Cơ chế một cửa quốc gia: DN cần chuẩn bị để sẵn sàng tham gia
Tham gia Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về NSW.
Xin ông cho biết, Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để tham gia vào NSW?
Để tham gia NSW, Việt Nam chia ra làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu có sự tham gia của 3 bộ, ngành có liên quan mật thiết nhất đến hoạt động XNK là Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục Hải quan), Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải. Trong giai đoạn này, một số việc đã được triển khai như chuẩn bị cơ sở hạ tầng, máy móc, phần mềm và ra được Thông tư liên tịch giữa 3 bộ nói trên để bước đầu đưa những giấy tờ, thủ tục lên trên mạng phục vụ cho DN. Giai đoạn đầu đã kéo dài từ năm 2011 đến hết năm 2013.
Hiện nay, chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn 2 (2014 – 2015). Công việc quan trọng nhất của giai đoạn này là kết nối giữa các bộ phận của 3 Bộ nói trên sao cho có tính liên thông. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tiến hành thông quan điện tử - một việc hết sức quan trọng đối với việc triển khai NSW. Bộ Công Thương cũng có hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (cấp C/O). Hệ thống đang vận hành nhưng chưa kết nối được với Tổng cục Hải quan. Bộ Giao thông vận tải cũng có hệ thống khai báo nhưng chưa kết nối với Tổng cục Hải quan… Việc quan trọng nhất trong giai đoạn 2 này là kết nối và khi kết nối xong, các bộ, ngành khác có thể cùng tham gia cơ chế này. Cùng với 3 bộ trên, trong giai đoạn 2 là triển khai kết nối với một số Bộ khác là: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau giai đoạn 2 này, từ năm 2015, sẽ có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành còn lại liên quan đến việc cấp phép XNK cho DN.
Vậy đâu là lợi ích lớn nhất của DN khi tham gia NSW?
Lợi ích lớn nhất của DN là có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian bởi có thể ngồi tại nhà cũng thực hiện được các giao dịch XNK. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan đến XNK sẽ trở nên đơn giản, minh bạch.
Đối với cơ quan Nhà nước, quy trình này có thể giúp hiện đại hóa phong cách làm việc, giảm áp lực khi lượng hồ sơ của DN quá lớn vì tất cả các thủ tục đều được thực hiện qua mạng.
Từ việc hoàn thiện hệ thống trong nước, trong tương lai, Việt Nam sẽ kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới, trước mắt là khu vực ASEAN. Khi đó, DN thực hiện hoạt động XNK sẽ còn được hưởng lợi hơn nữa từ quy trình này.
DN Việt Nam muốn tham gia Cơ chế này sẽ phải chuẩn bị điều gì, thưa ông?
Theo tôi, yêu cầu quan trọng nhất đối với DN là sự chuẩn bị nhận thức, kỹ năng. Khi DN nhận thức được đây là trào lưu, xu hướng tất yếu diễn ra một vài năm tới, DN phải có sự chuẩn bị để khi các cơ quan Nhà nước triển khai có thể tham gia NSW một cách nhanh chóng. Về kỹ năng, trước đây chúng ta quen theo cách thông thường là đến nộp hồ sơ nhưng khi NSW thực hiện sẽ chuyển sang hình thức khai báo trên mạng. Lúc ấy, sẽ có nhiều thay đổi, DN phải có sự tập huấn.
Với những yêu cầu như vậy, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm thông qua các hoạt động tuyên truyền, truyền thông hướng dẫn kỹ năng, kỹ thuật khai báo hồ sơ cho DN.
Về cơ sở hạ tầng, DN không có đòi hỏi gì lớn bởi NSW dựa trên nền tảng có sẵn từ các DN, tức là hệ thống internet, có thể DN chỉ cần trang bị thêm hệ thống bảo mật chữ ký số.
NSW còn rất “mới mẻ” đối với DN. Vậy Bộ Công Thương sẽ có sự hỗ trợ gì cho các DN?
Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu Bộ Công Thương đang triển khai là nâng cao nhận thức cho DN bằng một loạt những hội thảo được tổ chức tại cả 3 miền với mục tiêu giúp DN có được những thông tin bước đầu, từ đó có sự chuyển biến để sẵn sàng tham gia cơ chế này.
Trong thời gian tới, chúng tôi rất cần sự tương tác lớn hơn giữa các DN để cơ chế này có thể diễn ra đúng với lộ trình mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã đặt ra.
Xin cảm ơn ông!
Phan Thu thực hiện
Hải Quan
|