Cổ phiếu nào sẽ sinh lợi trong tương lai?
Với triển vọng phát triển trong dài hạn, nhận được sự hỗ trợ từ những yếu tố vĩ mô như sự kiện Việt Nam gia nhập TPP hay thay đổi của giá dầu thế giới, các Công ty chứng khoán cho rằng VSC, PLC, DNP, DPM là những cổ phiếu mà nhà đầu tư nên mua để tạo ra lợi nhuận trong tương lai.
VSC: Mua với giá mục tiêu là 85,146 đồng/cp
CTCP Chứng khoán BIDV (BSI) khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Container Việt Nam (HSX: VSC) với giá mục tiêu là 85,146 đồng/cp (tương ứng mức tăng 10.39%) dựa trên phương pháp FCFF. Trong dài hạn, triển vọng của cổ phiếu VSC sẽ phụ thuộc vào việc mở rộng xây dựng cảng Xanh Vip (đi vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2016). Trong ngắn hạn, VSC vẫn có mức định giá hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2015 đạt 12.25x.
Theo BSI, ngành cảng biển có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai nhờ (1) các hiệp định thương mại tự do FTA, TPP mở ra thị trường xuất nhập khẩu lớn cho Việt Nam, đồng thời mở cửa cho nguồn vốn FDI vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu: dệt may, giày dép, công nghiệp chế biến… và (2) vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam nói chung và của cảng Hải Phòng nói riêng giúp Việt Nam tham gia vào những tuyến giao thông đường biển nhộn nhịp nhất của thế giới là Á-Âu và Á- Bắc Mỹ.
Riêng với VSC, cảng Xanh Vip sẽ tạo động lực phát triển mạnh cho doanh nghiệp trong tương lai nhờ vị trí thuận lợi trên khu bán đảo Đình Vũ sẽ đón đầu xu hướng tăng mạnh nhu cầu xuất nhập khẩu của kinh tế Việt Nam. Thêm vào đó, sự phát triển của các khu công nghiệp trên bán đảo Đình Vũ cũng như các khu khác phía Bắc tạo một nguồn cầu lớn cho cảng Xanh Vip và cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển cho cảng Xanh Vip
BSI dự báo doanh thu thuần năm 2015 của VSC đạt 952 tỷ đồng (tăng 6.8% so với năm trước), lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 368 tỷ (tăng 21.85 % so với năm trước) và EPS đạt 6,945 đồng. Năm 2016, cảng Xanh Vip dự báo sẽ hoạt động 70% công suất, đạt doanh thu 289.94 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 26.57 tỷ.
Xem thêm tại đây
PLC: Mua với giá mục tiêu 42,000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC) khuyến nghị mua cổ phiếu Tổng Công ty hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) với giá mục tiêu 42,000 đồng/cp.
VCSC cho rằng doanh thu từ nhựa đường của PLC ổn định dù quý 3 là mùa thấp điểm. Doanh thu từ nhựa đường không thay đổi đáng kể và đây tiếp tục là lĩnh vực trụ cột, đóng góp 52% tổng doanh thu quý 3 và 59% tổng lợi nhuận gộp. Do mùa mưa nên nhu cầu nhựa đường trong quý 3 thường thấp. Thêm vào đó, giá bán trung bình của nhựa đường trong quý 3/2015 giảm 6% so với quý 2 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái vì PLC chuyển dần lợi ích từ chi phí giảm sang khách hàng.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp PLC tăng vì nhờ giá dầu giảm sâu. Như đã dự báo, giá dầu ở mức thấp nên biên lợi nhuận của nhựa đường và dầu nhờn cùng tăng 700 điểm cơ bản lên lần lượt 22% và 30%, qua đó biên lợi nhuận gộp hỗn hợp đạt 19% (tăng 500 điểm cơ bản so với quý 3/2014). Lợi nhuận gộp tăng 26% trong quý 3/2015 so với cùng kỳ năm trước.
VCSC nhận định đồng nội tệ trượt giá tác động đến lợi nhuận của PLC. Cụ thể, quý 3/2015, PLC ghi nhận 39 tỷ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá, tương đương 34% lợi nhuận trước thuế. Nếu không tính khoản lỗ này, lợi nhuận sau thuế đã tăng 38% trong quý 3/2015 so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trên thực tế trong quý 3 chỉ đạt 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2015 của PLC tăng 5%, trong đó doanh thu từ nhựa đường tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi từ dầu nhờn giảm 10% và hóa chất giảm 12%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ biên lợi nhuận gộp tăng. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 đạt 80% dự báo của VCSC nhưng đã vượt mục tiêu cả năm do ban lãnh đạo đề ra.
