Dệt may hút vốn Trung Quốc: Làm gì để chống chuyển giá?
Doanh nghiệp trong nước không cải tiến, không có công nghệ, thiết kế tốt mặc dù hưởng thị trường lớn, dần dần TQ sẽ gạ gẫm liên doanh và thâu tóm dần.
Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới nêu quan điểm trước tình trạng làn sóng các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực dệt, nhuôm ở Việt Nam.
Chuyện có bị thâu tóm hay không tùy thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp phải tự học hỏi kiến thức để tránh thâu tóm. Phía Chính phủ cũng phải có những phương thức về chống chuyển giá
|
Trung Quốc tranh thủ hưởng lợi
PV: - Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt may, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghiệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc. Ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Lĩnh vực dệt, nhuộm và 1 số ngành phụ kiện của ngành may đang có làn sóng đầu tư nước ngoài vào rất nhiều, đặc biệt từ cuối năm 2013 khi có thông tin đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP của Việt Nam gần đi đến kết quả. Các nhà đầu tư nước ngoài muốn tranh thủ vào trước, họ sẽ được hưởng lợi từ đó.
Trong TPP có quy định nếu hàng bán trong các nước thành viên TPP sẽ được hưởng mức thuế suất 0% nhưng với điều kiện tất cả các nguyên liệu để sản xuất phải có nguồn gốc từ chính nước bản địa hoặc nhập từ các nước thành viên TPP. Trung Quốc không thuộc TPP, Hàn Quốc cũng chưa vì vậy 2 nước này đã tham gia mạnh vào làn sóng đầu tư vào dệt, nhuộm của Việt Nam.
Ngành may mặc là một trong những ngành chủ chốt của xuất khẩu trong khi đó ngành may mặc của Việt Nam đến bây giờ nguyên liệu cung ứng cho thị trường cũng ở mức thấp. Hiện đáp ứng khoảng 40-50%, trước đây chỉ được khoảng 20%, nghĩa là còn khoảng 60% lệ thuộc vào nước ngoài.
Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, họ muốn được hưởng họ phải lập doanh nghiệp ở Việt Nam, chứng minh với các thành viên TPP, hàng này là hàng sản xuất ở Việt Nam. Trong tương lai ngành may mặc vẫn được đánh giá là ngành còn nhiều lợi thế.
Thêm lý do nữa là ở Trung Quốc, giá thành lao động khá cao, cao hơn Việt Nam tới 1,5 lần 136 USD/tháng, Trung Quốc là 412 USD/tháng. Trong số các nước thành viên khu vực châu Á tham gia TPP cũng chỉ có Việt Nam có mức lương tối thiểu vào loại thấp nhất.
Đặc biệt, ngành dệt và nhuộm của Việt Nam cũng đang rất yếu.
PV: - Liệu có thể hiểu trong lĩnh vực này, Trung Quốc chứ không phải Việt Nam sẽ hưởng lợi từ TPP, ngoài ra, Việt Nam còn phải chịu thêm… ô nhiễm môi trường của ngành dệt nhuộm?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Cả 2 bên cùng sẽ có lợi vì nếu Việt Nam không chứng minh được vấn đề việc hàng hóa được sản xuất với nguyên liệu chủ yếu ở nước bản địa, chúng ta cũng không thể bán được hàng với mức thuế suất 0%.
Khi chúng ta được hưởng thế suất 0%, hàng của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất tốt ở các thị trường lớn như Mỹ. Đây được coi như cái lợi gián tiếp nhưng thực tế cũng là cái lợi trực tiếp.
Thứ 2, chắc chắn khi các nhà đầu tư sản xuất tại Việt Nam và bán cho Việt Nam thì giá thành cũng rẻ hơn do với việc phải nhập khẩu vì nếu nhập khẩu phải tính cả chi phí vận chuyển, nhân công, lao động… trong khi nếu các nhà đầu tư đến Việt Nam chúng ta sẽ có dòng đầu tư sẽ giải quyết công ăn việc làm, dịch vụ, tiền thu từ đất đai, tài chính, dịch vụ logistic…
PV: - Khi đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc sẽ được mang công nghệ, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi dành cho nguồn vốn FDI. Mặt khác với những dự án lớn như vậy, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp này. Xin ông phân tích cụ thể được và mất của Việt Nam khi đón nhận dòng đầu tư này? Liệu có thể hiểu đây là bẫy tự do thương mại kiểu mới (thay vì cách thu mua nguyên liệu thô truyền thống) của Trung Quốc đối với những nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Chúng ta phải có những tính toán cụ thể, nếu họ gia nhập thị trường và gặp phải những lĩnh vực chúng ta đã có thì chúng ta sẽ phải cạnh tranh, điều này là chắc chắn.
