Da giầy Việt Nam: Có đủ sức “tự chủ”?
TP HCM vừa có chủ trương tìm chọn khu đất phù hợp, diện tích khoảng 50ha để quy hoạch khu vực riêng phát triển ngành da giầy và cao su-nhựa… Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp các DN da giầy TP nâng cao tính tự chủ trong sản xuất, tránh phụ thuộc gia công phụ trợ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Ngành da giầy VN đang đứng trước rất nhiều cơ hội để có thể tự chủ trong tất cả các khâu mà vẫn đạt được các mục tiêu như đã đề ra.
|
Động thái này của TP HCM dường như đã “chạm” đúng vào một trong những điểm yếu cốt lõi của ngành da giầy hiện nay là giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp hiện đang quá cao khiến nhiều DN gặp khó khăn về vốn, dẫn tới “lực bất tòng tâm” trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và nhất là phát triển công nghiệp hỗ trơ.
Phụ thuộc nguyên phụ liệu và gia công phụ trợ
Ngay bản thân các DN trong ngành cũng thừa nhận, muốn giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, một trong những giải pháp quan trọng là phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành này.
Hiện nay, trong số 10 tỉ USD kim ngạch XK trong năm 2013, tỉ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu chiếm khoảng 4,2 tỷ USD, chủ yếu nhập từ Hàn Quốc , Đài Loan, Ý, Thái Lan… trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 6 - 7%. Còn lại tỷ lệ nội địa hóa, trong đó tính cả tiền công và tất cả các giá trị gia tăng trong nước đạt xấp xỉ 60%.
Điều đáng nói là các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày hầu hết phải nhập khẩu do trong nước chưa thể đáp ứng. Hơn nữa, tiếng là kim ngạch XK lớn nhưng XK của ngành lại đang phụ thuộc khá nhiều vào khối DN FDI, cụ thể có tới 77% giá trị XK hiện thuộc về khối DN FDI, trong khi đó, các DN trong nước chủ yếu là làm gia công.
Như vậy, nếu xét về tổng thể sự phát triển của ngành da giầy VN hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, từ khâu nhập nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ đến khâu gia công, XK... Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, tuy tỉ lệ nhập khẩu nguyên liệu da chỉ chiếm khoảng 6 - 7% nhưng lại có tác động rất lớn tới các DNNVV trong ngành da giầy, bởi hầu hết các DN trong nước là DN nhỏ chỉ làm các sản phẩm cấp trung và cấp thấp, vì vậy họ vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc.
Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy VN nhận định, nếu xét về toàn cục thì ngành da giầy không quá lệ thuộc vào Trung Quốc nhưng xét ở góc độ từng DN, từng nhóm DN thì đây là vấn đề đang được ngành đặt lên hàng đầu để xem xét trong thời gian tới.
Vượt qua chính mình
Trước thực trạng đó, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI cho rằng, tự chủ phát triển nguyên phụ liệu là một chiến lược ngành da giầy cần thực hiện. Ngay ở khâu nhập khẩu cũng không nên tập trung vào một thị trường, chẳng hạn thay vì việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ngành phải tìm kiếm các nguồn cung khác. Đặc biệt, để tự chủ nguồn nguyên liệu da, cần thương mại hóa ngành nông nghiệp chăn nuôi giúp nâng cao sức sống của vật nuôi, chất lượng da sống, da thuộc, khuyến khích thành lập các lò mổ hiện đại sẽ tăng đáng kể tỉ lệ khai thác nguyên liệu… Chính những giải pháp thượng nguồn này sẽ làm tăng chất lượng ở từng khâu của chuỗi giá trị.
Trước mắt có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu da chế biến chất lượng cao trong ngắn hạn và phát triển chuỗi cung ứng da cạnh tranh trong dài hạn đặt VN vào vị thế là một trong những trung tâm toàn cầu về sản xuất sản phẩm da chất lượng cao. Tuy nhiên, các chính sách tăng cường chuỗi giá trị trong lĩnh vực này cần đặt mục tiêu khuyến khích khu vực FDI, có thể ưu tiên những Cty có hợp tác với các Cty trong nước…
Đa dạng hóa thị trường
Một nghiên cứu của WB cho thấy, nếu có các chính sách hợp lý, việc nhập khẩu da từ Châu Phi, chẳng hạn từ Etiopia có thể sẽ có giá cạnh tranh so với nhập từ Trung Quốc và một số nước khác. Đây được xem là một gợi ý để trả lời cho câu hỏi liệu rằng ngành da giầy cứ phải nhập tất cả các nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hay một vài nước khác hay không? Trong khi vẫn có những thị trường, kênh buôn bán khác vẫn mang lại hiệu quả. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cần hình thành các Cty thương mại tổng hợp giúp DN sản xuất tìm được nguồn nguyên liệu đầu vào, nhận đơn hàng, thu gom sản phẩm từ các DN sản xuất nhỏ… Đây được xem là một giải pháp để các DN da giầy đa dạng hóa thị trường, thay vì việc họ vừa phải tự sản xuất, vừa phải đi tìm thị trường.
Đại diện Cty TNHH Da giày Tuấn Thành (TP HCM) chia sẻ, do ảnh hưởng tâm lý nên thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng tranh mua dự trữ nguyên liệu từ các nhà nhập khẩu. Có quy mô sản xuất không quá lớn nên Cty và một số DN da giày đang liên kết với nhau để tìm thị trường cung cấp phụ liệu mới, giảm thiểu sự bị động vào một thị trường cung cấp nguyên phụ liệu lớn như Trung Quốc.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, VN đang nằm trong 2 phân khúc giữa của chuỗi sản xuất da giày là nghiên cứu phát triển và sản xuất. Những năm gần đây, ngành da giày luôn tăng trưởng 15- 20%/năm. Do không có điều kiện phát triển nguồn nguyên liệu để đủ sức cạnh tranh với các nước đang có ngành thuộc da phát triển, VN nên tập trung đầu tư cho khâu nghiên cứu và sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ của thế giới 1 năm cần 10 tỷ túi xách, và 17 tỷ đôi giày. Nhiều ngành XK của Việt Nam đang rất nhiều triển vọng. Nếu làm chủ được công nghệ, quy trình, và hội nhập sâu vào các chuỗi sản xuất thì rất nhiều cơ hội cho DN mở rộng XK.
Ông Thuấn cho biết, mỗi năm ngân sách chi cho công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm của Cty giày Thái Bình là 300 tỷ đồng. Vì vậy, tăng trưởng của Cty hàng năm luôn đảm bảo và ổn định đời sống cho người lao động. Để hỗ trợ cho ngành dệt may và da giày, thời điểm hiện tại có thể phát triển khâu nghiên cứu và cung cấp nguyên phụ liệu ở những khu vực mà DN dễ dàng tiếp cận. Tại TP HCM, ông Thuấn cho rằng nên mở trung tâm buôn bán nguyên phụ liệu tại khu vực bến xe Bình Tây và quận 2, là hai đầu mối gần với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu cũng như đi chuyển tới các tỉnh, thành trong khu vực.
Quốc Anh
Diễn đàn doanh nghiệp
|