Phân bón giả: Ai quản, ai chống?
Đã khổ vì nông sản rớt giá, cái “hầu bao” mỏng dính của người nông dân còn bị xâu xé bởi nạn sản xuất và kinh doanh phân bón kém chất lượng, mà theo ước tính của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, con số này có thể lên đến 800 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
Hội nghị của Cục Quản lý thị trường về triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón tại bảy tỉnh duyên hải miền Trung diễn ra vào tháng 4 vừa qua đã đưa ra một con số: 50% mẫu phân bón được kiểm tra cho kết quả chất lượng kém. Trước đó, tại một số cuộc hội thảo về đề tài này, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định nhiều mẫu phân bón (kém chất lượng) chỉ có chất lượng tương đương đất tốt.
Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí đảm bảo chất lượng các loại phân bón bán ra thị trường. Ảnh: Vận chuyển phân bón của nhà máy đạm Phú Mỹ
|
50% mẫu phân bón kiểm tra có chất lượng kém không phải là con số bất ngờ, vì nó đã liên tục xuất hiện trong các báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước từ gần chục năm nay. Điều đáng nói là năm nào các cơ quan nhà nước cũng mở chiến dịch kiểm tra, kiểm soát, đồng thời Chính phủ cũng đưa ra các quy định xử phạt theo hướng ngày càng nặng hơn, nhưng nạn sản xuất và kinh doanh phân bón giả vẫn không suy giảm. Thậm chí, theo Cục Quản lý thị trường, “tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng”.
Sản xuất và kinh doanh phân bón giả đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng. Cục Quản lý thị trường ước tính thiệt hại mà nạn phân bón giả gây ra cho nông dân có thể lên tới 800 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Điều đáng lo ngại là hoạt động này phát triển một cách có hệ thống, với sự tham gia từ các đại lý buôn bán nhỏ lẻ đến các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Nguồn cung phân bón kém chất lượng không chỉ từ trong nước, mà còn đến từ nước ngoài. Trong đó, phân bón kém chất lượng nhập khẩu chủ yếu là phân hóa học như kali, DAP, SA, phân đạm...
Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 4,6 triệu tấn phân bón các loại, chưa tính nhập lậu, trong đó, hơn 2,5 triệu tấn nhập từ Trung Quốc. Năm nay, chỉ tính từ đầu năm tới ngày 15-4, lượng phân bón nhập khẩu chính ngạch đã lên tới 903.000 tấn.
Sự chồng chéo trong cơ chế quản lý thị trường phân bón: phân vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn phân hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với những ràng buộc hạn chế quyền hạn của quản lý thị trường, mức phạt hành chính quá thấp... được xem là những lỗ hổng pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh phân bón kém chất lượng phát triển.
Cuối năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163, trong đó quy định mức phạt từ 90-100 triệu đồng đối với trường hợp sản xuất phân bón kém chất lượng. Đồng thời, Nghị định 202 về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón với những quy định nghiêm ngặt nhằm loại bớt các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-2-2014. Nghị định này đã bịt được những lỗ hổng về pháp lý, nhưng dường như cũng chưa đủ để hạ nhiệt nạn sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng.
Việc sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng là hoạt động phi pháp có thể bị truy tố hình sự. Vì vậy, không thể nói quy định xử phạt của luật pháp chưa đủ nặng. Vấn đề ở đây là hoạt động này đã phát triển thành hệ thống và không loại trừ có sự tiếp tay của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước.
Để có thể giải quyết dứt điểm vấn nạn này, bên cạnh các “đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát”, Nhà nước cần tập trung vào việc giúp nông dân tăng cường kiến thức để tự bảo vệ mình. Tất nhiên, không thể giúp họ nhận diện phân bón giả hay kém chất lượng vì ngay cả các chuyên gia cũng khó mà phân biệt thật, giả bằng mắt thường.
Nhưng Nhà nước có thể cho công bố rộng rãi những tên tuổi làm ăn gian dối để nông dân tránh xa.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất phân bón có uy tín để tăng cường tuyên truyền đến nông dân và cung cấp cho thị thường đầy đủ các sản phẩm có chất lượng. Vì chính các doanh nghiệp phân bón làm ăn đàng hoàng cũng bị nạn phân bón kém chất lượng đe dọa.
Cách mà Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đang làm là một gợi ý. Bên cạnh sản phẩm đạm Phú Mỹ, đối với những loại phân bón Việt Nam buộc phải nhập khẩu do chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đủ như kali, SA, DAP..., PVFCCo đặt gia công, nhập khẩu từ những nguồn uy tín, đảm bảo chất lượng rồi cung cấp ra thị trường dưới thương hiệu Kali Phú Mỹ, SA Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ... và chịu trách nhiệm với nông dân về chất lượng của những sản phẩm đó.
Tấn Đức
tbktsg
|