngưỡng hỗ hỗ trợ 660 điểm trước khi đóng cửa giảm 1.12%. Phiên 20/07, nhờ có thông tin về công văn UBCKNN đề nghị TTLKCK cập nhật việc nới room nước ngoài lên 100% của VNM, cổ phiếu này đã vững vàng để gần như là trụ cột duy nhất hỗ trợ thị trường.
Thị trường nối tiếp đà giảm điểm, đóng cửa giảm 1.12% về sát với ngưỡng hỗ trợ 660, khối lượng giao dịch tiếp tục duy trì ở mức thấp, dưới mức trung bình 10 phiên. Thị trường diễn biến khá tiêu cực khi ngoại trừ VNM thì hầu hết các mã bluechip đều có mức điều chỉnh khá và lực cầu bắt đáy tỏ ra khá yếu ớt. Các ngưỡng hỗ trợ của VN-Index và HNX-Index hiện đang nằm tại 660 và 85. Ngưỡng hỗ trợ 660 có khả năng sẽ được thử thách tiếp trong phiên tới. Trong trường hợp ngưỡng hỗ trợ 660 bị phá vỡ, nhà đầu tư được khuyến nghị giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn để tránh những rủi ro giảm giá trong ngắn hạn.
Kháng cự tại vùng 686 điểm
CTCK VietinbankSc: Thị trường giảm điểm trong cả phiên ngày 20/07 cùng với nhiều mã giảm sàn cho thấy tâm lý e ngại của nhà đầu tư. Cùng với đó các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn giảm điểm cũng giúp kéo chỉ số đi xuống nhưng VNM tăng mạnh là lực đỡ không thể tốt hơn giúp thị trường tránh được phiên giảm sâu.
Vùng 655 đang đóng vai trò là vùng hỗ trợ gần, vùng 686 đóng vai trò là vùng kháng cự. Nhà đầu tư nên quan sát diễn biến trong phiên để đưa ra quyết định mua bán hợp lý.
Hạ bớt tỷ lệ đòn bẩy
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): Với phiên giảm điểm mạnh thứ 2 liên tiếp cho thấy áp lực bán ra đang ngày càng lớn. Thị trường giai đoạn này dường như thiếu đi động lực và nó khiến niềm tin của NĐT giảm sút. Cộng với một loạt các thông tin không mấy tích cực hiện nay có thể khiến thị trường bước vào nhịp điều chỉnh. Tất nhiên, nhiều lần thị trường đã thoát hiểm sau khi giảm kiểu này, nhưng nếu như phiên ngày 21/07, tiếp tục giảm thì coi như mốc 640 điểm sẽ là đích đến.
NĐT cũng không quá vội vàng bán tháo bởi chỉ số có thể suy giảm nhưng không hẳn các cổ phiếu cũng vậy. Áp lực lớn nhất vẫn là nhóm cổ phiếu tăng nóng, đặc biệt khi có thông tin không tích cực sẽ chịu áp lực bán lớn nhất. Do đó cần hết sức thận trọng với việc bắt đáy những cổ phiếu trên. Một phần nữa NĐT nên tìm cách hạ bớt tỷ lệ đòn bẩy xuống mức an toàn có thể trước khi thị trường tích cực trở lại./.
|