Thứ Năm, 07/08/2014 10:04

Nhiều "ông lớn" càng kinh doanh càng lỗ "khủng"

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa “bêu tên” những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lỗ “khủng”, tới mức báo động đỏ và danh sách các công ty kinh doanh giỏi tới mức... âm vốn chủ sở hữu.

Càng kinh doanh càng lỗ “khủng”, tiến tới… âm vốn

Những DNNN càng kinh doanh càng lỗ “khủng” được Kiểm toán Nhà nước điểm mặt là: Công ty mẹ Cienco 5 lỗ đầu tư tài chính 11,4 tỷ đồng; 5/50 công ty do Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng và 11/31 công ty do Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng; 7/24 công ty do Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng; 6/57 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ 118,3 tỷ đồng; 3/8 công ty liên doanh, liên kết do Công ty mẹ Tổng Công ty Sông Đà đầu tư thua lỗ; 5/24 công ty liên doanh, liên kết do Tổng Công ty ô tô đầu tư thua lỗ.

Tiếp sau danh sách "lỗ khủng" là danh sách các công ty kinh doanh giỏi tới mức... âm vốn chủ sở hữu như 3/10 công ty thuộc Cienco 5 (âm 53,7 tỷ đồng); Công ty Thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Thuốc lá (âm 166,74 tỷ đồng). Tình trạng lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ/vốn đầu tư của chủ sở hữu gồm: Công ty TNHH Một thành viên Phát triển và Kinh doanh Nhà thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đầu tư 20% vốn điều lệ vào Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển Nhà Việt Nam - Hàn Quốc, lỗ lũy kế 417,31 tỷ đồng (trong khi vốn điều lệ là 379,03 tỷ đồng); Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam thuộc VRG lỗ lũy kế 1.380,95 tỷ đồng/vốn điều lệ 1.088,97 tỷ đồng; Công ty mẹ Lilama góp 85,7% vốn vào Công ty CP Tôn mạ màu Việt-Pháp lỗ lũy kế 582,7 tỷ đồng/69 tỷ đồng vốn điều lệ; Công ty mẹ Lilama góp 51% vào Công ty CP Lilama Hà Nội lỗ lũy kế là 336,7 tỷ đồng/100 tỷ đồng vốn điều lệ; Công ty mẹ Cienco 6 đầu tư vào Công ty CP Khai thác đá và xây dựng công trình 621 lỗ lũy kế bằng 4,81 lần vốn đầu tư của chủ sở hữu; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị Miền Nam lỗ lũy kế bằng 1,33 lần vốn đầu tư của chủ sở hữu; Công ty 721 lỗ lũy kế bằng 18,6 tỷ đồng/5,09 tỷ đồng vốn đầu tư của chủ sở hữu.

“Hiện DNNN bao gồm các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, hóa chất..., tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được kỳ vọng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) nhận định.

Theo phân tích của ông Hải, DNNN hiện chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP, đây là một con số vô cùng khiêm tốn, chúng ta cần suy ngẫm”.

Nhiều chuyên gia kinh tế trên các diễn đàn cũng đã thẳng thắn cho rằng, xét về hiệu quả đầu tư, vai trò kinh tế của khu vực DNNN trong thời gian qua chưa cao và đang ngày càng suy giảm. Giai đoạn 2000 - 2006, khu vực kinh tế nhà nước đầu tư 7,2 đồng mới làm tăng được 1 đồng GDP, nhưng đến những năm 2007 - 2012 phải đầu tư tới 9,3 đồng mới làm tăng được 1 đồng.

Hơn nữa, hiệu quả sản xuất nhìn từ tỷ suất lợi nhuận trên vốn rất thấp và ngày càng giảm. Năm 2007, tỷ suất này của các DNNN khoảng 2,6%, nhưng đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn 1%. Trong khi đó, tỷ lệ trả lãi vay bình quân cả trong và ngoài nước khoảng 4-5% nên nhiều DNNN khó có thể trả nợ. Điều này khiến áp lực nợ công ngày càng tăng.

Gốc rễ vấn đề ở đâu?

TS Lê Xuân Vệ (chuyên gia cố vấn đổi mới doanh nghiệp) đề xuất, nên thí điểm về người đại diện của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác phải có một tỷ lệ vốn sở hữu của bản thân mình tại doanh nghiệp đó. Tiêu chuẩn này sẽ thay đổi cơ bản về trách nhiệm và quyền hạn của người đại diện tại doanh nghiệp, từ đó hiệu quả của doanh nghiệp sẽ được nâng lên rõ rệt. Bởi lẽ, thứ nhất, đây chính là nghĩa vụ của người đại diện tại doanh nghiệp; thứ hai, có nghĩa vụ phải có trách nhiệm: tức là người đó phải làm sao cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; thứ ba là, người đại diện phải được hưởng quyền lợi: người đại diện phải được chia cổ tức tương ứng với tỷ lệ vốn của người đó góp vào doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, chỉ với một tiêu chí bổ nhiệm tưởng như đơn giản nhưng đã giải quyết được gốc rễ của vấn đề hiệu quả hoạt động của DNNN. Từ trước tới nay chúng ta chỉ hô hào về trách nhiệm của người đại diện mà không chú trọng đến nghĩa vụ của người đại diện, và từ đó quyền lợi của người đại diện cũng không rõ ràng.

Khuyến nghị đáng tham khảo từ OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) đó là: Chính phủ cần có sự phân định rõ ràng giữa chức năng sở hữu và chức năng khác của Nhà nước có thể ảnh hưởng tới điều kiện hoạt động của DNNN, đặc biệt là chức năng điều tiết thị trường. DNNN phải đáp ứng các điều kiện cạnh tranh về sử dụng tài chính. Mối quan hệ giữa DNNN với ngân hàng quốc doanh, tổ chức tài chính nhà nước và các DNNN khác phải dựa trên cơ sở thương mại thuần túy.

Từ đó, OECD khuyến nghị: “Nhà nước cần cho phép Hội đồng quản trị của DNNN thực hiện trách nhiệm của mình và tôn trọng quyền tự chủ của họ. Nhà nước với tư cách chủ sở hữu tích cực phải thực hiện quyền sở hữu theo cơ cấu pháp lý của mỗi doanh nghiệp. Các trách nhiệm tài chính của Nhà nước bao gồm: tham gia đại hội đồng cổ đông và biểu quyết; xây dựng quy trình đề cử Hội đồng quản trị cụ thể và minh bạch ở các DNNN sở hữu toàn bộ hoặc phần lớn cổ phần và tham gia tích cực vào việc đề cử Hội đồng quản trị của tất cả các doanh nghiệp; thiết lập hệ thống báo cáo nhằm giám sát và đánh giá thường xuyên của doanh nghiệp; trao đổi thường xuyên với cơ quan kiểm toán độc lập và các cơ quan kiểm soát của Nhà nước, khi mức độ sở hữu và luật pháp cho phép; đảm bảo chính sách thù lao cho Hội đồng quản trị của DNNN thúc đẩy được lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, có thể thu hút và khuyến khích các chuyên gia có trình độ cao.”

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 69/2014 ngày 15/7/2014 về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, có hiệu lực từ ngày 1/9/2014. Thành viên Hội đồng thành viên công ty mẹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản sau đây: Thường trú tại Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên phải là công dân Việt Nam; tốt nghiệp đại học, có năng lực kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm về quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ; có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật; không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên; không thuộc đối tượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định tại các Điểm b, c, đ, e, g Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp; tiêu chuẩn khác quy định tại Điều lệ công ty mẹ.


Mai Hoa

pháp luật

Các tin tức khác

>   Trung Quốc làm giàu từ cây điều nhờ bắt chước Việt Nam? (07/08/2014)

>   Xuất khẩu gạo năm 2014 dự báo có kết quả khả quan (07/08/2014)

>   Da giầy Việt Nam: Có đủ sức “tự chủ”? (07/08/2014)

>   Vay ngàn tỷ nhập tàu đồng nát: Nguyên Bộ trưởng Thủy sản nói gì? (07/08/2014)

>   Chúng ta không thể đứng ngoài ”cuộc chơi” (07/08/2014)

>   Vướng rào cản kỹ thuật, xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU giảm (06/08/2014)

>   Việt Nam vẫn là điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Singapore (06/08/2014)

>   Mới chỉ có 30% năng lực cảng vận tải thủy nội địa được khai thác (06/08/2014)

>   Công nghiệp hỗ trợ: Bao giờ chấm dứt thập kỷ “tay không”? (06/08/2014)

>   Tập đoàn Israel “đổ” 300 triệu USD xây khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa (06/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật