Ông Nguyễn Xuân Bình (BVS): Quý 3 là cơ hội tích lũy cho vị thế trung hạn
“Sau giai đoạn lình xình điều chỉnh vào nửa đầu quý, tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ có diễn biến dần tích cực hơn trong giai đoạn nửa sau của quý 3” là nhận định của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc khối Phân tích của CTCK Bảo Việt (BVS).
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc khối Phân tích của CTCK Bảo Việt (BVS)
|
Theo dữ liệu lịch sử, thị trường chứng khoán (TTCK) trong quý 3 thường biến động đi ngang. Ông cho rằng có sự khác biệt nào trong quý 3 năm nay không?
Đúng là trong quá khứ, TTCK Việt Nam thường dao động đi ngang trong quý 3. Đây là giai đoạn mùa mưa, mùa thấp điểm của một số hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt là những ngành liên quan đến xây dựng. Hơn nữa, bao gồm tháng 7 âm lịch, theo quan niệm của nhiều người là tháng không may mắn, dẫn đến tâm lý hạn chế giao dịch và chờ đợi của nhà đầu tư.
Trong quý 3 năm nay, tôi cho rằng thị trường cũng phần nào chịu ảnh hưởng bởi yếu tố “mùa vụ” này. Đây là giai đoạn tương đối thiếu vắng các thông tin kinh tế vĩ mô mang tính đột biến, diễn biến Biển Đông còn khá căng thẳng. Hơn nữa, quý 3 cũng là giai đoạn chuyển tiếp giữa yếu tố tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư trong hai quý đầu năm và những tín hiệu chuyển biến thực tế của doanh nghiệp, thường có độ trễ và chỉ trở nên rõ nét vào quý cuối năm. Mặc dù vậy, sau giai đoạn lình xình điều chỉnh vào nửa đầu quý, tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ có diễn biến dần tích cực hơn trong giai đoạn nửa sau của quý 3.
Theo đó, trong quý 3, nhà đầu tư nên phân bổ danh mục đầu tư như thế nào để tối đa hóa lợi nhuận, thưa ông? Và dài hơi hơn là trong 6 tháng cuối năm thì sao?
Trong giai đoạn điều chỉnh, thanh khoản thấp, các chiến lược lướt sóng ngắn hạn sẽ khó thu được lợi nhuận đáng kể nếu không muốn nói là gặp phải rủi ro thua lỗ khá cao khi lựa chọn không đúng cổ phiếu. Cơ hội sẽ chỉ đến đối với một số ít các mã có thông tin kết quả kinh doanh quý 2 tích cực như các mã ngành cao su chế biến, dầu khí hoặc một số công ty trả cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng…
Nếu nhìn dài hơi hơn, tôi cho rằng các nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong quý 3 là cơ hội tích lũy cho các vị thế trung hạn – trong 6 tháng cuối năm. Khác với 2 năm trước, một số nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định và mang tính phòng thủ đóng vai trò dẫn dắt thị trường; trong giai đoạn tới, tôi đánh giá cao cơ hội đối với những nhóm ngành có thiên hướng tấn công hơn. Cụ thể, những công ty, ngành trải qua quá trình tái cơ cấu thành công (cơ cấu lại các khoản vay, giảm tỷ lệ đòn bẩy, hàng tồn kho, tổ chức lại mô hình kinh doanh) như chứng khoán, bất động sản & xây dựng, ngân hàng… Các doanh nghiệp xuất khẩu và các ngành liên quan, hưởng lợi từ việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, bao gồm may mặc, nông sản, cảng biển… cũng sẽ là những định hướng đầu tư cơ bản hiệu quả trong dài hạn.
Gần đây, UBCK nói nhiều về sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán (TTCK), ông nhận xét thế nào về những sản phẩm mới này? Tác động trong ngắn hạn và dài hạn của các sản phẩm mới sẽ ra sao?
Theo tôi được biết, UBCK đang trong quá trình hoàn thiện đề án về xây dựng TTCK phái sinh, triển khai các quỹ đầu tư mới, đặc biệt là các quỹ mở như quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ hưu trí tự nguyện và xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn TTCK theo ngành, quy mô vốn hóa…
Tôi cho rằng, lộ trình phát triển các sản phẩm mới này là khá phù hợp với mức độ phát triển của thị trường về hạ tầng công nghệ, khả năng quản lý rủi ro của các bên liên quan và trình độ cũng như kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Đây là những công cụ, sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư, đặc biệt xét trên hai khía cạnh, quản trị rủi ro và tạo ra kênh đầu tư, sân chơi mới.
Trong ngắn hạn, các sản phẩm này sẽ tạo ra một luồng gió mới cho thị trường, kích thích sự tò mò của các nhà đầu tư và có thể định hình một xu hướng đầu tư mới. Trong dài hạn, khi có nhiều nhà tạo lập hơn, sẽ góp phần làm tăng tính hấp dẫn của TTCK, giúp thu hút thêm nhà đầu tư mới, từ cả trong và ngoài nước tham gia trên thị trường thứ cấp, tạo sự lan tỏa thu hút thêm nguồn vốn cho nền kinh tế qua thị trường sơ cấp.
Theo ông những vấn đề có thể phát sinh khi hai Sở hợp nhất là gì? Mặt lợi và hại của việc này?
Hai vấn đề chính trong tiến trình hợp nhất hai Sở giao dịch chứng khoán là việc xây dựng mô hình tổ chức và đồng bộ hệ thống công nghệ sao cho thông suốt. Thách thức lớn nhất đặt ra ở đây là xây dựng được một mô hình tổ chức vừa có sự thống nhất trong quản lý nhưng lại phải vừa đảm bảo tính độc lập của từng mảng thị trường: cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh. Bên cạnh đó, để khớp nối hệ thống công nghệ, phát triển dựa trên nền tảng cũ cũng gây ra nhiều vấn đề về cả phần cứng cũng nhưng yếu tố con người, làm phát sinh rất nhiều chi phí đầu tư mới.
Tôi cho rằng, có khá nhiều lợi ích khi hợp nhất hai Sở giao dịch như các thành viên tham gia sẽ tiết giảm được chi phí vận hành, giảm bớt các khâu trung gian sau khi hệ thống đã đi vào ổn định; cơ quan quản lý có thể nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo hiệu lực chính sách, hiệu quả xuyên suốt toàn ngành. Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, khi tập trung về một mối sẽ làm giảm tính độc lập, cạnh tranh của từng đơn vị. Về lâu dài, khi thị trường đã phát triển đến một mức độ nhất định, chúng ta cần có lộ trình cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán để tăng tính hiệu quả trong khâu quản lý và giám sát hoạt động.
Cám ơn ông!
Mỹ Hà thực hiện
|