Chủ Nhật, 25/05/2014 09:17

Bấp bênh “thân phận” cá tra

Kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (POR 9) đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã được công bố với một tin không vui, đó là Mỹ đã quyết định điều chỉnh lại mức thuế tăng lên 2,8 lần so với đợt công bố hồi tháng 9 năm 2013. Với sự điều chỉnh mức thuế "oan nghiệt” này, cả người nuôi và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra đều phải đối diện với hàng loạt khó khăn phía trước.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Theo kết quả của DOC về đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 của Mỹ, chỉ có Công ty (Cty) Vĩnh Hoàn là bị đơn bắt buộc được hưởng thuế suất bằng 0%, còn các Cty là bị đơn tự nguyện phải chịu mức thuế 1,2USD/kg - cao gấp 3 lần mức thuế 0,42USD/kg mà các Cty này phải đóng theo quyết định được DOC đưa ra trước đó.

Được biết, hiện có 25 DN VN phải chịu mức thuế 1,2USD/kg.Còn những DN không nộp đơn thì chịu mức thuế 2,11USD/kg. Lý do tăng thuế mà DOC đưa ra là do sai sót trong quá trình tính toán đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 giai đoạn từ 1-8-2011 đến 31-7-2012 (POR 9) đối với sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Do đó, sau khi tính toán lại, mức thuế có sự thay đổi.

Cách đây chưa lâu, trong nước, người nuôi cá tra đón nhận tin vui vì giá cá tra đột nhiên tăng cao. Nhiều người nuôi cá ở Đồng bằng Sông Cửu Long vui mừng nuôi thả cá trở lại. Thậm chí, nhiều hộ nông dân còn có ý định mở rộng diện tích, bởi hy vọng giá cá sẽ tăng theo xu hướng ổn định, nông dân sẽ lại tìm thấy niềm vui từ con cá tra sau một thời gian dài treo ao vì giá hạ.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Giá cá vừa nhích lên đôi chút nay lại đón nhận thông tin Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với các DN chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Việc Mỹ áp mức thuế cao như vậy đối với các DN chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam, chắc chắn sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho các DN khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ, và đương nhiên người nuôi cá cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ cho biết: Giá cá tra vừa nhích lên được ít hôm, nay lại sụt xuống và sức tiêu thụ thì rất chậm.

Được biết, ngay khi DOC đưa ra phán quyết sơ bộ trong lần xem xét thứ 9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) đã phản đối DOC không công bằng cho Việt Nam khi lựa chọn Indonesia làm quốc gia thay thế cho việc tính giá cá tra của Việt Nam. Lần này, VASEP không đồng tình với DOC về việc điều chỉnh mức thuế tăng cao như đã nói ở trên.

Chặng đường nhiều chông gai

Trước đến nay, Mỹ luôn là thị trường lớn của Việt Nam đối với mặt hàng cá tra. Song, Mỹ cũng là thị trường gây ra nhiều ngang trái nhất đối với con cá tra Việt Nam. Nhìn lại những chặng đường con cá tra Việt đã phải trải qua, có thể thấy, con đường đi của sản phẩm này thực sự bấp bênh vì liên tục phải đối diện với các rào cản thương mại ở Mỹ.

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường Mỹ kể từ năm 1996. Sản phẩm cá tra, basa philê do Việt Nam sản xuất được người tiêu dùng Mỹ đặc biệt ưa chuộng do chất lượng cao, giá thành thấp... Từ năm 2001, Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ khiến thuế nhập khẩu thủy sản giảm xuống còn 0%. Với lợi thế này, lượng cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã liên tục tăng, từ mức chỉ vỏn vẹn 59 tấn hồi năm 1996 đã lên tới 3.191 tấn năm 2000 và trên 103 nghìn tấn năm 2012. Thị phần xuất khẩu vào Mỹ cũng tăng từ 5,2% năm 1996 lên 85,4% năm 2000 và 95,9% năm 2012.

Tuy nhiên, những con số nói trên lại khiến các DN Mỹ cảm thấy lo lắng khi mà lợi nhuận của họ sa sút mạnh. Và năm 2002, các DN xuất khẩu cá tra bắt đầu dính vào vòng lao lý khi liên tục bị các DN Mỹ đệ đơn khởi kiện với các "tội danh”: bán phá giá, được trợ cấp từ Chính phủ Việt Nam… Từ đó đến nay, năm nào sóng gió trên thị trường Mỹ cũng dội vào con cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Và các DN chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã phải trải qua 9 lần bị xem xét hành chính bán phá giá kể từ khi bị áp thuế lần đầu tiên năm 2003.

Song, cũng cần đặt ra câu hỏi, tại sao hết lần này đến lần khác, cá tra Việt Nam lại bị Mỹ đưa vào vòng lao lý như vậy? Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp không ít lần đã đưa ra cảnh báo về tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh thiếu lành mạnh của các DN Việt khi tham gia vào thị trường quốc tế, không riêng gì Mỹ. Khi cạnh tranh lẫn nhau như vậy, vô hình trung, chúng ta để lộ ra điểm yếu, tạo điều kiện để nước bạn dễ dàng đưa hàng rào kỹ thuật ra làm tấm lá chắn cản chân chúng ta. Thêm vào đó, việc DN Việt chỉ chú trọng tăng lượng xuất khẩu và giảm giá bán sẽ càng khiến cá tra rơi sâu vào "vòng xoáy” kiện tụng ở Mỹ.

Trước những bất cập đang diễn ra đối với ngành cá tra, ông Ngọc Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngành thủy sản dự kiến trong 2 năm tới sẽ không tăng sản lượng cá tra, tập trung chấn chỉnh về chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi cá, chế biến, để gia tăng giá trị sản phẩm. Theo giới chuyên gia, đây là quyết định đúng đắn của ngành nông nghiệp vì nếu cứ tiếp tục chạy theo sản lượng, không quan tâm đến chất lượng và cạnh tranh về giá như cách "hành xử” hiện nay của các DN, chắc chắn đường đi của con cá tra xuất khẩu sẽ còn gặp nhiều chông gai, đặc biệt là đối với thị trường Mỹ.

Duy Phương

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Cơ hội lớn, thách thức nhiều (25/05/2014)

>   Thái bất ổn, công ty du lịch ngồi trên lửa (25/05/2014)

>   Chính phủ phải ứng trả nợ thay cho dự án ngày càng tăng (25/05/2014)

>   Nhập khẩu ôtô lên cao nhất từ đầu năm (24/05/2014)

>   Petrolimex: Năm 2014, điều chỉnh giảm cả lợi nhuận và cổ tức (24/05/2014)

>   Dệt may hút vốn Trung Quốc: Làm gì để chống chuyển giá? (24/05/2014)

>   Việt Nam vay ASEAN 300 triệu USD đầu tư hạ tầng (24/05/2014)

>   Một số nhóm hàng xuất khẩu chính 4 tháng năm 2014 (24/05/2014)

>   Bỏ Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư: Tiến bộ hay thụt lùi? (24/05/2014)

>   Phải làm rõ nguồn trả nợ công (24/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật