Góc nhìn 14/10: Đà giảm liệu có sớm chững lại?
Không nhất quyết phải bán rẻ cổ phiếu bằng mọi giá, cùng với lực cầu xuất hiện ở cuối phiên giúp chỉ số bật tăng đã minh chứng cho tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn này là khá vững. Cùng với nhóm cổ phiếu kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 khởi sắc liệu có giúp đà giảm của thị trường chững lại?
Không quan tâm quá nhiều đến các biến động trong ngắn hạn
CTCK FPT (FPTS): Đánh giá thị trường vẫn ở vùng mua khá hấp dẫn, do vậy FPTS có khuyến nghị tiếp tục lựa chọn cổ phiếu để mua và không nên quan tâm quá nhiều đến các biến động trong ngắn hạn.
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt theo đánh giá hiện nay có thể là nhóm Sông Đà, do nhóm này có khá nhiều mã có doanh thu lợi nhuận tăng trưởng theo quý và theo năm, cũng như cũng có khá nhiều mã thuộc nhóm ngành này đồng thời bứt phá khỏi mô hình tích lũy.
FPTS khuyến nghị nhà đầu tư (NĐT) nắm giữ những cổ phiếu hoạt động hiệu quả hơn thị trường, tiếp tục lựa chọn cổ phiếu để cơ cấu hoặc mở vị thế mua mới.
Cầu mua sẽ có thể được đẩy mạnh trở lại
CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS): TTCK thế giới tiếp tục có những bất ổn và đang suy giảm mạnh có lẽ là nguyên nhân khiến cho khối ngoại bán mạnh trong phiên đầu tuần. Khá nhiều cổ phiếu bị bán có tính tác động lên chỉ số như VIC, GAS, PVD.... Trước sức ép như vậy khiến cho chỉ số VN-Index có thời điểm giảm khá sâu và có thể đã phần nào tác động mạnh đến tâm lý của NĐT. Tuy nhiên với việc thanh khoản tiếp tục có dấu hiệu sụt giảm là một điểm đáng quan tâm bởi cũng minh chứng rằng tâm lý của NĐT là khá vững. Họ cũng không nhất quyết phải bán rẻ cổ phiếu bằng mọi giá.
Việc chỉ số hồi phục mạnh trở lại và cầu mua xuất hiện mạnh hơn vào cuối phiên là một tín hiệu khá tích cực. Có thể điều đó sẽ giúp cho cầu mua ở phiên 14/10 được đẩy mạnh trở lại và cả hai chỉ số sẽ có được một phiên tăng điểm trở lại. Nhiều cổ phiếu sau nhiều phiên giảm điểm có khả năng tăng trở lại và nó sẽ trợ giúp cho cả hai chỉ số nhưng khó kỳ vọng rằng mức tăng này sẽ mạnh mẽ.
Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Mức giảm điểm sâu trong phiên 13/10 của VN-Index tuy nhiên lại là hàn thử biểu khá tốt giúp đánh giá tâm lý của nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại. Lượng cung ồ ạt giá thấp không xuất hiện, lượng cầu bắt đáy tăng cao giúp nhiều cổ phiếu chuyển sang tăng điểm cuối phiên và độ rộng thị trường không còn bị thu hẹp là các tín hiệu lạc quan cho thấy lượng cung – cầu đã bước vào giai đoạn khá cân bằng sau hàng loạt các phiên điều chỉnh trước đó.
SHS cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa, các mã được dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 và đã điều chỉnh khá trong thời gian qua sẽ thu hút được dòng tiền mua vào trong các phiên tới nếu tiếp tục điều chỉnh về vùng giá hợp lý. Tuy nhiên, SHS cũng lưu ý NĐT về động thái bán ròng mạnh của khối ngoại có thể tác động xấu tới tâm lý của NĐT trong ngắn hạn.
Xu hướng giảm ngắn hạn đang chậm dần
CTCK Kim Long (KLS): Theo dõi giao dịch có thể thấy các cổ phiếu vốn hóa ớn đang tiếp tục tác động mạnh tới điểm số của VNI-Index. Hỗ trợ ngắn hạn đối với chỉ số ngày đang ở mức 610 điểm. Khối lượng giao dịch giảm dần trong các phiên gần đây cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn của VNI-Index đang chậm dần. KLS dự đoán mức hỗ trợ 610 điểm có thể được giữ vững trong các phiên giao dịch tới.
Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số HNX-Index hiện đang ở xu hướng tăng giá trung hạn, tuy nhiên chỉ báo ADX cho thấy xu hướng tăng đang có dấu hiệu chậm dần. Để duy trì đà tăng thì sức cầu phải tăng mạnh. KLS dự đoán phiên giao dịch tiếp theo HNX-Index có thể dao động nhẹ quanh mức 90 điểm.
Lực cầu nội vẫn còn khá mạnh
CTCK MB (MBS): Về kỹ thuật, sau khi giảm mạnh và kiểm nghiệm hai ngưỡng hỗ trợ gần nhất là MA20 và MA50 tương ứng vùng 612-615 điểm, VNI-Index đã hồi phục trở lại và đóng cửa nằm trên MA20 cho thấy tín hiệu khá tích cực. Bên cạnh đó, thanh khoản mặc dù giảm nhưng vẫn duy trì trên 108 triệu đơn vị cho thấy dòng tiền vẫn đang duy trì khá tốt.
MBS cho rằng giai đoạn này ảnh hưởng bán ròng của NĐTNN sẽ tác động vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn qua đó tác động ảnh hưởng đến chỉ số chung. Tuy nhiên, lực cầu nội vẫn khá mạnh và chống đỡ khá tốt và phân hóa mạnh vào một số nhóm ngành dự kiến có KQKD quý 3 khả quan như bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán và dệt may…
Do đó, chiến lược ngắn hạn có thể trading hạ giá vốn đối với danh mục có sẵn hoặc gom mua vào tại các đợt giảm trong phiên đối với các cổ phiếu tốt trong quý 3 sắp tới.
Gia Nguyên tổng hợp
|