Thứ Ba, 14/10/2014 06:34

Sáp nhập DN bán lẻ: Nhiều cái lợi

Người tiêu dùng sẽ được hưởng các dịch vụ tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, môi trường mua sắm thuận lợi hơn khi doanh nghiệp bán lẻ sáp nhập.

Mua bán sáp nhập (M&A) không chỉ diễn ra ở các ngành tài chính, bất động sản mà gần đây ngành bán lẻ cũng sôi động khi Tập đoàn Vingroup công bố mua lại 70% cổ phần của Công ty Ocean Retail và đổi tên thành Công ty Cổ phần Siêu thị Vinmart. Trước đó, tập đoàn bán lẻ Thái Lan cũng đã mua lại hệ thống Metro Cash&Carry với 19 trung tâm phân phối trên toàn quốc. M&A ngày càng nóng cho thấy thị trường Việt Nam rất hấp dẫn. Từ những thương vụ M&A, các doanh nghiệp (DN) đạt được lợi ích của mình và người tiêu dùng (NTD) cũng được hưởng lợi.

Hưởng hàng chất lượng, giá rẻ

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết thống kê trên đầu người, mô hình bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn dưới mức 20%, thấp hơn nhiều so với các nước như Singapore, Trung Quốc, Thái Lan… Năm 2017, Vinmart dự kiến phát triển 100 siêu thị, 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ việc đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch M&A.

Theo ông Hiệp, chiến lược phát triển hệ thống phân phối bán lẻ của tập đoàn nhằm xây dựng Vinmart và Vinmart+ thành thương hiệu Việt đẳng cấp quốc tế, mang đến cho NTD hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý. Đồng thời tạo nên xu hướng mua sắm mới, phong phú về thương hiệu, gia tăng nhiều dịch vụ tiện ích...

Khi Tập đoàn Berli Jucker Public (Thái Lan) tiếp quản Metro Cash&Carry, nhiều ý kiến cho rằng hàng Thái theo đó sẽ chính thức có mặt trên các kệ hàng của siêu thị. Điều này là nỗi lo của DN nhưng là tín hiệu vui cho NTD khi có cơ hội mua hàng Thái chất lượng, giá rẻ hơn so với các kênh nhỏ, lẻ trước đây. Khi tập đoàn này mua lại hệ thống Familymart và đổi thành B’smart hàng Thái tại các cửa hàng tiện ích này đã tăng lên 70%.

Tổng giám đốc Aeon mall Việt Nam cũng cho biết hàng hóa bán ở Siêu thị Aeon 50% là hàng ngoại, chủ yếu là hàng Nhật.

Ông Khuất Quang Hưng, chuyên gia nghiên cứu trong ngành bán lẻ, cho rằng M&A đem lại lợi ích trực tiếp và rõ nhất cho các DN. NTD sẽ hưởng lợi gián tiếp khi các dịch vụ tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, môi trường mua sắm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào quá trình M&A diễn ra giữa các đối tác nào, chiến lược và định hướng kinh doanh sau khi M&A của DN ra sao…

Cái phao cho doanh nghiệp

Ông Hưng nhận định một DN muốn xâm nhập một lĩnh vực nào đó phải cần nhiều thời gian, chi phí, công sức để xây dựng thương hiệu và giành được thị phần. Cách làm nhanh nhất và có hiệu quả nhất là mua lại một công ty khác. DN mua, ngoài lợi ích là thâm nhập thị trường nhanh, có thể mở rộng hoạt động, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao vị thế trên thị trường. Chẳng hạn, thương vụ Vingroup mua Ocean mart và Oceanmart Express vì hai hệ thống này có kinh nghiệm triển khai siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi. Còn Vingroup muốn gia nhập thị trường này, họ có khả năng tài chính, đồng thời kết hợp với các dự án bất động sản để mở rộng.

Hay trường hợp Saigon Co.op liên doanh với tập đoàn bán lẻ Mapletree (Singapore) xây dựng Trung tâm thương mại SC Vivocity. Cả hai đều hưởng lợi khi hợp tác với nhau. Tập đoàn Mapletree muốn vào Việt Nam phải hợp tác với một DN nội địa, có sẵn lợi thế về quỹ đất… Còn Saigon Co.op khá thành công với mô hình siêu thị, giờ họ muốn thâm nhập vào thị trường cao cấp hơn là shoppingmall nhưng thiếu kinh nghiệm nên phải hợp tác với Vivocity. Qua đó cũng là để hưởng lợi về thương hiệu cũng như kinh nghiệm vận hành.

Một chuyên gia khác thì nhận định M&A cũng có kẻ thắng người thua, kẻ thua bị người thắng mua lại nhưng đôi khi cả hai đều có lợi.

Thay đổi chiến lược kinh doanh

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định M&A và liên doanh là cách thức tốt để DN có thể mở rộng quy mô nhanh chóng cũng như tăng sức mạnh để phát triển. Những DN bán lẻ có được sự hậu thuẫn từ những ông lớn có tài chính hùng mạnh sẽ tạo sức ép lên những DN nhỏ hơn. Khi sức ép càng lớn, DN bán lẻ nhỏ càng phải tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình để tồn tại và phát triển.

Ông Hưng nhận xét M&A thực ra không phải là mối đe dọa đối với các DN nhỏ hơn. Hiện nay, các DN hầu như chủ động đi tìm đối tác để liên kết và M&A nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược cho DN của mình. Nhà nước cũng đã có nhiều quy định, văn bản về vấn đề này nhưng hiện vẫn còn nằm rải rác.

Phân tích thêm, ông Robert Trần nêu M&A không thể là mối đe dọa cho DN nhỏ, DN địa phương vì đây là sức ép làm cho DN phải thay đổi nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Tất cả hoạt động kinh doanh của DN đều lấy khách hàng làm trọng tâm. Do vậy DN nào đáp ứng được mong đợi của NTD, DN đó sẽ chiến thắng, không nhất thiết là nhỏ hay lớn.

Theo một số chuyên gia khác, khi xu hướng M&A tăng, các DN có thể tự bảo vệ mình bằng việc có thể liên kết lại với nhau. Ví dụ một DN bất động sản góp đất, DN khác góp tài chính cùng với một nhà bán lẻ. Như vậy các bên đều có lợi. DN cũng có thể chuyển đổi thị trường khi phát triển lên mô hình bán lẻ cao cấp hoặc bán hàng bình dân.

Tú Uyên

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Ngành sản xuất tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về nhu cầu tuyển dụng (13/10/2014)

>   ADB đã hỗ trợ Việt Nam hơn 13 tỷ USD phát triển kinh tế (13/10/2014)

>   Báo cáo Bộ Chính trị dự án sân bay Long Thành (13/10/2014)

>   Vinalines chính thức thua vụ kiện 3 triệu USD (13/10/2014)

>   Dự án đường sắt số 1 đội vốn từ 1,091 tỷ USD lên 2,49 tỷ USD (13/10/2014)

>   Viettel được phép kinh doanh di động tại Tanzania (13/10/2014)

>   TS Lê Đăng Doanh: Cần hồi chuông báo động sức khỏe của doanh nghiệp (13/10/2014)

>   Nghị định 67: Quyết liệt nhưng không nóng vội (13/10/2014)

>   Trả lại vị trí cho doanh nhân (13/10/2014)

>   Cụm công nghiệp 11 năm không có hệ thống xử lý nước thải (13/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật