Thứ Năm, 24/03/2016 11:30

Nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu sản xuất vì hạn, mặn

Các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhiều khả năng khó hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh khi ở thời điểm này đã gần hết quý 1.

Nguyên nhân do tình trạng biến đổi khí hậu gây khô hạn đồng thời với xâm nhập mặn kéo dài trong những ngày qua.

Nhìn những cánh đồng mía bạt ngàn tại Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng - vùng nguyên liệu mía đường cho năng suất cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giờ đã bị nắng táp, thân ngậm mặn đến héo quắt, vàng lá, người dân không khỏi xót xa, bởi họ không chỉ tiếc vì thiệt hại của vụ mía năm nay, mà còn không biết tới bao giờ hơn 10.000ha diện tích đất trồng mía mới rửa sạch mặn và được cải tạo để đảm bảo xuống giống, cho chất lượng và năng suất cao như trước.

Ông Trịnh Trung Úy, đại diện một trong những doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu tại Sóc Trăng cho biết, với diễn biến này, sản lượng mía đường của nông dân chắc chắn sẽ giảm mạnh. Đáng lo ngại hơn là chất lượng mía cũng bị ảnh hưởng vì doanh nghiệp không thể thu mua những cây mía mặn. Đây sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp khi bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

"Cho dù, chưa xác định được chính xác tỷ lệ thiếu hụt là bao nhiêu, song nhiều khả năng, doanh nghiệp sẽ phải tìm kiếm các nguồn cung khác để thay thế. Việc tìm nguồn cung mới cũng không hẳn dễ dàng trong bối cảnh này vì tình hình khô hạn đang diễn ra trên diện rộng và chắc chắn giá thành nguyên liệu sẽ tăng cao," ông Úy băn khoăn.

Cần Thơ là địa phương vốn có nhiều tiềm năng và thế mạnh về xuất khẩu lúa gạo cũng đang chủ trương dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khó khăn giờ càng chồng chất khó khăn khi tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài.

Nếu không được can thiệp, xử lý kịp thời, doanh nghiệp ngành lương thực, ngành thủy sản sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Dù vụ lúa Đông Xuân đã qua thu hoạch và thiệt hại chỉ là mới bắt đầu với vụ thứ 3 trong năm, song, hậu quả do thiên tai để lại sẽ là lâu dài và các doanh nghiệp cần sớm chủ động có giải pháp để khắc phục tình thế.

Đánh giá về tình hình hoạt động xuất khẩu, ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo và hàng thủy sản hoạt động không hiệu quả bởi nhiều nguyên nhân.

Do doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu nên thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, lại chưa chủ động trong việc liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững. Thêm nữa, chất lượng hàng hóa cũng chưa đáp ứng kịp nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

"Không chỉ thiếu nguyên liệu, vấn đề giá nguyên liệu tăng vào thời điểm tới cũng sẽ là thách thức đối với doanh nghiệp. Bởi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn rất yếu. Tới đây, trước sức ép của hội nhập thì tình hình chung của doanh nghiệp chắc sẽ diễn biến căng thẳng hơn," ông Hiệp nhấn mạnh.

Đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ nhận định, tác động của biến đổi khí hậu đối ngành nông nghiệp, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản ngày càng khắc nghiệt.

Không chỉ con tôm mà kể cả cá tra cũng chịu ảnh hưởng. Mặc dù thiệt hại là không đáng kể bởi phần lớn diện tích nuôi cá tra đang tập trung ở các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... và thiệt hại chỉ khi độ mặn vượt quá chuẩn cho phép ngoài khả năng chịu mặn của tôm hoặc cá tra.

Ông Dũng khuyến nghị, đã tới lúc các nhà khoa học và chính quyền các địa phương cần tập trung nghiên cứu để tìm ra những giống mới, loài nuôi mới hoặc tăng khả năng thích ứng, chống chịu với điều kiện thời tiết khí hậu như hiện nay để hướng tới một nền sản xuất không chỉ an toàn, mà còn đảm bảo phát triển bền vững.

Thiên tai luôn là nỗi lo lắng thường trực không chỉ của người nông dân trực tiếp sản xuất, mà kể cả những doanh nghiệp tham gia vào quá trình gia tăng chuỗi giá trị cho hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam. Đây là thời điểm hai bên cần sát cánh bên nhau, không chỉ chia sẻ, mà cần sự tương hỗ để cùng nhau bước qua khó khăn./.

Thạch Huê

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Sở hữu trí tuệ trong TPP và câu chuyện thuốc biệt dược (24/03/2016)

>   Năm 2018 sản lượng cá minh thái Việt Nam có thể tăng 6 lần (24/03/2016)

>   Bố trí vốn hoàn thành dứt điểm DA đường Láng-Hòa Lạc (24/03/2016)

>   Tiền vẫn vào dệt may! (24/03/2016)

>   Sự năng động của kinh tế Việt Nam tạo sức hút doanh nghiệp Pháp (23/03/2016)

>   Samsung đầu tư 300 triệu USD cho trung tâm R&D ở Hà Nội (23/03/2016)

>   Thực hiện niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển đường biển (23/03/2016)

>   Năm 2016: “Sau cơn đại hạn lịch sử có thể sẽ xảy ra mưa lũ kỷ lục” (23/03/2016)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp Hà Nội tháng 3 tăng gần 27% (23/03/2016)

>   Giảm 35% phí đối với xe tải nặng (23/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật