Sở hữu trí tuệ trong TPP và câu chuyện thuốc biệt dược
Ngành dược được dự báo là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá lớn khi TPP có hiệu lực, do thuế suất kéo các mặt hàng thuốc xuất nhập khẩu về 0% và nhất là bản quyền thuốc được thực thi nghiêm ngặt. Việc thực hiện bảo hộ bản quyền trong TPP dự đoán sẽ ảnh hưởng đến thị trường sản xuất thuốc generic trong nước (thuốc hết thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ).
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Sở hữu trí tuệ trong TPP” của Cổng TTĐT Chính phủ diễn ra sáng nay (23/3), bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco đưa ra quan điểm về việc sản xuất thuốc generic, đặc biệt là thuốc biệt dược.
Theo bà Thuận, khi hết thời gian bảo hộ, nếu các doanh nghiệp nắm được, sao chép lại công thức để làm ra loại thuốc tương tự, có giá thành thấp để sử dụng cho cộng đồng, thì người dân sẽ có lợi, nhất là người nghèo sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng các loại thuốc biệt dược để điều trị.
Nếu TPP quy định thời gian bảo hộ kéo dài, các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm cơ hội tiếp cận sản xuất thuốc generic. Nếu thời hạn không quá dài, nhưng các nhà độc quyền tìm cách cải tiến, thay đổi một vài chi tiết nhỏ trong sản phẩm để kéo dài thời gian bảo hộ… cũng khiến nhà sản xuất trong nước khó có cơ hội sản xuất loại thuốc đó.
“Với những cam kết của TPP, nếu ta chậm trễ thì lợi ích của cả cộng đồng sẽ bị kéo dài, thuốc độc quyền (biệt dược) thì giá cao. Phải làm sao để chúng ta có thời gian ngắn nhất tiếp cận các loại thuốc biệt dược, nắm được thời gian hết hạn bảo hộ khi người chủ sở hữu chưa kéo dài thời gian bảo hộ để giảm giá các loại thuốc này”, bà Vũ Thị Thuận nói.
Đồng tình với bà Thuận, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho rằng, nếu các doanh nghiệp nắm được danh sách những loại thuốc quý hết thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ thì: “Ta sẽ rút ngắn được thời gian và tiền bạc cho quá trình nghiên cứu”.
Tuy nhiên, việc sao chép này không hề dễ dàng, vì thế các nhà nghiên cứu cần tham khảo dựa trên nguồn tư liệu đó để tạo ra sản phẩm tương tự, hoặc một sản phẩm mới, là việc rất quan trọng - ông Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, không nên đưa câu chuyện người nghèo vào vấn đề sử dụng thuốc biệt dược để chữa bệnh, vì chúng ta có hệ thống an sinh xã hội và khi vào bệnh viện thì các bác sĩ không phân biệt người giàu hay người nghèo.
“Không nên vì lý do đất nước đang nghèo mà vi phạm sở hữu trí tuệ với thuốc biệt dược hay bất kỳ loại thuốc nào”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Trên bình diện giá thành, ông Vũ Ngọc Lâm cho biết, chúng ta còn những biện pháp khác để tiếp cận và kiểm soát các loại thuốc biệt dược.
“Trong Luật Sở hữu trí tuệ còn có những công cụ khác, ví dụ như ta có thể cấp quyền sử dụng không theo mong muốn của chủ sở hữu bằng sáng chế. Cụ thể, trong tình huống khẩn cấp, Nhà nước có thể yêu cầu chủ sở hữu trao quyền cho một doanh nghiệp khác nếu doanh nghiệp đó có thể cung cấp thuốc đó cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, ta cũng đưa vào luật cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu song song, bảo đảm giá thuốc biệt dược không bị độc quyền và không cao một cách quá đáng”, ông Vũ Ngọc Lâm nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, khi vào TPP, Việt Nam có 2 nhóm việc phải làm là xây dựng khuôn khổ pháp lý mới và thực thi pháp luật.
“Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý các bộ, ngành sẽ làm, nhưng quan trọng nhất là việc tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Về sở hữu trí tuệ, chúng ta đã thực hiện từ năm 1982 đến nay đã 34 năm, nhưng việc thực thi đang có vấn đề.
Nếu ta không nâng cao năng lực thực thi hay không thể thực thi được thì các nước sẽ không đầu tư và cũng không chia sẻ tri thức cho chúng ta. Đã đến lúc chúng ta cần phải tôn trọng sản phẩm của chất xám, thay đổi tư duy “dùng chùa” thì mới phát triển được.
Đối với ngành dược, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữ trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực thuốc sinh học, nhất là với vaccine”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhận định, TPP sẽ có những tác động nhất định đến Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bởi trong đó nêu quan điểm phát triển xây dựng nền công nghiệp dược là tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic bảo đảm chất lượng, giá hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu.
Phan Trang
Chính phủ
|