Vấn đề là nhiều lĩnh vực chúng ta không có hoặc có cũng không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng được yêu cầu của ngành may cao cấp thì sẽ không có gì mất ở đây cũng không có gì cạnh tranh, nó chỉ bổ sung và làm phong phú hơn các lĩnh vực của chúng ta.
Còn nếu xét ở khía cạnh khác, họ có được lợi nhiều đến mức chúng ta bị mất mát quá nhiều không là do luật pháp của Việt Nam và các quy định của Việt Nam. Nếu Trung Quốc muốn đầu tư vào lĩnh vực mà Việt Nam đã có rồi, chúng ta sẽ không khuyến khích bằng những hàng rào kỹ thuật hoặc những chính sách về thuế, đất đai…
Còn những lĩnh vực nào Việt Nam không có, Việt Nam phải sẵn sàng chào đón. Đồng thời phải có những thỏa thuận, trong phương án kinh doanh phải sử dụng lao động của Việt Nam, vốn phải được mang vào chứ không thể huy động tại Việt Nam, nếu sử dụng dịch vụ của Việt Nam nhiều thì những chi phí về đất, thuế… có thể được bớt.
Nếu trong phương án kinh doanh của họ nếu họ cho biết sẽ sử dụng nhân công lao động của họ, công nghệ, máy móc của họ thì chúng ta phải đánh thuế, phí cao hơn. Đây là cuộc chơi, họ mang vốn vào, bao giờ cũng phải “welcome” còn người ta kiếm đến đâu, mình kiếm đến đâu là do cách chơi của mình.
Nói tóm lại, Việt Nam phải phân loại, những lĩnh vực mà Việt Nam có, Việt Nam không hoan nghênh lắm nên sẽ tạo các hàng rào không khuyến khích còn những lĩnh vực Việt Nam không có sẽ mời chào.
Nhưng khi họ vào cũng phải xác định lợi của họ là gì và lợi của ta là gì. Chuyển giao công nghệ kỹ thuật, tay nghề của công nhân như thế nào, các dịch vụ logistic cũng phải thông qua các công ty của Việt Nam thay vì mang cả của Trung Quốc sang, thậm chí lập ngân hàng tại Việt Nam và truyền vốn qua lại thì là do luật của mình.
Thâu tóm hay không phụ thuộc vào Việt Nam
PV:- Xin ông cho biết, bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ như thế nào?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Chúng ta đã biết chúng ta gia nhập thế giới thì chúng ta phải cải cách để vươn lên còn nếu không tự vươn lên được anh sẽ bị đào thải đó là việc của anh, phải chấp nhận thay vì ngồi kêu than.
Như vậy, các doanh nghiệp phải nâng cấp về kỹ thuật, tay nghề công nhân phải nâng lên. Hiệp hội dệt may và nhà nước cũng cần phải nhìn nhận lại, nếu xác định đây là lĩnh vực quan trọng của quốc gia cần phải trông chờ vào nó để kiếm được tiền cho đất nước thì cần phải có chiến lược rõ ràng.
Khi mở ra, trận địa có những khoang mục như thế nào, nhà nước đóng góp hỗ trợ tiền vốn, tiền thuế … phải có lịch trình trong bao nhiêu năm. Củng cố được trình độ trong lĩnh vực này còn lĩnh vực mình không có mình sẽ mở rộng dần hoặc bắt các nước khác khi đưa công nghệ sang chuyển giao trong bao nhiêu năm. Đây mới là sự khôn ngoan khi tham gia vào thương trường thế giới. Nếu chỉ ngồi kêu than sẽ không giúp ích được gì.
Lĩnh vực dệt may vừa qua rất đáng buồn do đây là lĩnh vực mà đất nước trông chờ vào đây rất nhiều. Theo cảm nhận của tôi là ngành dệt may chưa có chiến lược phát triển rõ ràng dù đã có đôi chút cải thiện, nhưng như thế là quá chậm chạp sau 20 năm phát triển. Đến bây giờ vẫn không có gì đáng kể trong tay đặc biệt là ngành công nghiệp quan trọng hỗ trợ cho nguyên liệu dệt may.
Như tôi biết có rất nhiều sản phẩm Việt Nam không thể làm được, trong khi chỉ cần một cuộc điện thoại sau một ngày có thể mua hàng từ Trung Quốc. Nếu bàn rộng ra lại sang một lĩnh vực khác, muốn khuyến khích nó có cản trở mà tôi nhắc lại là vấn đề tỷ giá. Với tỷ giá như hiện nay thật khó lòng xây dựng được ngành công nghiệp dệt may vì sản xuất được cái gì ở Việt Nam đều lỗ.
Tỷ giá như hiện tại, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ rất khó để phát triển. Trung Quốc lại nằm ngay cạnh Việt Nam, đi trước Việt Nam, chính sách tốt hơn, kinh nghiệm nhiều hơn và họ đã phá giá đồng tiền của họ nên hàng của họ đã tràn sang Việt Nam mà chúng ta không có cách nào thoát được.
PV: - Trường hợp của dệt may, các ngành sản xuất khác của nền kinh tế Việt Nam bị thâu tóm bởi tay các doanh nghiệp Trung Quốc không? Hậu quả của việc đó sẽ là như thế nào, thưa ông?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Trên thực tế nếu Việt Nam có sẵn rồi và ta cũng hoành tráng đến khi các doanh nghiệp Trung Quốc vào và ta kém ta không mở mang được, họ mua và thâu tóm.
Nếu như Việt Nam không có mà Trung Quốc vào thì sẽ là mở mang cho Việt Nam. Vấn đề ở chỗ cái chúng ta không có chúng ta phải dựa vào họ và như thế nào để dần dần chúng ta sẽ có. Cách mà chính sách tạo ra để thu lợi là do cái đầu của chúng ta còn thực ra vấn đề thâu tóm chưa đáng kể.
Cũng không thể nói là không vì nếu các doanh nghiệp trong nước không cải tiến, các xí nghiệp may không tài giỏi, không có công nghệ cao, thiết kế tốt mặc dù hưởng thị trường lớn mà không làm được thì dần dần người ta đến gạ gẫm cùng liên doanh nhưng quá trình làm họ sẽ thâu tóm dần nếu anh không giỏi.
Nó giống hệt như việc nhiều thương hiệu của Việt Nam trước đây khi nhà đầu tư nước ngoài vào họ đồng ý thành liên doanh sau đó các doanh nghiệp trong nước không biết cách làm, họ nắm khâu phân phối, khâu kỹ thuật, nắm chiến lược giá cả, họ chuyển giá để làm doanh nghiệp lỗ liên tục khiến cho đối tác liên doanh của Việt Nam chán nản và lúc bấy giờ sẽ bỏ cuộc, bán lại họ mua hết thì sẽ là sự thâu tóm.
Chuyện có bị thâu tóm hay không tùy thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp phải tự học hỏi kiến thức để tránh thâu tóm. Phía Chính phủ cũng phải có những phương thức về chống chuyển giá, nếu làm được điều này thì sẽ ngăn chặn được việc các công ty nước ngoài vào thâu tóm.
PV: - Châu Phi mới đây đã cảnh báo về hệ lụy những khoản đầu tư từ Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng đã chỉ trích Trung Quốc hành xử như một "thực dân mới", mục tiêu sau cùng là thu tóm khoáng sản, dầu khí, gỗ mang về bản quốc…. Còn Việt Nam, sẽ phải lựa chọn nguồn đầu tư như thế nào để người dân được hưởng lợi chứ không phải một vài nhóm lợi ích nào đó?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Trở lại với vấn đề, nhà đầu tư Trung Quốc mang vốn vào Việt Nam là điều đáng mừng nhưng có biến thành hiện thực hay không còn do tính toán của Việt Nam. Phải đọc được trận mạc họ vào đây, họ làm cái gì, họ thu lợi gì và thu lợi bao nhiêu, phần của mình là gì và làm thế nào để mình có phần ở đây. Nếu làm gắt gao quá họ cũng không vào.
Chuyện đó nên tự trách mình hơn trách người ta. Các nước châu Phi cũng vậy, anh có đủ kiến thức trình độ để nhận hợp đồng lớn không, bản thân anh có tham nhũng không?
Làm ăn với các công ty châu Á, nhất là Trung Quốc chuyện đút lót cho chính quyền, quan chức địa phương là phổ biến vì tiền đó họ đút lót để họ được hưởng quyền lợi dễ dàng hơn so với việc họ đi trên con đường chính thức.
Chính vì vậy tại sao các nước phương tây, Mỹ luôn luôn phải kêu gọi vấn đề minh bạch, chống tham nhũng ở các nền kinh tế này vì nó tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng. Họ không thể giải trình với Chính phủ của họ về việc họ đã bỏ ra bao nhiêu tiền để đút lót cho quan chức địa phương vì nếu chính phủ biết họ sẽ phải đi tù.
Kém cỏi, tham nhũng thì không có cách nào nói Trung Quốc thế nọ, thế kia. Trường hợp của Việt Nam có những lỗ hổng về luật pháp nếu không cẩn thận cũng sẽ tạo sơ hở, thậm chí tham nhũng tiếp tay đồng tình.
Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm các nước khác, có cơ chế để ngăn chặn thì mới được hưởng vì không ai đến để cho không. Các nhà đầu tư đến Việt Nam để kiếm lợi nhuận chứ không phải giúp Việt Nam phát triển, phát triển được hay không là do mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tâm An
đất việt
|