Năm 2014: Kỳ vọng VN-Index chạm mốc 600-650 điểm
“Thị trường chứng khoán trong năm 2014, có nhiều lý do để kỳ vọng vào sự tăng trưởng và VN-Index có thể chạm mốc 600-650 điểm,” đây là nhận định của chuyên gia kinh tế, Nguyễn Trí Hiếu tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán 2014 – Triển vọng và thách thức.”
Kênh đầu tư của năm
Theo ông Hiếu, nền kinh tế đang tạo ra nhiều điểm nóng, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong năm tới.
Cụ thể, bối cảnh kinh tế vĩ mô cho thấy các kinh tế cơ bản, như tăng trưởng GDP 5,8%, CPI 7% là khả thi. Nợ xấu sẽ được xử lý mạnh mẽ, sau khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua khoảng 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Chứng khoán đang soán ngôi đầu tư, khi mà bất động sản chưa thể hồi phục sớm và cần nhiều thời gian. Thị trường vàng cũng có sự ổn định nhờ vào vai trò điều phối của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, giá vàng quốc tế đang trong xu hướng giảm.
Ngoài ra, các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong thời gian tới cũng sẽ hỗ trợ thị trường nóng lên.
Đánh giá cao về nhận định trên, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) nhấn mạnh, thị trường chứng khoán luôn gắn bó với kinh tế vĩ mô. Năm 2014, thị trường sẽ thuận lợi hơn khi các giải pháp điều hành của Chính phủ triển khai trong thời gian qua bắt đầu phát huy tác dụng.
“Mặc dù, bối cảnh kinh tế còn thách thức, như việc xử lý nợ xấu, song những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng đã có kết quả tốt hơn về cuối năm. Đây là những tín hiệu đáng mừng,” ông Bằng nói.
Mở “room”
Trong năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù được dự báo, sẽ phải chứng kiến sự thoái lui đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên thực tế, tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% với giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012.
Do đó, việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng sở hữu tại các tổ chức kinh doanh theo cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ thúc đẩy làn sóng mua vào cổ phiếu của khối nhà đầu tư này.
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh (SSC) tiết lộ, dự thảo quy định nới “room” nước ngoài đã có những điều chỉnh và tinh thần là cởi mở hơn.
“Chúng ta đang từng bước tiệm cận với các quy định của cam kết WTO, kỳ vọng văn bản sẽ được Chính phủ ban hành sớm,” ông Sơn nói.
Về vấn đề này, ông Hiếu nhấn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài mặn mà muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng. Việc mở “room” có thể nới tới 49%, sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thêm vào đó, đến năm 2020 chúng ta cũng sẽ mở cửa 100% theo cam kết WTO.
Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá rất cao về hoạt động tái cấu trúc trên thị trường chứng khoán trong năm qua và điều này dường như mở ra hướng đi cho hoạt động tái cơ cấu của nền kinh tế hiệu quả hơn.
Theo SSC, hoạt động tái cấu trúc thị trường trong năm 2013 rõ nhất là việc tái cấu trúc và làm lành mạnh hóa khu vực tài chính trung gian, tái cấu trúc khu vực hàng hóa, tăng cường tính minh bạch trên thị trường.
Ông Sơn cho biết, hiện 70 công ty chứng khoán đã đi vào hoạt động ổn định, 15 công ty chứng khoán hoạt động cầm chừng với khối lượng tài khoản rất ít (một vài trăm tài khoản) và 15 công ty chứng khoán yếu kém đã không còn hoạt động môi giới.
Một bằng chứng khác, làn sóng doanh nghiệp hủy niêm yết đang diễn ra mạnh nhất từ trước đến nay. Trong năm 2013, có tới 37 công ty hủy niêm yết (do không bảo đảm điều kiện niêm yết, vi phạm chế độ công bố thông tin, thực hiện tái cấu trúc công ty,) cho thấy quá trình tái cấu trúc mang đào thải là rất mạnh mẽ.
Linh Chi
Vietnam+
|