Một vụ án, 35 cán bộ hải quan ‘nhúng chàm’
Trong số này có ba cán bộ hải quan của TP.HCM và 32 cán bộ hải quan, gồm chi cục trưởng, chi cục phó của một cửa khẩu ở An Giang.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, VKSND TP.HCM đã truy tố 46 bị can trong vụ án Lê Dũng (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn, Infoodco - IFC có 51% vốn nhà nước, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn) và đồng phạm chiếm đoạt gần 126 tỉ đồng của Nhà nước. Trong đó, tiền đã được hoàn thuế VAT là hơn 80 tỉ đồng.
Các bị can bị truy tố về các tội buôn lậu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng nói, trong số này có đến 35 bị can là cán bộ hải quan của TP.HCM (ba người) và An Giang (32 người).
Bán khống “moi” hàng chục tỉ tiền hoàn thuế
Cáo trạng xác định bị can Lê Dũng dùng pháp nhân công ty nhà nước cùng với Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu (giám đốc hai DNTN) và nhiều cán bộ hải quan câu kết “moi” tiền của Nhà nước.
Theo đó, các bị can này xuất khẩu 20.000 kg gạo trị giá 190 triệu đồng tại cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV (TP.HCM) nhưng khai báo là 3.000 thùng thuốc lá hiệu Craven “A” trị giá đến 23,6 tỉ đồng.
Sau đó, Dũng, Tuyền và nhiều bị can khác lập các hợp đồng mua bán và thanh toán khống thuốc lá điếu qua Campuchia nhằm có bộ hồ sơ xuất khẩu xin hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bằng cách này, Dũng và các đối tượng được Cục Thuế TP.HCM cho hoàn hơn 80,3 tỉ đồng tiền thuế. Các đối tượng chia nhau số tiền trên, trong đó Dũng để lại Infoodco hơn 19 tỉ đồng. Hứa Châu hưởng hơn 32 tỉ đồng và Tuyền hưởng 29 tỉ đồng.
Trụ sở Công ty Cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn do bị can Lê Dũng làm giám đốc bị thiệt hại hơn 52 tỉ đồng. Ảnh: N.ĐỨC
|
Theo cáo trạng, Tuyền dùng một phần tiền được chia đưa cho nhân viên (Nguyễn Ngọc Mẫn) để hối lộ cho ba cán bộ hải quan TP.HCM gồm Nguyễn Tiến Lộc, Đinh Văn Trí, Lê Hà và Nguyễn Thanh Long (cán bộ hải quan An Giang) để thông quan hàng hóa giả tạo. Tuy nhiên, các bị can này phủ nhận lời khai của Mẫn. Riêng bị can Lộc, Trí thừa nhận có nhận tiền bồi dưỡng từ Mẫn với số tiền không quá 1 triệu đồng/lần.
Cũng với thủ đoạn trên, bị can Dũng đã chỉ đạo nhân viên lập nhiều bộ hồ sơ khống xin hoàn hơn 45,6 tỉ đồng thuế VAT nhưng bị phát hiện. Dù chưa được duyệt hoàn thuế, Dũng chỉ đạo nhân viên chi trước tiền thuế VAT cho “đối tác” hơn 36 tỉ đồng. Trong đó, Hứa Châu hưởng hơn 18 tỉ đồng, Tuyền hưởng hơn 18 tỉ đồng. Tuyền đã chi 4 tỉ đồng để đưa hối lộ cho cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình (An Giang)...
Chi cục hải quan “nhắm mắt” ký khống
Trong vụ án trên, nhiều cán bộ hải quan đã tiếp tay cho các vi phạm. Cụ thể, bị can Đinh Văn Trí, Nguyễn Tiến Lộc (cán bộ kiểm hóa hàng xuất khẩu tại hải quan cảng Sài Gòn - khu vực IV) bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.
Kết quả điều tra cho thấy hai cán bộ này được giao kiểm hóa hàng xuất khẩu của Infoodco. Tuy vậy, Trí không kiểm tra hàng theo quy định mà ký xác nhận kiểm hóa hàng xuất khẩu cho hai bộ tờ khai của Infoodco theo yêu cầu của Nguyễn Tiến Lộc.
Từ hai bộ tờ khai khống xuất khẩu thuốc lá Craven “A” trị giá hơn 90 tỉ đồng này, Cục Thuế TP.HCM hoàn thuế VAT hơn 15,5 tỉ đồng. Đây cũng là số tiền mà cơ quan điều tra xác định Trí đã gây thiệt hại cho Nhà nước. Tương tự, Lộc vì động cơ vụ lợi đã không kiểm hóa theo quy định trên sáu tờ khai xuất khẩu thuốc lá của Infoodco gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17,5 tỉ đồng.
Còn Lê Hà, cũng là cựu cán bộ Hải quan TP.HCM, đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, tiếp nhận hồ sơ trình cho cấp trên bốn tờ khai xuất khẩu thuốc lá của Infoodco khi chưa có giấy phép của Bộ Công Thương, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,9 tỉ đồng.
Đáng chú ý là sai phạm của hàng loạt cán bộ ở Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình. Trong đó, bị can Nguyễn Văn Biên - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu này móc nối với Lâm Thị Thủy (người của bị can Tuyền) và chỉ đạo cấp dưới là Nguyễn Phi Công, Thái Thanh Nguồn (phó chi cục trưởng) và hàng chục cán bộ khác xác nhận khống vào các tờ khai của Infoodco xuất khống qua Campuchia.
Tuyền đưa cho Thủy 4 tỉ đồng để “thưởng” cho Biên về việc chỉ đạo xác nhận hồ sơ xuất khẩu khống. Tuy vậy, Thủy đưa cho Biên hơn 1,1 tỉ đồng…
Tiếp đó, Biên cùng đồng phạm trong đơn vị ký khống 120 tờ khai xuất khẩu với tổng giá trị gần 450 tỉ đồng. Biên được “thưởng” hơn 240 triệu đồng từ phi vụ này. Các cán bộ còn lại cũng được “lại quả” từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng từ việc ký khống. Cáo trạng xác định hành vi xác nhận khống của Biên gây thiệt hại hơn 52 tỉ đồng cho Nhà nước. Đến nay số tiền này không có khả năng thu hồi.
Cơ quan điều tra kết luận Dũng và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Infoodco 52 tỉ đồng. Đây là tiền do Dũng lấy từ công ty chi trước tiền thuế VAT cho Châu, Tuyền.
Tương tự, bị can Võ Văn Ân - phó giám đốc Infoodco ký bảy hợp đồng kinh tế khống với công ty của Hứa Châu với giá trị gần 96 tỉ đồng, trong đó tiền thuế VAT 8,7 tỉ đồng. Cục Thuế TP.HCM đã hoàn thuế 8,7 tỉ đồng. Tiếp đó, Châu thực hiện theo chỉ đạo của Dũng ký nhiều hợp đồng khống khác để tạo điều kiện cho các công ty liên quan chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền hoàn thuế.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Cơ quan tố tụng TP.HCM còn xác định Dũng và nhiều đối tượng khác còn liên quan đến hành vi mua bán và thanh toán giả tạo nhằm tạo dựng hồ sơ xuất khẩu hàng thực phẩm qua Campuchia để lập hồ sơ xin hoàn thuế VAT. Do thời hạn điều tra đã hết nên Công an TP.HCM tách vụ án để điều tra bằng một vụ án khác.
|
|