Đầu tháng 8, giá cà phê bất ngờ bùng nổ
Vì cớ gì giá cà phê tăng mạnh ngay ngày cuối tháng 7? Liệu động thái này có mở đường cho các đợt tăng mới trong tháng 8-2014?
Biểu đồ 1: Dao động giá sàn arabica Ice New York (nguồn: tradingcharts.com)
|
Giới tài chính hoán đổi vốn
Tháng 7-2014 vừa qua chẳng mấy yên bình nếu nhìn lại những biến động kinh tế-chính trị trên thế giới. Tai nạn máy bay MH17 của Malaysia trên vùng trời Ukraine làm thiệt mạng 298 người đã là cái cớ đẩy Mỹ và EU mạnh tay trừng phạt Nga trên nhiều mặt, từ kinh tế đến năng lượng lẫn quân sự. Đang trong cơn bất ổn ấy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố giảm gói kích cầu xuống còn 25 tỉ đô la Mỹ/tháng để rồi sẽ bỏ hẳn trong vài tháng tới. Trước đây, cứ mỗi tháng Fed đều đặn bơm tiền ra thị trường, từ 85 tỉ/tháng rồi giảm dần mỗi tháng 10 tỉ, mới đây chỉ còn 35 tỉ đô la Mỹ/tháng làm thị trường tài chính thêm lừng khừng.
Giá hàng hóa nhảy loạn xạ. Đặc biệt, các mặt hàng nhạy cảm như vàng, dầu thô, ca cao, cà phê… hình như được giới đầu cơ tài chính dùng để hoán đổi nhau nhằm chu chuyển dòng vốn trên thương trường: giá vàng lên thì giá cà phê xuống chẳng hạn. Nhưng trong những ngày cuối tháng 7-2014, ngược lại, giá cà phê lên mạnh và giá vàng phải nhượng bước, như tính đến hết phiên giao dịch hôm 31-7, giá vàng tại sàn kỳ hạn Mỹ chỉ còn 1.281,3 đô la/oz, giảm từ đỉnh mới nhất là 1.346 đô la/oz vào ngày 10-7.
Nếu giá sàn kỳ hạn cà phê arabica New York vào ngày 11-7 chỉ còn giao dịch dưới mức 160 xu/cân Anh (cts/lb), thì đóng cửa phiên 31-7 nằm mức 195,05 cts/lb, hay tăng tương đương trên 770 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).
Cơ may lớn của mặt hàng cà phê
Nhớ khi thị trường còn bàng hoàng với tin các vùng cà phê Brazil bị hạn hán nặng, giá giao dịch arabica tại New York đã tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng hai năm vào tháng 4-2014. Sau đó, giá sàn này đã dịu lại và giảm mạnh đến vùng đáy vào đầu tháng 7-2014.
Hiện nay, thị trường cà phê thế giới lại dấy lên hậu quả xấu do hạn hán gây ra cho sản lượng Brazil làm nhiều người một phen bất ngờ. Sau một thời gian thu hái, nhiều hợp tác xã nước này xác nhận rằng chất lượng kém, hạt lép và lỗi nhiều. Kích cỡ hạt nhỏ đều thường đưa đến kết quả năng suất thấp và mất sản lượng.
Tính toán sản lượng nay không còn là con số thực mà tùy theo sự đong đếm từng quan điểm riêng tư. Quả vậy, thị trường từng xoay quanh 3 con số chính khi bàn đến sản lượng cà phê Brazil, nông dân thì ước 40 triệu bao (1 bao=60kg), các cơ quan chuyên ngành ước 45 triệu bao và người mua 50 triệu bao. Tuần qua, có nhiều đơn vị trước đây bảo sản lượng 50 triệu bao thì nay rút xuống còn 45 triệu hay có thậm chí chỉ 40 triệu bao. Nghiên cứu của tập đoàn ngân hàng Citigroup (Mỹ) chẳng hạn, trước đây đưa ra con số 45 triệu bao thì nay đang quay xuống chấp nhận con số nhỏ hơn. Một chuyên gia tại Tổ chức Cà phê Thế giới tuần này ước rằng niên vụ tới thế giới sẽ thiếu chừng 8-10 triệu bao cà phê.
Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng sản lượng cà phê nước ta niên vụ 2014/15 bắt đầu từ 1-10 sắp tới ước đạt 23 triệu bao, giảm 1,3% so với niên vụ hiện thời là 23,3 triệu bao. Quan chức đưa ra ước lượng giải thích thêm rằng sở dĩ sản lượng cà phê vụ tới giảm do một đợt hạn hán xảy ra vào đầu năm và mưa lớn trong mấy tháng gần đây. Hiện nay, chừng 15% lượng trái cà phê đang rụng nên sản lượng không được cao. Niên vụ 2013/14 sẽ chấm dứt vào ngày 30-9-2014 ước sản lượng cà phê nước ta đạt 1,4 triệu tấn hay chừng 23,3 triệu bao.
Dự báo này của Vicofa được xem là thực tế nhất từ trước tới nay, nhưng thấp hơn nhiều so với các dự báo khác, như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ là 29,2 triệu bao, thăm dò của Reuters là 27,5 triệu bao.
Dù sao, tin cung-cầu trên làm dấy lên lo ngại và giúp cho giá sàn arabica New York bùng nổ liên tiếp trong tháng Bảy vừa qua. Giá cà phê ngay ngày cuối tháng trở nên sôi động lạ thường.
Xuất khẩu giảm, sản lượng kém, giá tăng
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước rằng trong tháng 7-2014 nước ta xuất khẩu chừng 77.000 tấn cà phê, giảm 28,9% so với tháng Sáu và cũng giảm 15,1% so với cùng kỳ cách nay một năm. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm nay đạt 1,13 triệu tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Số liệu tồn kho cà phê robusta đạt chuẩn do sàn Ice Liffe London cấp giấy chứng nhận có thể được đưa lên sàn đấu giá trong tháng 7-2014 đạt 14.790 tấn, trong đó nước ta đóng góp 11.570 tấn. Theo giới chuyên môn, do hàng đi trực tiếp đến các lò rang giảm, dự kiến lượng hàng đưa đến sàn này để xin chứng nhận đạt chuẩn đấu thầu sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tháng tới.
Số liệu tồn kho cà phê tại các kho người mua quanh khu vực cảng TP HCM đến cuối tháng 7-2014 còn ước chừng 280.000 tấn, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết.
Giá kỳ hạn tăng đợt liệu có nằm ngoài ý định tăng giá trị tồn kho?
Giá bùng nổ ngày cuối tháng
Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa sàn robusta Ice Liffe tháng 7-2014 (tác giả cập nhật)
|
Nếu như không bùng nổ trên sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe London vào ngay ngày cuối tháng 31-7, thị trường cả tháng qua chắc sẽ khá bình lặng. Giá cà phê nội địa lên mức 40,5 triệu đồng tấn một cách chóng vánh vào đầu tháng, sau đó hết sức trầm, có khi chỉ còn 38,5 triệu đồng/tấn. Thậm chí đến ngày 30-7, giá nội địa chưa vượt qua được mức 40 triệu đồng/tấn thì đến ngày 31-7 gần chạm mức 41 triệu đồng/tấn.
Phiên hôm qua cuối tuần nhưng lại là ngày đầu tháng 8-2014, hai sàn tiếp tục theo đà tăng, vẫn bùng nổ mạnh trên sàn arabica. Song, cuối cùng đã thúc thủ sau khi giá được đẩy lên 207,40 cts/lb.
Chốt phiên cuối tuần hôm qua 1-8, giá kỳ hạn robusta London có lúc giao dịch vượt quá đỉnh cao nhất của tháng 7-2014 lập vào ngày 31-7 ở mức 2.139 đô la/tấn. Đáng tiếc, giá đã trào xuống lại khi cuối phiên để đóng cửa mức 2.097 đô la/tấn (xin xem biểu đồ trên).
Giá cà phê nội địa chiều hôm qua thứ Sáu 1-8 có lúc được các đại lý mua vào mức 42 triệu đồng nhưng do giá kỳ hạn bất ngờ xuống cuối phiên, sáng nay thứ Bảy 2-8 đứng mức 40,8 triệu đồng/tấn.
Thị trường còn nhiều bất ngờ và thú vị phía trước.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|