Thứ Bảy, 24/05/2014 09:58

Bỏ Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư: Tiến bộ hay thụt lùi?

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư trước khi thành lập DN đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Cơ quan soạn thảo cho rằng điều này là cần thiết, nhưng đại diện của nhiều DN và cả một số cơ quan thực thi lại cho rằng đây là sự thụt lùi.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể không cần Giấy chứng nhận đầu tư khi đầu tư ở Việt Nam. Ảnh: S.T.

Có thể thành lập DN thoải mái

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bãi bỏ quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư khi thành lập DN ở Việt Nam và tách thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh làm hai loại giấy riêng biệt (quy định hiện hành Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời cũng là Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh).

Nói về thay đổi này (tại Hội thảo về định hướng thu hút FDI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào cuối tuần qua), ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo quy định tại Điều 50 Luật Đầu tư 2005 nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đây cũng đồng thời là giấy đăng kí thành lập DN. Trong quá trình tổng kết thực hiện đánh giá ưu điểm, tồn tại của quy định này, ban soạn thảo đã thực hiện sửa đổi theo hướng tách hai loại giấy này ra để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh trước khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tức DN nước ngoài có thể thành lập DN trước khi có dự án đầu tư.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương - thành viên Ban soạn thảo khẳng định: Việc tách Giấy Chứng nhận đăng kí kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư là hợp lí vì sau này, các thủ tục hành chính về mở rộng phạm vi kinh doanh, địa bàn kinh doanh sẽ thuận lợi hơn cho DN và cơ quan quản lí nhà nước. Như vậy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thành lập DN trước, còn nếu có đầu tư sẽ làm sau. Điều kiện gia nhập thị trường, thành lập DN của nhà đầu tư nước ngoài về căn bản giống các nhà đầu tư trong nước, có thể có thêm một số điều kiện và nhiều thông tin hơn. Sau này, nhà đầu tư nước ngoài muốn góp thêm vốn, muốn mua thêm cổ phần… hoàn toàn tiến hành như DN trong nước.

Chưa thuyết phục

Dù các thành viên ban soạn thảo ủng hộ phương án tách hai loại giấy tờ trên, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác không đồng tình. GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng: Chúng ta có “người khổng lồ” Trung Quốc bên cạnh, với quy định tại dự thảo Luật Đầu tư, có thể có hàng nghìn, hàng vạn DN Trung Quốc được thành lập ở Việt Nam. Với một nước đã đạt được trình độ phát triển nhất định như Việt Nam, rõ ràng việc lựa chọn nhà đầu tư, lĩnh vực đầu tư phải hết sức cẩn thận. Cho nên tôi đề nghị không thể bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho nhà đầu nước ngoài.

Bày tỏ sự đồng tình cao với GS Nguyễn Mại, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng: Việc tách Giấy chứng nhận đầu tư ra khỏi Giấy đăng kí kinh doanh sẽ dẫn tới hệ quả xuất hiện rất nhiều DN trên giấy, những DN đăng kí ở Việt Nam nhưng không hoạt động ở Việt Nam. Vấn đề này chúng tôi đã gặp rất nhiều trong thực tiễn. Sẽ có hàng nghìn, thậm chí hàng vạn DN được thành lập chỉ với mục đích sau này bán lại cho người khác. Điều này sẽ làm tăng thêm một số lượng DN khổng lồ. Như vậy, các cơ quan quản lí nhà nước của Việt Nam sẽ phải quản lí một số lượng “khổng lồ” các DN mà hầu như không mang lại chút hiệu quả nào cho nền kinh tế. Vì thế chúng ta nên có điều kiện rõ ràng là nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước hết phải có dự án đầu tư.

Đáp lại ý kiến của GS Nguyễn Mại và ông Nguyễn Công Ái, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trong quá trình rà soát việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, nhiều nhà đầu tư, hiệp hội DN nói rằng quá trình này chỉ thuận lợi giai đoạn đầu làm thủ tục đầu tư, sau này có bất cứ điều chỉnh nào nhà đầu tư sẽ gặp những vướng mắc. Trong quá trình thảo luận, ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến theo hướng khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập DN ở Việt Nam, có một số trường hợp yêu cầu có Giấy chứng nhận đầu tư, một số trường hợp khác không yêu cầu nhà đầu tư phải có Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan quản lí về đầu tư biết được hoạt động đầu tư của mình để cơ quan quản lí Nhà nước có được thông tin kinh doanh của DN.

Ngay sau lời giãi bày của đại diện Vụ Pháp chế, ông Nguyễn Đình Toàn, Trưởng phòng quản lí đầu tư (Ban Quản lí các khu kinh tế Hải Phòng) cho rằng: Nhiều nhà đầu tư đánh giá thủ tục “gộp” Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và chứng nhận đầu tư như hiện nay là tiến bộ, phát huy được tính ưu việt. Nếu tách ra, vô tình chúng ta đã cản đường cho những nhà đầu tư tốt, dự án tốt, để lọt dự án kém chất lượng khi họ không cần Giấy chứng nhận đầu tư, chỉ cần thành lập DN là đương nhiên đã trở thành DN ngoại ở Việt Nam. Nếu sửa đổi tách riêng Giấy Chứng nhận đăng kí kinh doanh và đầu tư sẽ khó ngăn được các nhà đầu tư “ma”, DN có vốn FDI chỉ thành lập và hoạt động trên giấy. Ngược lại, với những nhà đầu tư chân chính họ sẽ rất nản lòng khi tiếp cận những quy định “rườm rà” như trong dự thảo mới này.

Lương Bằng

báo hải quan

Các tin tức khác

>   Phải làm rõ nguồn trả nợ công (24/05/2014)

>   Sóng ngầm ngành gas (24/05/2014)

>   Doanh nghiệp nhà nước lần lữa thoái vốn ngoài ngành (24/05/2014)

>   Phó thủ tướng: Doanh nghiệp FDI đã có niềm tin trở lại (23/05/2014)

>   Thủ tướng viết blog chào mời nhà đầu tư (23/05/2014)

>   Đàm phán FTA Việt Nam-Hàn Quốc đạt được nhiều tiến bộ (23/05/2014)

>   'Không lẽ chúng ta vẫn phải nhập cái cúc để may chiếc áo' (23/05/2014)

>   Dòng vốn đầu tư từ Nhật sẽ đổ vào ngành nông nghiệp và thủy sản (23/05/2014)

>   Doanh nghiệp tồn kho sẽ được hỗ trợ thuế (23/05/2014)

>   Doanh nghiệp “tố” có gian lận thuế nhập khẩu thép (23/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật