Chính phủ phải ứng trả nợ thay cho dự án ngày càng tăng
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2013.
Báo cáo số 125 do Tổng kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn ký cho biết, năm 2013, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán tại 150 đầu mối (16 bộ, ngành, cơ quan T.Ư; 34 tỉnh, thành; 26 dự án đầu tư xây dựng; 32 doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng...) và kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Về quản lý nợ công, KTNN đã xác định số liệu nợ công đến 31.12.2012 giảm 1.632,6 tỉ đồng so với số báo cáo tại Báo cáo các chỉ tiêu giám sát nợ, do Bộ Tài chính tổng hợp.
KTNN cho biết, việc ứng trả nợ thay cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng ngày càng tăng.
Vẫn tiếp tục chi thường xuyên vô tội vạ
Trong báo cáo, KTNN cũng chỉ ra rất nhiều bất cập trong quản lý chi ngân sách nhà nước khi thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Có tới 31/34 tỉnh, thành được kiểm toán vượt dự toán chi thường xuyên được HĐND giao đầu năm. Trong đó, 20/34 địa phương chi quản lý hành chính, đảng, đoàn thể có mức vượt trên 30%; trong điều hành ngân sách còn sử dụng 569 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu tiền sử dụng đất, nguồn cải cách tiền lương, dự phòng... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định; 17/34 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ 79 tỉ đồng.
Ngoài ra, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức xảy ra phổ biến tại các địa phương. “Một số bộ, cơ quan T.Ư và 26/34 địa phương được kiểm toán còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.570,72 tỉ đồng, trong đó một số địa phương sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu của T.Ư và của địa phương... để bù hụt thu ngân sách”, báo cáo nêu.
Trong mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản, KTNN báo cáo: Một số bộ, cơ quan T.Ư và một số đơn vị thuộc 21/34 địa phương được kiểm toán mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản thiếu chặt chẽ, chưa đúng quy định; tài sản mua nhưng không sử dụng gây lãng phí. Đồng thời, chưa xây dựng, ban hành quy chế quản lý tài sản công; sử dụng tài sản không đúng mục đích.
Báo cáo cũng cho thấy nguồn chi cải cách tiền lương cũng đã bị “xà xẻo” hoặc sử dụng sai mục đích khá phổ biến. “Một số đơn vị thuộc bộ, cơ quan T.Ư, địa phương báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang. Bộ Tài chính thẩm tra chưa chặt chẽ dẫn đến cấp thừa kinh phí cải cách tiền lương năm 2012 là 862,38 tỉ đồng”, KTNN đơn cử.
Hầu hết các tập đoàn phản ánh không đúng thu-chi
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2012 của 27 tập đoàn (TĐ), tổng công ty, công ty nhà nước (TCT) cho thấy, 26/27 TĐ, TCT được kiểm toán kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả hoạt động giảm sút so với năm 2011.
Về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, các TĐ cơ bản đã tuân thủ quy định về quản lý tài chính, song còn một số hạn chế, như quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ quá hạn, khó đòi lớn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay. Một số TĐ, TCT mất cân đối nguồn vốn do sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Hầu hết các đơn vị phản ánh không đúng doanh thu, chi phí.
|
Bảo Cầm
Thanh Niên
|