Ông Nguyễn Thanh Lâm: Mốc 600 điểm sẽ được bảo toàn khi năm 2015 khép lại
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK MayBank KimEng (MBKE) cho rằng VN-Index vẫn đang di chuyển trong một xu hướng tăng ngắn hạn kéo dài từ tháng 9 đến nay. Khả năng chỉ số này có đối diện với các thử thách lớn trong thời gian tới nhưng khi năm 2015 khép lại vẫn giữ được mốc 600 điểm.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK MayBank KimEng (MBKE).
|
Rủi ro ngắn hạn là dòng tiền và động thái khối ngoại
Theo ông Lâm, xét trong ngắn hạn, rủi ro lớn nhất của thị trường theo tôi là yếu tố dòng tiền và khả năng đảo chiều trong hoạt động của khối ngoại.
Về dòng tiền, cần thẳng thắn nhìn nhận năm 2015 không phải là một năm dòng tiền hoạt động mạnh mẽ tại khu vực TTCK. Hiện VN-Index đang di chuyển trong một xu hướng tăng ngắn hạn được xác nhận từ tháng 9 đến nay, thanh khoản dù vậy chỉ xấp xỉ mức trung bình 50 ngày (là điều kiện chúng tôi thường đặt ra để nhìn nhận việc mở rộng hay thu hẹp của dòng tiền), điều này khiến khả năng duy trì xu hướng tăng một cách lâu dài trở nên khó khăn hơn.
Dù xu hướng của VN-Index hiện đang là tăng nhưng trên thực tế dòng tiền toàn thị trường chỉ hoạt động ở mức trên trung bình đôi chút và đây là một điểm trừ. Nhìn chi tiết hơn, độ phân hóa hiện nay của thị trường là rất lớn khi dòng tiền chỉ thật sự hoạt động mạnh tại cá biệt một số nhóm cổ phiếu trong khi hoạt động yếu ớt tại phần còn lại của thị trường.
Theo quan sát của ông Lâm, dòng tiền chỉ thật sự hoạt động mạnh tại nhóm nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC (đặc biệt là VNM, BMP, FPT,...) và tại một số các cổ phiếu kín room khác hoặc có kết quả kinh doanh công bố ấn tượng.
“Hiện tượng này có lẽ sẽ tiếp tục trong giai đoạn một tháng cuối của năm 2015, rất khó để kỳ vọng dòng tiền đủ mạnh để hoạt động rộng trên toàn thị trường trong bối cảnh hiện nay”, ông Lâm nói thêm.
Còn về yếu tố khối ngoại, sau một tháng 10 mua ròng mạnh (mua ròng hơn 1,115 tỷ đồng tính riêng tại HOSE) khối ngoại đang quay lại với giao dịch cân bằng và nghiêng về bán ròng trong tháng 11 (đặc biệt trong một số phiên gần đây). Cụ thể tính đến hiện tại của tháng 11, khối ngoại đang bán ròng nhẹ 140 tỷ đồng. Con số bán ròng vừa nêu không quá lớn nhưng nếu việc bán ròng được tiếp diễn với cường độ lớn hơn trong giai đoạn tới, rủi ro dành cho thị trường sẽ gia tăng.
VN-Index sẽ giữ được mốc 600 điểm khi năm 2015 khép lại
Ông Lâm tiếp tục bảo lưu nhìn nhận về việc VN-Index đang di chuyển trong một xu hướng tăng ngắn hạn kéo dài từ tháng 9 đến nay. Khả năng chỉ số này có thể tìm lên các mức cao hơn so với hiện tại vẫn khả thi. Hành trình tăng lên của VN-Index sẽ dần đối diện với các thử thách lớn hơn khi đường giá tiến vào khu vực 620 – 640 điểm, sẽ cần phải thận trọng hơn ở vùng giá này.
“Với nhìn nhận nêu trên, tôi tin khả năng giữ được mốc 600 khi năm 2015 khép lại là có cơ sở”, ông Lâm nói thêm.
Yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường giai đoạn cuối năm 2015 khi đó theo ông Lâm có thể là câu chuyện tỷ giá. Thời điểm hiện tại, tỷ giá đang bắt đầu có hiện tượng nóng lại trong ngắn hạn, giá USD tự do hiện giao dịch ở mức 22,620 đồng, đã vượt trần tỷ giá là 22,547 đồng. Theo đó, Ngân hàng nhà nước sẽ có những biện pháp can thiệp để hạ nhiệt trong giai đoạn tới. Do vậy, rõ ràng áp lực tiếp tục điều chỉnh tỷ giá là có thật và điều này có thể được thực hiện vào giai đoạn đầu năm 2016.
Bên cạnh câu chuyện tỷ giá, vấn đề thoái vốn của SCIC và nới room khối ngoại sẽ là những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Những cổ phiếu trong lần thoái vốn này của SCIC (VNM, BMP, FPT,…) sẽ vẫn nhận được lực cầu mạnh từ thị trường và nếu đón nhận thêm thông tin cụ thể hơn về việc mở room khối ngoại, đây vẫn sẽ là nhóm có khả năng bùng nổ cao nhất trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ông Lâm cũng nhìn nhận khoảng thời gian đầu năm 2016, khả năng có thể sau một quá trình điều chỉnh (nếu có), VN-Index sẽ một lần nữa thử lại vùng đỉnh 640 điểm trước khi lựa chọn xu hướng lớn hơn cho mình trong giai đoạn sau đó.
Cuối năm không phải là thời điểm thích hợp để mạo hiểm
Với những kịch bản của thị trường đã đề cập ở trên, ông Lâm cho rằng vẫn còn hợp lý nếu nhà đầu tư tiếp tục duy trì một tỷ trọng cổ phiếu cao hơn tiền mặt ở thời điểm hiện tại do xu hướng tăng ngắn hạn vẫn còn hiệu lực.
Dù vậy khi VN-Index tiến vào khu vực trên 620 điểm, việc giảm bớt rủi ro sẽ cần được thực hiện bằng cách giảm bớt một phần tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng với tiền mặt.
“Việc lựa chọn cổ phiếu cũng là tối quan trọng trong giai đoạn này, khi mà độ phân hóa trên thị trường đang rất cao. Cá nhân tôi vẫn duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nên “neo” vào nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và hạn chế bớt các cổ phiếu có độ đầu cơ cao do đây không phải là thời điểm phù hợp để mạo hiểm”, ông Lâm nhấn mạnh.
“Nhóm thoái vốn” của SCIC (đặc biệt là VNM, BMP, FPT) tiếp tục được ưu tiên khuyến nghị nắm giữ, ngoài ra là một số các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc như: CTD, PAC, HPG,…
Phương Châu
|