Năm 2018 sản lượng cá minh thái Việt Nam có thể tăng 6 lần
Ông Andrey Teterkin, Giám đốc điều hành của Công ty Thủy sản Nga (RFC), DN giữ hạn ngạch cá minh thái lớn nhất của Nga cho rằng, trong vài năm tới Việt Nam sẽ nhanh chóng thay thế Trung Quốc trong vai trò là một trung tâm chế biến cá thịt trắng.
Theo ông Andrey Teterkin, năm 2018 Việt Nam sẽ chế biến 60.000 tấn cá minh thái đã bỏ đầu và ruột (H&G), tăng so với 10.000 tấn năm 2015. Như vậy, năm 2016 sản lượng này sẽ phải đạt 25.000 tấn, khi đó RFC là nhà máy liên doanh với Công ty CP Hùng Vương và Công ty cá tra Việt. Và chắc chắn năm 2017 sản lượng sẽ tăng lên 40.000 tấn. Đến năm 2018, RFC và Công ty CP Hùng Vương dự tính chế biến 40.000 tấn cá minh thái. Các thành phẩm gồm block cấp đông kép và phi lê cấp đông nhanh, rời của nhà máy sau đó được tập đoàn thủy sản Mascato của Tây Ban Nha bán. Con số 60.000 tấn năm 2018, cao hơn 20.000 tấn so với mục tiêu của RFC là sản lượng dự trù tăng thêm. Ông cũng hy vọng nhiều nhà máy chế biến cá minh thái được xây dựng ở Nga hơn, vì chi phí lao động thấp hơn, có nguồn nguyên liệu và có hỗ trợ của chính phủ.
Các DN xây dựng nhà máy chế biến tại Nga sẽ được Chính phủ Nga cấp 5% hạn ngạch tổng sản lượng được phép khai thác (TAC) và các tàu cá đóng mới ở Nga được cấp 15% TAC.
Theo ông Teterkin, Quốc hội Nga đang có những sửa đổi về luật và hy vọng, đến năm 2018, cũng sẽ có một trung tâm chế biến ở Viễn Đông Nga, cũng như lượng cá minh thái chế biến tại Việt Nam cao hơn Trung Quốc. Khi các công ty khai thác của Nga xem xét việc chuyển hướng cơ sở chế biến ra ngoài Trung Quốc, họ sẽ sản xuất nhiều cá philê và nguyên con hơn và giảm cá H&G. Sự yếu kém trong ngành chế biến cá H&G Trung Quốc sẽ dần nhường cơ hội cho Việt Nam và sẽ chuyển hướng sản xuất nhiều cá philê hơn.
Espersen chuyển hướng sang Việt Nam
Quan điểm của ông Teterkin cũng giống với ông Klaus Nielsen, Giám đốc điều hành của A. Espersen, tập đoàn chế biến thịt trắng Đan Mạch. Espersen đã ngừng chế biến ở Trung Quốc và chuyển sản xuất cá tuyết khu vực châu Á sang Việt Nam.
Ông Nielsen cho biết, những thương hiệu lớn của Mỹ và Anh đang tìm kiếm các đối tác chế biến, chứ không xây dựng nhà máy riêng. Một số thương hiệu không yên tâm về chế biến tại Trung Quốc và đang tìm đến Việt Nam. Kế hoạch được đưa ra là năm 2016, sẽ sản xuất khoảng 10.000 tấn cá tuyết tại Việt Nam, vì nhu cầu đang tăng trở lại. Chi phí ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn so với Việt Nam, do có sự thay đổi trong nền kinh tế. Trung Quốc đang điều chỉnh mức lương cao hơn cho người lao động, trong khi Việt Nam có lẽ sau 10 năm cũng sẽ giống Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam giống như một trung tâm gia công cho cả thế giới.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ có vị thế tốt trong các liên kết thương mại của mình. Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU; có quan hệ chặt chẽ với Nga; và tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc gia nhập này sẽ mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam.
Đối với thị trường Nga, các DN Việt Nam có lợi thế nhờ hiệp định thương mại tự do giữa các nước Đông Nam Á và Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU).
Giữa năm 2015, Việt Nam ký FTA với EEU, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) với 181 triệu dân, quy mô GDP trên 2.000 tỷ USD, thúc đẩy thương mại và hội nhập kinh tế.
Hiệp định TPP được ký kết vào ngày 4/2/2016, với ngành thủy sản được xem là một trong những thế mạnh của Việt Nam.
Diệu Thúy (Theo Undercurrentnews)
Vasep
|