Xem thêm tại đây
DNP: Cổ phiếu cần được theo dõi trong năm 2016
CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng giá hợp lý của cổ phiếu CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) là 21,771 đồng/cp.
Như BVSC phân tích, sản lượng tiêu thụ ống nhựa của DNP đạt tốc độ tăng trưởng cao. Hoạt động tiêu thụ ống nhựa của DNP đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt trong các năm gần đây. Ngoại trừ năm 2012 bị sụt giảm về sản lượng do tình hình kinh tế khó khăn (BMP và NTP đều bị tăng trưởng âm về sản lượng trong năm 2012), thì trong giai đoạn 2011- 2014, DNP đạt mức tăng trưởng sản lượng bình quân CAGR là 22%/năm.
Với quy mô hoạt động, doanh thu và lợi nhuận của mảng nước và nhựa của DNP so với các doanh nghiệp được lấy mẫu để ước tính P/E trung bình ngành, BVSC áp dụng mức chiết khấu 15% đối với hoạt động sản xuất nước và 30% đối với hoạt động sản xuất nhựa của DNP. Tỷ trọng lợi nhuận đóng góp của mảng nước và nhựa của DNP năm 2015 đạt tương ứng 40% và 60%, theo đó P/E hợp lý của DNP là 7.25 lần.
Năm 2016 là năm DNP thực hiện các dự án đầu tư mới vào ngành nước do đó kết quả kinh doanh sẽ chỉ tương đương với năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, khi các dự án mới được đưa vào vận hành, có thể giúp DNP đạt mức tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận. Do đó, mặc dù giá hiện tại đã khá hợp lý với triển vọng ngắn hạn của DNP, BVSC cũng cho rằng đây cũng là cổ phiếu cần được theo dõi trong năm 2016, khi thông tin về các dự án mới được Công ty công bố rõ ràng hơn và tiến độ đầu tư được thực hiện hợp lý, đảm bảo có thể mang lại lợi nhuận từ 2017 trở về sau.
Xem thêm tại đây
DPM: Mua với giá mục tiêu là 40,000 đồng/cp
VCSC cũng khuyến nghị mua cổ phiếu Tổng công ty Phân Bón & Hóa Chất Dầu Khí - CTCP (HOSE: DPM) với giá mục tiêu là 40,000 đồng/cp.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 DPM vượt nhẹ so với dự báo của VCSC (đạt 82% dự báo cả năm 2015) nhờ vào giá khí đầu vào thấp hơn dự kiến, trong bối cảnh giá dầu Brent giảm xuống dưới mốc 50 USD/thùng. Giá mục tiêu được điều chỉnh tăng 7% lên 40,000 đồng (tổng mức sinh lời 30% bao gồm tỷ suất cổ tức hấp dẫn 7.6%). DPM đang giao dịch với PER 9.4 lần năm 2015 và 8.5 lần năm 2016.
Ngoài ra, VCSC điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số quý 4 thêm 7.5% chủ yếu do triển vọng giá khí đốt sẽ tiếp tục thấp hơn dự báo ban đầu. Dù vụ lúa Đông - Xuân dự kiến sẽ thúc đẩy sản lượng hàng bán trong quý 4 lên 211 nghìn tấn (cao hơn 19% so với quý 3) nhưng khả năng tăng của giá bán urê là khá hạn chế khi các nhà máy sản xuất urê khác trong nước (Hà Bắc và Cà Mau) đã sản xuất trở lại sau giai đoạn bảo dưỡng/sửa chữa trong quý trước.
Tuy nhiên VCSC cũng chỉ ra một số vấn đề khi DPM đã ghi nhận xong khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh của PVTex tương ứng với toàn bộ giá trị góp vốn vào PVTex. DPM đã ghi nhận khoản lỗ cuối cùng 31 tỷ đồng trong tổng số vốn góp 563 tỷ đồng vào công ty liên kết này. Kết quả kinh doanh của DPM sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi khoản lỗ của PVTex trong tương lai theo phương thức kế toán vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, khoản nợ của PVTex được bảo đảm bởi DPM, và rất có khả năng DPM sẽ bị buộc phải thực hiện cam kết này.
Xem thêm tại đây
-----------------------------------------
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
|