Trung Quốc làm giàu từ cây điều nhờ bắt chước Việt Nam?
Diện tích điều trong nước giảm mạnh, Việt Nam lại phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc.
* “Chìa khóa” cho ngành điều
* Nông dân tự bơi-đổ nợ: Điêu đứng cây điều
* Cơ hội lớn cho hạt điều vào siêu thị Mỹ, Nhật
Chặt điều vì hiệu quả thấp
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ năm 2005-2013, diện tích trồng điều ở nước ta giảm mạnh như miền Đông Nam bộ giảm 88.399ha, duyên hải Nam Trung bộ 16.908ha và Tây nguyên 14.111ha.
Năm 2005 diện tích trồng điều cả nước là hơn 433.000ha nhưng đến năm 2013 còn hơn 313.000ha, giảm 120.000ha. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 15.000ha trồng điều bị chặt bỏ, chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị cao hơn.
Cục Trồng trọt cho biết, nguyên nhân của tình trạng nông dân chặt bỏ điều là do hiệu quả kinh tế của cây điều thấp và không ổn định, không đủ sức cạnh tranh với các loại cây trồng khác...
Nông dân Đồng Nai chặt điều chuyển sang cây trồng khác
|
Tại Đồng Nai, nếu như năm 2005 diện tích trồng điều trên địa bàn đạt trên 50.000ha thì đến nay chỉ còn trên 44.700ha. Trong đó, diện tích điều cho thu hoạch hiện có khoảng 43.500 ha, với sản lượng 44.300 tấn/năm. Nếu như năng suất bình quân năm 2005 là 1,28 tấn/ha thì đến năm 2013 chỉ đạt 1 tấn/ha. Giá trị sản xuất bình quân trên mỗi héc ta điều chỉ đạt 20 triệu đồng/năm.
Theo ông Phan Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, nông dân chặt điều là quyền của họ, không thể cấm được. "Không lẽ chúng tôi phải chia cán bộ, công chức xuống ôm giữ gốc điều để dân đừng chặt?", ông hài hước nói.
Tình trạng cây điều cũng giống như nhiều loại cây trồng khác ở Đồng Nai. Ông Đạo cho rằng, Sở Nông nghiệp không thể làm gì được bởi cơ chế chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch nông nghiệp nói chung và các sản phẩm nông nghiệp nói riêng đều không có gì hết.
"Nếu như thế này thì tôi khắc phục được: cho tôi quyền quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giống Nghị định 42 của Chính phủ về đất lúa, trong đó tôi sẽ ghi rõ đất nào trồng điều, đất nào trồng cao su... ai không trồng hay chuyển khác mục đích tôi thu hồi lại hoặc xử phạt. Ngoài ra, những chính sách khuyến nông đi kèm theo như đào tạo nghề, vay vốn, chuyển giao kỹ thuật... cũng không được chuyển giao. Cái này cơ chế xử lý được".
Nguy cơ bị Trung Quốc "đo ván"
Trong khi diện tích trồng điều trong nước bị thu hẹp, Việt Nam phải nhập khẩu 50% sản lượng điều nguyên liệu thì lại phải tiếp tục đối phó với cạnh tranh Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ bị hạ gục.
Kể từ năm 1992 khi Việt Nam xuất khẩu lô hàng điều đầu tiên qua thị trường Trung Quốc, đến nay, Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam. Hơn 99% kim ngạch xuất khẩu điều từ Việt Nam sang Trung Quốc là điều nhân.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, Trung Quốc rất khó phát triển cây điều bởi vị trí địa lý và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Bởi vậy, đối với sản phẩm điều Trung Quốc phải nhập khẩu hoàn toàn.
"Trung Quốc là nước láng giềng với Việt Nam nên đó là điều kiện thuận lợi để Việt Namphát triển mua bán biên mậu với nước này. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc rất đầy đủ và thông thoáng (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Trung Quốc, Trung Quốc - ASEAN,...). Các điều kiện mua bán, thanh toán, vận chuyển tương đối dễ dàng, thị trường này cũng khá dễ tính trong yêu cầu về chất lượng sản phẩm", ông Giang đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết thêm, người dân Trung Quốc rất thích ăn điều Việt Nam và họ sẵn sàng mua giá cao hơn điều châu Phi.
Tuy nhiên, theo thông tin từ đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam, thời gian qua Trung Quốc đã quay sang chế biến xuất khẩu điều. Các doanh nghiệp nước này đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy chế biến hạt điều nhân và đóng gói sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu ở đảo Hải Nam và ở tỉnh Quảng Đông. Nhiều thương nhân Trung Quốc đến Việt Nam học nghề chế biến hạt điều và nhiều khả năng trong vài năm nữa Trung Quốc sẽ không còn nhập khẩu hạt điều của Việt Nam nữa. Thay vào đó, phía Trung Quốc sẽ trực tiếp mua điều thô từ châu Phi và máy móc công nghệ tách vỏ hạt điều của Việt Nam để tự chế biến cung cấp cho thị trường nội địa.
Ông Đặng Hoàng Giang đánh giá, việc các doanh nghiệp Trung Quốc tập trung đầu tư chế biến sản phẩm điều, đặc biệt là những sản phẩm có hàm lượng GTGT cao mà doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm như điều chiên muối tại Trung Quốc là việc làm rất bình thường.
Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, việc làm của Trung Quốc hiện tại chưa phải là mối nguy đáng ngại vì Trung Quốc không có lợi thế so sánh như của Việt Nam. Việt Nam có thị trường Campuchia, 2 tỉnh Nam Lào nên vùng nguyên liệu tương đối tốt. Trong khi đó Trung Quốc không có nguyên liệu. Thứ nữa, công nghệ của Trung Quốc đi sau Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh điều Trung Quốc chắc chắn kinh nghiệm tổ chức sản xuất không bằng Việt Nam, thậm chí người tiêu dùng trên thế giới còn có tâm lý ngại mua thực phẩm Trung Quốc.
"Không chỉ hạt điều mà với các mặt hàng khác Trung Quốc cũng có chiêu bài như thế. Văn hóa kinh doanh của Trung Quốc rất nhiều chiêu trò, không lường trước được. Trong tương lai nếu các doanh nghiệp Trung Quốc quyết tâm sản xuất điều thì nước này sẽ là đối trọng đáng kể của Việt Nam", ông Thanh nói.
Trong khi đó, bàn về động thái này của Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cũng cho biết, Trung Quốc đã làm nhiều sản phẩm giống Việt Nam từ nhiều năm nay.
"Cách đây gần 10 năm khi tôi sang Hải Nam đã thấy Trung Quốc làm các sản phẩm từ dừa, kể cả kẹo dừa như Bến Tre hay nước giải khát cao cấp từ dừa cho nguyên thủ quốc gia, thậm chí khi tiếp khách quốc tế cũng sử dụng. Cứ sản phẩm gì của Việt Nam tương đối nổi trội, họ đều nhái, đều làm theo cả. Còn cây điều bây giờ họ mới tổ chức làm.
Trước mắt Trung Quốc chưa trồng được điều sẽ thu mua điều thô, kể cả của Việt Nam. Trung Quốc làm có chiến lược như thế chắc chắn có sự tài trợ, chính sách ưu đãi để cạnh tranh, giành thị phần chứ không phải làm nửa vời, tự phát, doanh nghiệp tự mày mò. Họ có hẳn chủ trương, phân công địa phương nào làm, chính sách thế nào... rất bài bản".
Với chính sách mua rẻ, bán rẻ Việt Nam đang thực hiện, giờ có thêm sự tham gia của Trung Quốc trên thị trường chế biến điều nhân với thế mạnh về mẫu mã, giá rẻ, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng nguy cơ là rất rõ.
"Họ sẽ cạnh tranh được nếu Việt Nam không sửa đổi. Doanh nghiệp Việt cứ cầm chắc chỉ có Việt Nam làm, muốn làm kiểu gì làm, muốn bán giá nào thì bán thì sẽ thua. Việt Nam xưa nay có thế mạnh nhưng về chất lượng không được cải thiện bao nhiêu, ít chú ý thay đổi mẫu mã, cách chế biến... để tăng tiêu dùng. Chúng ta không thể cấm đoán Trung Quốc mà bắt buộc phải cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, bí quyết sản xuất", ông Nam cảnh báo.
Thành Luân
đất việt
|