Thứ Tư, 06/08/2014 14:08

Doanh nghiệp kêu hết gạo xuất khẩu

Nhu cầu mua gạo ở một số thị trường đang tăng lên, song doanh nghiệp vẫn đang chần chừ trong ký hợp đồng xuất khẩu mới do lượng gạo dành cho xuất khẩu gần như không còn nhiều.

Gạo không còn nhiều?

Phát biểu tại hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức hôm qua 5-8 tại Cần Thơ, ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), cho biết sau khi cân đối giữa lượng gạo đã xuất khẩu, tồn kho của năm 2013 chuyển sang và dự kiến sản lượng lúa sẽ thu hoạch, “chúng ta còn khoảng 5 triệu tấn gạo hàng hóa cần được tiêu thụ từ nay đến cuối năm”, ông nói.

Trong khi đó, kết quả báo cáo của 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL gửi về Bộ Công Thương, cho biết lượng gạo đang tồn đọng ở khu vực này là rất lớn, khoảng 500.000 tấn trong thương lái và 800.000 tấn trong dân (quy gạo).

Tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết lượng gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu hiện đã không còn nhiều. “Ngay cả Vinafood 2 với mấy chục công ty thành viên mà mua vào chưa tới 7.000 tấn/ngày, cho nên con số còn 5 triệu tấn như anh Dư (ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt- PV) nói cũng như gạo đang tồn đọng lớn như Bộ Công Thương công bố, cần được đánh giá lại”, ông Năng cho biết.

Theo phân tích của ông Năng, căn cứ vào báo cáo của Bộ NN&PTNT thì vụ đông xuân có 4,15 triệu tấn gạo; vụ hè thu 3,15 triệu tấn; vụ thu đông dự kiến có 400.000 tấn (đã khấu trừ phần sử dụng cho nhu cầu tiêu thu của người dân và sử dụng làm giống- PV); vụ mùa 200.000 tấn và tồn kho của năm 2013 chuyển sang 400.000 tấn, thì tổng cộng chỉ có 8,3-8,4 triệu tấn gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong năm nay thôi.

Trong khi đó, cũng theo ông Năng, tính đến nay, ngoài 3,6 triệu tấn gạo chính ngạch đã được doanh nghiệp hội viên của VFA (Hiệp hội lương thực Việt Nam) giao cho đối tác, thì cũng có 1,6 triệu tấn được bán tiểu ngạch qua Trung Quốc (ông Năng cho biết con số 1,6 triệu tấn này được Công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam – Agromonitor công bố- PV). “Như vậy, nếu tính luôn 2 triệu tấn đã ký nhưng đang chờ giao, thì coi như mình đã bán được hơn 7 triệu tấn rồi, trong khi lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ năm 2014 chỉ 8,3-8,4 triệu tấn thôi”, ông Năng cho biết.

Rõ ràng, nếu các số liệu thống kê, dự báo của Bộ NN&PTNT, VFA và Agromonitor đưa ra là chính xác, thì lượng gạo phục vụ cho xuất khẩu không còn nhiều.

Doanh nghiệp không dám bán gạo

Phát biểu tại hội nghị, ông Năng của Vinafood 2, cho biết nhu cầu nhập khẩu của các nước hiện còn rất lớn. “Ngoài việc thực hiện tiếp các hợp đồng đã ký, thì mình (doanh nghiệp) đang đàm phán bán tiếp tục cho Philippines thêm 500.000 tấn nữa”, ông Năng dẫn chứng.

Theo ông Năng, đối thủ của Việt Nam trong cuộc đua cung cấp 500.000 tấn cho Philippines chỉ có Thái Lan. “Bởi Ấn Độ không thể xuất gạo thông thường (ý nói gạo 5% tấm- PV) được nữa vì từ đầu năm đến nay họ chỉ mới xuất được 5 triệu tấn (tương đương 25% dự trữ quốc gia) nhưng lạm phát của họ đã tăng lên rất nhanh nên Ấn Độ không thể cạnh tranh với Việt Nam được nữa. Còn Campuchia, Myanmar chỉ xuất lẻ tẻ thôi, không đáng lo ngại”, ông Năng cho biết.

Cũng theo ông Năng, dù Thái Lan đang là một ẩn số chưa rõ nhưng với quy định của Philippines chỉ mua gạo mới (gạo được thu hoạch từ đầu năm 2014 đến nay- PV), thì Thái Lan gần như không đáp ứng được.

“Ngoài ra, mình còn phải ký tiếp với Indonesia, Malaysia nữa. Nói chung, nhu cầu nhập khẩu của các nước đang tăng nhưng mình đang trong tình trạng là gạo ở đâu ra để bán?”, ông Năng đặt vấn đề.

Trước thông tin gạo khan hiếm, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị các địa phương cần nhanh chóng rà soát kỹ lại tình hình thu hoạch lúa của địa phương mình để có giải pháp ứng phó phù hợp. “Tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương cần giúp xem xét vấn đề khan hiếm gạo như thế nào, chứ cái này rất khó cho doanh nghiệp bởi giá mua gạo trong nước đang cao hơn cả mức giá các nước nhập khẩu đưa ra”, ông Năng cho biết.

Mở rộng diện tích lúa thu đông

Ngoài chỉ đạo các địa phương cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu tôm, ổn định sản xuất ngành cá tra, kết luận hội nghị này, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương ĐBSCL rà soát, xem lại những nơi an toàn, hướng dẫn bà con nông dân mở rộng diện tích gieo trồng vụ lúa thu đông.

Tuy nhiên, đối với những tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An cần đặc biệt lưu ý gia cố hệ thống đê bao nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra do lũ.


Trung Chánh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Lúa gạo “chảy” đi đâu? (05/08/2014)

>   Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (05/08/2014)

>   Đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 5,6 triệu tấn gạo (05/08/2014)

>   Trung Quốc tiếp tục mua vét gạo qua thương lái: Lợi trước mắt, tiềm ẩn rủi ro (05/08/2014)

>   Thị trường nông sản tuần đến ngày 4/8/2014 (04/08/2014)

>   Giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao (04/08/2014)

>   Philippines dự kiến phải nhập 1,4 triệu tấn gạo trong năm nay (03/08/2014)

>   Đầu tháng 8, giá cà phê bất ngờ bùng nổ (02/08/2014)

>   Giá gạo xác lập đỉnh mới (02/08/2014)

>   Xuất khẩu nông sản hoán đổi ngôi vị (31/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật