Góc nhìn tuần 13-17/10: Tiếp tục kịch bản giằng co
Áp lực nguồn cung đang gia tăng mạnh và tạo áp lực điều chỉnh chỉ số, theo đó, thị trường được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục trạng thái giao dịch giằng co và sự phân hóa sẽ ngày càng rõ.
Tăng giảm xen kẽ quanh vùng 615 điểm
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Trong ngắn hạn IVS đánh giá thị trường sẽ tiếp tục có các phiên tăng giảm điểm xen kẽ quanh vùng 615 điểm để củng cố vùng giá hiện tại. Các thông tin vĩ mô tích cực sẽ củng cố góp phần ngăn đà giảm sâu của thị trường. Vùng 608 – 615 điểm được xem là vùng hỗ trợ khá tốt của VN-Index trong trường hợp thị trường tiếp tục điều chỉnh.
Theo đó, IVS khuyến nghị NĐT tiếp tục giải ngân vào các cổ phiếu tốt có sẵn trong danh mục với kỳ vọng KQKD quý 3 khả quan nếu VN-Index giảm xuống sát vùng giá này. NĐT cũng tránh mua đuổi tại vùng giá cao, đặc biệt đối với các cổ phiếu thị giá thấp mang tính đầu cơ cao đề phòng rủi ro tiếp tục giảm điểm của thị trường.
Chỉ số không có động lực tăng điểm hoặc ít nhất là đứng vững
CTCK VNDirect (VND): Phiên ngày 10/10 sắc đỏ trên sàn Hà Nội tăng mạnh sau hai tuần dồn nén ở mức thấp. Diễn biến này có thể kích thích sự bi quan lớn dần và khiến chỉ số HNX-Index tiếp tục sụt giảm ở đầu tuần tới.
Số lượng cổ phiếu có giao dịch kém tích cực đang tăng dần và có nhiều mã trong số này có thể phá đáy ngắn hạn. Trong khi đó, sắc xanh lại suy yếu nên khả năng có thêm cổ phiếu vượt đỉnh tương đối thấp. Chỉ số không có động lực tăng điểm hoặc ít nhất là đứng vững, đây là rủi ro của thị trường trong tuần tới.
Thanh khoản sàn HOSE sụt giảm khá mạnh về mức 2,600 tỷ, vẫn trên mức tối thiểu để tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư mà VND đặt ra là 2,000 tỷ. Chiến lược cho phiên giao dịch tới là tìm cơ hội mua nhóm chứng khoán và bất động sản ở giá thấp và lướt sóng nhằm duy trì giá vốn thấp cũng như tỷ lệ cổ phiếu an toàn theo mức chịu rủi ro của từng NĐT.
Tiếp tục trạng thái giằng co
CTCK Quân Đội (MBS): Như vậy, việc VN-Index giảm trở lại và HNX-Index vẫn chưa thể vượt được ngưỡng kháng cự 91.5 điểm (mặc dù trong phiên 10/10 đã có lúc chỉ số này đạt 91.9 điểm) là tín hiệu cho thấy áp lực nguồn cung đang gia tăng mạnh và tạo áp lực điều chỉnh chỉ số.
Trong tuần tới MBS dự báo thị trường sẽ tiếp tục trạng thái giao dịch giằng co và sự phân hóa sẽ ngày càng rõ, trong bối cảnh đó thì NĐT cần tiếp tục duy trì danh mục cần bằng và canh mua các cổ phiếu tốt với giá thấp.
Tiếp tục quá trình điều chỉnh
CTCK FPT (FPTS): Áp lực bán mạnh và khá quyết liệt vào thời điểm cuối phiên là dấu hiệu cho thấy quá trình hồi phục có thể sẽ chậm lại. Việc NĐT nước ngoài tạm dừng bán ròng cũng không thể tạo tâm lý tích cực hơn. Hiện tại, thị trường đang có sự phân hóa khá rõ nét, dòng tiền chỉ tập trung vào số ít cổ phiếu hoặc nhóm ngành có thông tin hỗ trợ, trong khi những cổ phiếu còn lại chỉ biến động ở mức độ nhẹ hoặc giảm dần. Chính vì vậy để kiếm được lợi nhuận trong giai đoạn này là khá khó khăn đối với các danh mục lướt sóng ngắn.
Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục quá trình điều chỉnh trong 1 vài phiên tới, tuy nhiên diễn biến này không quá lo ngại khi nhiều ẩn số từ kết quả kinh doanh quý 3 vẫn chưa được công bố. FPTS vẫn bảo lưu đánh giá biến động của chỉ số hiện tại không quá quan trọng, mà trên hết đòi hỏi sự bản lĩnh và tinh nhạy của NĐT, quá trình chọn lọc cổ phiếu và thu hút dòng tiền thông minh vẫn sẽ tiếp tục diễn ra và giữ nhịp cho thị trường trong thời gian tới. Việc nắm giữ cổ phiếu cơ bản có thông tin tốt về kết quả kinh doanh quý 3 vẫn được khuyến nghị.
Diễn biến giằng co điều chỉnh có thể kéo dài
CTCK Bảo Việt (BVS): Sau nhịp hồi phục gần 2 tuần trở lại đây, thị trường chung và khá nhiều các mã cổ phiếu có vai trò dẫn dắt đang thử thách một vùng kháng cự khá mạnh trong ngắn hạn. Tại các điểm ranh giới nhạy cảm này nhu cầu chốt lời của NĐT thường gia tăng để cân bằng lại tỷ trọng danh mục tùy theo khả năng chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, nhiều mã bluechips vẫn chưa thoát khỏi nhịp điều chỉnh kéo dài từ giữa tháng 9 trong khi thông tin KQKD quý 3 và mức độ phản ánh của những thông tin này vào diễn biến giá cổ phiếu đang tạo ra sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành.
BVS cho rằng thị trường đang giao dịch tại một điểm tương đối bão hòa về mặt thông tin và diễn biến giằng co điều chỉnh sẽ còn có thể kéo dài trong tuần tới. Triển vọng thị trường trong trung, dài hạn vẫn đang được đánh giá tích cực dựa trên những số liệu khả quan về tình hình kinh tế vĩ mô và những chuyển biến trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng rủi ro điều chỉnh ngắn hạn cần phải được tính đến. NĐT được khuyến nghị nắm giữ danh mục trung, dài hạn với 1 tỷ trọng cân bằng và tiếp tục trading quay vòng cho danh mục ngắn hạn, mua hỗ trợ bán kháng cự, để tăng tính linh hoạt cho danh mục.
Giảm điểm ngay phiên đầu tuần
CTCK Maritime Bank (MSBS): Lực bán mạnh trên tất cả các mã vào phiên giao dịch 10/10 đã khiến VN-Index giảm mạnh xuống mức 617.27 điểm. Theo MSBS, nhiều khả năng trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần tới VN-Index vẫn sẽ tiếp tục là phiên giảm điểm, đầu phiên VN-Index sẽ giảm về ngưỡng 612-615 điểm sau đó sẽ hồi lại quanh mức 615 điểm. 2 phiên tiếp theo vào thứ 3 và thứ 4, thị trường sẽ dao động trong biên độ hẹp quanh mức 615 điểm.
Dự báo thị trường sẽ tăng điểm trở lại vào 2 ngày cuối tuần. KQKD khả quan của nhiều doanh nghiệp trong quý 3 sẽ là thông tin hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới. Một số nhóm ngành đáng quan tâm: chứng khoán, vật liệu xây dựng, thủy sản…
Gia Nguyên tổng hợp
|