Thứ Năm, 07/08/2014 06:31

Chúng ta không thể đứng ngoài ”cuộc chơi”

Vận tải biển có vai trò quan trọng, đặc biệt đối với những quốc gia có lợi thế về biển như Việt Nam. Thế nhưng tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2014 do Bộ GT-VT tổ chức mới đây, một lần nữa bức tranh màu xám của ngành vận tải biển được phơi ra: hiệu quả kinh doanh kém, nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phải phá sản...

Cùng với đó là đủ lời than vãn: đội tàu có tuổi thọ cao, thiếu vốn đóng mới; doanh nghiệp phải khai thác hàng hóa dưới giá thành để giảm lỗ... Tóm lại, vận tải biển nước nhà (được coi là ngành kinh tế mũi nhọn thứ ba trong kinh tế biển) vẫn chưa qua cơn bĩ cực.

Những khó khăn mà cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải và các doanh nghiệp vận tải biển nêu ra tại cuộc đối thoại nêu trên là một thực tế, nhưng cũng có một thực tế khác không kém bức xúc: Việt Nam có đội tàu biển tương đối hùng hậu, khoảng 1.700 tàu, nhưng điều đáng nói, trong số này chỉ có khoảng 400 tàu đủ sức hoạt động trên các tuyến hàng hải khu vực. Còn thị phần vận tải của đội tàu trong nước chỉ chiếm khoảng 10-12% tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, phần còn lại do đội tàu nước ngoài đảm nhận...

Một vấn đề nữa, xu hướng phát triển đội tàu vận tải biển thế giới và khu vực là tàu container, nhưng Việt Nam chỉ có khoảng 30 tàu loại này, trọng tải cũng không lớn. Trong khi đó, theo một con số thống kê, Việt Nam có tới 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hóa chất, 9 tàu chở khí hóa lỏng... Sự mất cân đối trong cơ cấu đội tàu đã dẫn đến tình trạng dư thừa tàu hàng rời tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ nhưng lại thiếu tàu chuyên dụng, tàu có trọng tải lớn để vươn ra những vùng biển xa.

Đội tàu Việt Nam hiện nay không đủ sức cạnh tranh trên thị trường vận tải là một thực tế. Điều này có nguyên nhân từ năng lực hoạch định chính sách, phương thức quản lý... Cũng vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước không thể vô cảm với khó khăn của doanh nghiệp (như phát biểu của Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng tại cuộc đối thoại). Nói cách khác các cơ quan quản lý nhà nước cần thấy rõ trách nhiệm để "đồng hành cùng doanh nghiệp". Trước mắt là tạo cơ chế đưa doanh nghiệp thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: Không có vốn đầu tư - lãi suất cao - thua lỗ - không vay được vốn.

Vận tải biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương quốc tế. Có thể nói như vậy bởi đội tàu biển chính là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để phát triển giao thương. Đội tàu biển mạnh sẽ làm hạ giá thành vận chuyển, tạo điều kiện để nhiều mặt hàng Việt Nam tham gia và cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế. Do vậy, khắc phục hậu quả của những "cơn bão" ập xuống ngành vận tải biển trong thời gian vừa qua là hết sức cần thiết. Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Muốn tồn tại, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta không thể đứng ngoài "cuộc chơi". Nếu không đẩy nhanh tốc độ xây dựng ngành vận tải biển đủ sức đáp ứng đòi hỏi vươn xa của nền kinh tế, Việt Nam không thể "ra biển lớn".

Thế Phương

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Vướng rào cản kỹ thuật, xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU giảm (06/08/2014)

>   Việt Nam vẫn là điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Singapore (06/08/2014)

>   Mới chỉ có 30% năng lực cảng vận tải thủy nội địa được khai thác (06/08/2014)

>   Công nghiệp hỗ trợ: Bao giờ chấm dứt thập kỷ “tay không”? (06/08/2014)

>   Tập đoàn Israel “đổ” 300 triệu USD xây khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa (06/08/2014)

>   Chi phí sản xuất cao cản trở dệt may (06/08/2014)

>   TP.HCM: Quản lí chặt đấu thầu thuốc tập trung (06/08/2014)

>   Canada chính thức điều tra chống bán phá giá thép VN (06/08/2014)

>   Xuất khẩu chuyến cá ngừ đầu tiên sang Nhật Bản (06/08/2014)

>   Tỷ phú Thái đứng trước cơ hội mua lại Metro Việt Nam (05/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật