Chủ Nhật, 25/05/2014 10:10

Khu Công nghiệp thắng nhờ chất lượng

Nếu nhìn vào cách điều hành các KCN của nước ngoài tại Việt nam, có thể thấy chính các KCN đang là lực hấp dẫn quan trọng đối với đầu tư nước ngoài.

Đằng sau các khu công nghiệp do nước ngoài điều hành là cả một hệ thống quản trị chuyên nghiệp và câu chuyện kinh doanh bài bản, nghiêm túc. Sức mạnh của KCN chính là khả năng kết nối và cung cấp dịch vụ toàn diện.

Cạnh tranh bằng tiện ích và dịch vụ một cửa

Khởi động vào năm 1996 tại Bình Dương, đến nay Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đã phát triển thành một chuỗi khu công nghiệp với 5 dự án được triển khai trên cả 3 miền. VSIP giờ đây đã trở thành một thương hiệu đáng tin cậy cho hàng trăm công ty quốc tế đến Việt Nam đầu tư. Chẳng hạn, riêng VSIP Bình Dương, tính đến năm 2013 đã thu hút được 365 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 4,77 tỷ USD và 20 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 3.834 tỷ đồng. Và ngay quý 1/2014 đã thu hút thêm gần 441 triệu USD, tăng 388% so cùng kỳ năm 2013.

Thông thường, để một khu công nghiệp thành công cần phải có các điều kiện như: môi trường đầu tư thật hấp dẫn; vị trí và những điều kiện thuận lợi; khung làm việc thông thoáng; cơ sở hạ tầng, logistic đảm bảo… VSIP hoàn toàn đáp ứng được điều đó. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào đây chưa thấy hết sức bật của VSIP vì cũng có hàng trăm khu công nghiệp khác đang hoạt động tại Việt Nam đang cùng sở hữu các điều kiện cạnh tranh này. Sức mạnh của VSIP chính là khả năng kết nối và cung cấp dịch vụ toàn diện. Trên thực tế, doanh nghiệp đang điều hành và phát triển chuỗi VSIP là Tập đoàn Sembcorp Industries Ltd, Singapore. Đây là một tập đoàn đa ngành, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, bao gồm nhiều công ty con đang đầu tư ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, thế mạnh của Sembcorp nằm ở ba lĩnh vực chính là năng lượng, công nghiệp đường thủy và phát triển đô thị. Việc xây dựng và điều hành các khu công nghiệp cũng không phải quá xa lạ với Sembcorp khi họ đã có kinh nghiệm đầu tư trước đó tại Singapore và Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn vào cấu trúc sở hữu của Sembcorp, người ta thấy một tên tuổi lớn của làng đầu tư quốc tế là Temasek Holdings, cổ đông chiến lược tại Sembcorp. Điều này khiến bà Lawrence Zip, Phó Chủ tịch điều hành hoạt động kinh doanh của Sembcorp tại Việt Nam tự tin nói rằng: “Lợi thế của VSIP nằm ở cung cấp các dịch vụ tiện ích hấp dẫn cho các nhà đầu tư, khả năng cung ứng dịch vụ một cửa, hạ tầng hiện đại và đồng bộ, phù hợp với các dự án lớn, công nghệ cao”.

Lợi thế của VSIP còn nằm ở khả năng kết nối với các đối tác của Sembcorp, tận dụng kinh nghiệm hoạt động của họ để cung cấp các dịch vụ cho VSIP và cho các doanh nghiệp hoạt động tại VSIP thuê. Chẳng hạn, Tập đoàn Surbana (Singapore) và Viện Công nghệ nước và Môi trường của Đại học công nghệ Nanyang (Singapore) được mời đến hỗ trợ cung cấp các giải pháp phát triển hạ tầng cho VSIP Hải Phòng. Hay một đối tác song hành với Sembcorp từ khi phát triển VSIP đầu tiên vào năm 1996 là Ascendas, một công ty Singapore chuyên cung cấp hạ tầng công nghệ trong các lĩnh vực điện tử, dược phẩm, thực phẩm… Những điều này đã giúp VSIP thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đến đặt nhà máy tại đây. Đặc biệt, các công ty Nhật ngày càng quan tâm đến VSIP.

VSIP còn có những “cánh tay nối dài” khác như đối tác Mapletree (một doanh nghiệp Singapore có thế mạnh trong việc cung cấp nhà xưởng cho thuê) đã tạo thêm nhiều bệ phóng giúp các nhà đầu tư vào VSIP linh động trong việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình. “Chúng tôi tin vào khả năng tăng trưởng của VSIP tại Việt Nam khi nhu cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới tìm đến đây để mở rộng phát triển các trung tâm công nghệ thông tin, sinh học… VSIP không chỉ là nhà cung cấp khu công nghiệp mà còn mở rộng đầu tư vào các dự án đô thị và khu công nghệ cao”, bà Lawrence Zip nói.

Cần một dịch vụ trọn gói

Gần đây, đã có nhiều đóng góp chân tình của các nhà đầu tư Nhật khi nói về khả năng hỗ trợ cho họ để xây dựng một kế hoạch kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Đó có thể là công nghiệp phụ trợ, các thủ tục hành chính, nhân sự, ngôn ngữ… Khu kỹ nghệ Việt – Nhật, đặt tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) là một minh chứng như thế. Đây là một liên doanh giữa Tập đoàn Unika Holdings (góp 55% vốn) và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (góp 45% vốn), với tổng mức đầu tư khoảng 31 triệu USD.

Ông Jinjiro Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu Kỹ nghệ Việt – Nhật cho biết, khu này được xây dựng theo mô hình nhà xưởng xây sẵn theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Bên cạnh đó kèm theo các tiện ích khác như: giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tư vấn thuế, đầu tư, kế toán, đào tạo và huấn luyện và cả nhân lực biết tiếng Nhật. Như vậy, chủ đầu tư thực hiện tất cả dịch vụ từ A-Z, tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư tập trung nguồn lực cho sản xuất và kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ việc đi vào hoạt động sản xuất ngay mà không mất thời gian và chi phí cho các hoạt động trên.

Một điểm khá thú vị ở đây là người Nhật đầu tư xây dựng hạ tầng và cũng kêu gọi đầu tư, chưa kể còn có sự tham gia hỗ trợ quảng bá cho khu kỹ nghệ này của các tổ chức JETRO, JICA, lãnh sự và nhiều ngân hàng thương mại Nhật. Với sự am hiểu cùng những hỗ trợ đầy thiết thực này, không quá khó để các ông chủ của KCN này kêu gọi nhà đầu tư Nhật đến đây. Theo ông Jinjiro Kimura, Khu Kỹ nghệ Việt – Nhật nhằm thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài nhưng chưa có kinh nghiệm.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới cuối tháng 12/2013 cả nước có 289 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên vào khoảng 81.000 ha. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN là 60%. Điều này cho thấy, các nhà phát triển KCN trong nước còn phải nỗ lực rất nhiều mới thu hút được các nhà đầu tư vào KCN của mình. Cách làm của VSIP và Khu Kỹ nghệ Việt – Nhật rất đáng để họ tham khảo và noi theo.

Minh Phương

Diễn Đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bấp bênh “thân phận” cá tra (25/05/2014)

>   Cơ hội lớn, thách thức nhiều (25/05/2014)

>   Thái bất ổn, công ty du lịch ngồi trên lửa (25/05/2014)

>   Chính phủ phải ứng trả nợ thay cho dự án ngày càng tăng (25/05/2014)

>   Nhập khẩu ôtô lên cao nhất từ đầu năm (24/05/2014)

>   Petrolimex: Năm 2014, điều chỉnh giảm cả lợi nhuận và cổ tức (24/05/2014)

>   Dệt may hút vốn Trung Quốc: Làm gì để chống chuyển giá? (24/05/2014)

>   Việt Nam vay ASEAN 300 triệu USD đầu tư hạ tầng (24/05/2014)

>   Một số nhóm hàng xuất khẩu chính 4 tháng năm 2014 (24/05/2014)

>   Bỏ Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư: Tiến bộ hay thụt lùi? (24/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật