Thứ Tư, 09/07/2014 09:32

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh (VCSC): Kinh tế phục hồi tốt, VN-Index có thể chinh phục lại mốc 600 điểm trong quý 3

Với các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hồi phục tương đối trong nửa đầu năm 2014, kết quả lợi nhuận quý 2/2014 mà đặc biệt là của các mã bluechips, sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý tới. Nhờ đó, chỉ số VN-Index có thể tiến đến mốc 600 điểm ngay trong quý 3/2014.

Đó là nhận định của bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC) khi trao đổi với người viết về diễn biến thị trường trong quý vừa qua và kỳ vọng quý sắp tới.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC)

Có thể nói quý 2 không phải là một quý làm hài lòng nhà đầu tư, xin cho biết cảm nghĩ của bà về thị trường chứng khoán quý vừa qua?

Xét về yếu tố vĩ mô, trong nửa đầu năm 2014, tăng trưởng GDP đạt 5.2% so với 4.9% trong cùng kỳ năm 2013, còn tỷ lệ lạm phát vẫn được kiểm soát khá tốt (tăng 1.38% lũy kế từ đầu năm 2014, tăng 4.98% so với cùng kỳ năm 2013). Theo đó, đáng lẽ chỉ số VN-Index và thanh khoản thị trường cũng tăng khá tốt nếu không có sự kiện biển Đông dẫn đến các thành quả trong quý 1 của nhà đầu tư bị mất đi.

Theo tôi, có 5 nhân tố ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Thứ nhất, sức ảnh hưởng của tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong quý 2 vừa qua, đây là thông tin vĩ mô đáng chú ý ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của TTCK. Chỉ tính riêng phiên 08/05/2014 đã khiến chỉ số giảm gần 6%. Sau đó, thị trường đã hồi phục trở lại nhưng hoạt động giao dịch có nhiều biến động do tình trạng căng thẳng tiếp tục diễn ra. Đến nay, tâm lý nhà đầu tư có vẻ đã quen dần với vấn đề này.

Thứ hai, phiên tòa xét xử bầu Kiên và các thương vụ sáp nhập ngân hàng. Phiên toà xét xử cựu thành viên sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) và tin đồn đoán về nhiều thương vụ M&A giữa các ngân hàng làm gia tăng lo ngại, góp phần khiến hoạt động chốt lời diễn ra.

Thứ ba, khối ngoại mua vào cổ phiếu giá rẻ. Trong khi nhà đầu tư trong nước tỏ ra lo ngại, khối ngoại đã tận dụng sự biến động của thị trường trong các tháng vừa qua để gom vào cổ phiếu. Cụ thể, trong tháng năm, khối này mua ròng lượng cổ phiếu với tổng giá trị đạt khoảng 122 triệu USD (2,806 tỷ đồng HOSE và 495 tỷ đồng HNX), cao hơn gần 50% so với tháng tư và tháng 6 mua ròng khoảng 90 triệu USD (HOSE: 1,482 tỷ đồng / HNX: 471 tỷ đồng)

Thứ tư, room tối đa cho khối ngoại (FOL) chưa được như kỳ vọng. Thị trường nhận được thông tin trái chiều về vấn đề nâng FOL lên trên 49%. Ban đầu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã trình cho Thủ tướng phê duyệt kế hoạch tăng FOL cho các công ty chứng khoán theo đúng với quy định của WTO trước khi nâng room tối đa cho các công ty khác. Tuy nhiên, sau đó cơ quan này đã nêu rõ rằng vẫn chưa trình kế hoạch này và việc nâng FOL dự kiến sẽ vẫn chưa được thông qua trong năm 2014. Thế nhưng, bất chấp nội dung đính chính nêu trên, các công ty chứng khoán đã có diễn biến rất tốt trong tháng sáu: SSI tăng 7%, KLS tăng 8%, VND tăng 12% và HCM tăng 15%.

Cuối cùng, hai quỹ ETF hoàn tất kỳ tái cơ cấu theo quý. Quỹ ETF DB FTSE đã loại PET, và thay thế PET bằng HVG (CTCP Hùng Vương). Trong khi đó, quỹ ETF Van Eck không thay đổi rổ danh mục đầu tư nhưng nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại BVH, PVS, STB và giảm tỷ trọng của các mã VCG, ITA. Vì hai quỹ ETF sử dụng dữ liệu thị trường tính đến cuối tháng 5 làm tiêu chí cho kỳ tái cơ cấu, do đó chỉ có các nhà đầu tư kinh nghiệm đã nắm bắt được từ trước những động thái này và có thể kiếm được lợi nhuận trong quý 2/2014.

Nhìn chung tình hình thị trường quý 2 không đuợc tốt như quý 1 và đa số các nhà đầu tư không kiếm được lợi nhuận.

Bà chờ đợi điều gì ở quý sắp tới? Xu hướng dòng tiền sẽ ra sao trong quý 3 và dài hơn là 6 tháng cuối năm?

Mức kháng cự 580 điểm đã vượt qua. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong nhịp điều chỉnh hoặc mua mới các mã cổ phiếu mới bắt đầu xu hướng tăng. Hệ thống chỉ báo xung lượng ngắn hạn cho thấy thị trường vẫn đang trong giai đoạn “strong trend”. Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn.

Khối lượng giao dịch tăng trên mức trung bình 20 phiên và chỉ báo độ rộng thị trường vượt đỉnh cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá lạc quan. Điểm tích cực nhất là nhiều cổ phiếu đã vượt vùng đỉnh cũ với khối lượng giao dịch tăng mạnh.

Với các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hồi phục tương đối trong nửa đầu năm 2014, kết quả lợi nhuận (KQLN) quý 2/2014, đặc biệt là của các mã bluechips, sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý tới.

Các kết quả này sẽ giúp chỉ số VN-Index tiến đến mốc 600 điểm nếu các doanh nghiệp báo cáo đạt KQLN tốt trong quý 2/2014 và 6 tháng đầu năm 2014. Theo quy định thì ngày 15/08 mới là hạn chót bắt buộc các công ty phải công bố kết quả kinh doanh quý 2, tuy nhiên chúng tôi cho rằng các kết quả sơ bộ sẽ được đưa ra trong tháng 7.

Bà có thể chia sẻ chiến lược đầu tư trong quý 3 và 6 tháng cuối năm không? Và điều gì khiến bà có lựa chọn này?

Như tôi đã trả lời trong câu trước, chiến lược đầu tư sẽ tập trung vào các mã cổ phiếu mới bắt đầu xu hướng tăng hoặc đã rớt quá sâu trong giai đoạn vừa qua và các mã cổ phiếu có lợi nhuận quý 2 cũng như nửa đầu năm 2014 tốt , đạt gần kế hoạch năm, đặc biệt là của các mã bluechips, sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng trong quý tới.

Theo đó, một vài mã đáng lưu tâm trong thời gian tới là GAS, MSN, VCBVNM.

Cụ thể, GAS đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay 112,000 đồng/cổ phiếu. Phần lớn trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, GAS đã tăng 70% nhờ gần đây công ty tăng giá bán cho hầu hết tất cả các khách hàng, bao gồm các nhà máy điện (tăng 4% kể từ ngày 01/03/2014), các khách hàng công nghiệp (tăng 7-21% kể từ ngày 01/03/2014) và DPM (tăng 13% kể từ ngày 01/04/2014). Việc điều chỉnh tăng giá bán này sẽ được phản ánh trong kết quả lợi nhuận quý 2/2014 và có khả năng sẽ giúp GAS tiếp tục tăng trưởng. Tại mức giá cao nhất từ trước đến nay 112,000 đồng/cổ phiếu, GAS hiện đang giao dịch ở 15.4 lần mức EPS dự phóng mà chúng tôi đưa ra cho năm 2014 là 7,251 đồng/cổ phiếu. Do vậy, có thể xem xét trong những nhịp điều chỉnh để mua vào.

Lợi nhuận của MSN có thể sẽ tăng mạnh nhờ (1) người tiêu dùng tích cực đón nhận các sản phẩm mà công ty này vừa tung ra trong thời gian qua trong phân khúc hàng tiêu dùng và (2) mỏ tungsten đã hoạt động liên tục trong suốt 3 tháng qua trong khi doanh thu chỉ mới bắt đầu được ghi nhận từ 03/2014.

Cho đến nay, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của VCB cao hơn gần hai lần so với tỷ lệ của toàn hệ thống và NIM đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu VCB có tiếp tục trích lập một lượng dự phòng lớn cho nợ xấu trong quý 2/2014 như đã từng làm hồi quý 1/2014 hay không.

Cuối cùng, VNM - chúng tôi sẽ theo dõi tình hình cải thiện biên lợi nhuận gộp của VNM nhờ giá sữa bột tách béo đã giảm xuống. Tuy nhiên chúng tôi sẽ cần phải xem xét mức độ ảnh hưởng của việc áp trần giá bán buôn cho các sản phẩm sữa bột bắt đầu có hiệu lực từ tháng 06/2014 để xem xét việc mua vào.

Cảm ơn bà!

Mỹ Hà thực hiện

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu tiềm năng đáng đầu tư (07/07/2014)

>   Góc nhìn 14-18/07: Tiếp diễn đà tăng? (06/07/2014)

>   Tuần 07 - 11/07: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (06/07/2014)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 07/07- 11/07/2014 (06/07/2014)

>   Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Quý 3 là cơ hội tích lũy cho vị thế trung hạn (04/07/2014)

>   Góc nhìn 04/07: Sau 580, VN-Index sẽ tìm đến mốc 600? (03/07/2014)

>   Góc nhìn 04/07: Sau 580, VN-Index sẽ tìm đến mốc 600? (03/07/2014)

>   Chứng khoán Tháng 7/2014: KQKD quý 2 “giải khát” thông tin cho thị trường? (03/07/2014)

>   Góc nhìn 03/07: Khả năng bứt phá tăng dần! (02/07/2014)

>   Góc nhìn 02/07: Tạo đỉnh ngắn hạn? (01/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật