TP.HCM: Quản lí chặt đấu thầu thuốc tập trung
Ngày 5-8, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với UBND thành phố về tình hình quản lý y dược trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến việc đấu thầu thuốc và tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến hoạt động đấu thầu thuốc tập trung, tại buổi làm việc Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, trong thời gian qua thành phố triển khai đấu thầu thuốc tập trung khá chặt chẽ, không có chuyện tiêu cực theo kiểu lợi ích nhóm.
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, thực tế cho thấy, đấu thầu thuốc để người dân hưởng giá thuốc thấp vì trong vòng một thời gian ngắn đấu thầu giá thuốc giảm hẳn. Hiện đã có 40.000 mặt hàng tân dược được đưa vào đấu thầu, không có tình trạng bệnh viện bị thiếu thuốc vì các công ty dược phẩm luôn đáp ứng đủ.
Mặc dù đánh giá cao kết của đấu thầu thuốc tập trung của TP.HCM trong thời gian qua, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn đặt vấn đề về việc có hay không tình trạng ưu tiên cho các doanh nghiệp dược nước ngoài vì tiền hoa hồng cao và liệu các doanh nghiệp dược lớn có giá đấu thầu thuốc cao hơn những doanh nghiệp nhỏ?
Giải đáp thắc mắc của Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, TP.HCM đang “bảo hộ” DN dược trong nước nên không có chuyện ưu tiên các DN dược nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động đấu thầu. Về thông tin DN dược vừa và nhỏ có giá thành sản phẩm thấp hơn các DN lớn, ông Thuận khẳng định, điều này là hoàn toàn không đúng. Bởi vì, DN càng lớn công nghệ sản xuất càng hiện đại, dễ dàng tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Hơn nữa, sẽ không có chuyện một loại thuốc có cùng hoạt chất giống nhau mà DN này bán giá cao, DN kia lại bán giá thấp
Từ kết quả tích cực của việc đấu thầu thuốc tập trung, UBND TP.HCM cho biết, sắp tới sẽ thực hiện đấu thầu tập trung trang thiết bị y tế nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Sở Y tế TP. HCM cho biết, từ đầu năm đến nay TP.HCM có 3.451 ca tiêu chảy, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2013. Hầu hết số ca bệnh đều là trẻ dưới 5 tuổi, với các biểu hiện lâm sàng khá giống nhau như sốt cao liên tục, tiêu ra nước từ 6 - 7 lần/ngày. Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua xuất hiện 2 chùm ca bệnh tiêu chảy (tại huyện Bình Chánh) với 2 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cho thấy, tại TP.HCM có đến 3 nhà máy cung cấp nước trên 1.000 m3/ngày/đêm không đạt tiêu chuẩn vì có hàm lượng Mangan và sắt cao hơn mức độ cho phép. Bên cạnh đó, ở một số nhà máy khác có hàm lượng Clorua không đảm bảo. Do vậy, bệnh dịch chỉ là cái ngọn, cái gốc vẫn chính là môi trường nơi người dân sinh sống như nguồn nước, không khí... cần phải được đảm bảo
|
Nguyễn Huế
hải quan
|