Ngân hàng: Ngược dòng tín dụng
Ngân hàng sẽ phải chấp nhận lợi nhuận giảm trong ngắn hạn để cơ cấu lại hoạt động hay gia tăng thị phần tín dụng của mình vào lúc này? Báo cáo tài chính quý III/2013 cho thấy lợi nhuận ở nhiều ngân hàng đang giảm. Trong đó, giảm nhiều nhất và phổ biến nhất là ở thu nhập lãi thuần.
Yếu tố chính ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần là nợ xấu. Ngoài việc phải trích lập dự phòng, nợ xấu cũng khiến cho tín dụng khó lòng tăng trưởng được.
Vào giữa tháng 11, cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước với 14 ngân hàng lớn không đưa ra được biện pháp nào khả dĩ để giúp tăng trưởng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến khi cuộc họp diễn ra, tăng trưởng tín dụng chỉ mới được gần 8%, tức là mục tiêu 12% cả năm khó có thể đạt được.
Các lãnh đạo ngân hàng đều thừa nhận Ngân hàng nhà nước đã tích cực hỗ trợ các ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn với việc ban hành Quyết định 780 cho phép cơ cấu lại nợ, lùi Thông tư 02 quy định về phân loại và xử lý nợ xấu, hay văn bản số 7558 cho phép ngân hàng cho các khách hàng đang có nợ xấu vay nếu có dự án kinh doanh tốt.
Tuy vậy, nhiều ngân hàng sợ nợ xấu đến độ không dám cho vay thêm. Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank (EIB), nhiều lần cho biết Ngân hàng kiên quyết “sẽ không hạ chuẩn tín dụng”. Tính đến cuối quý III/2013, tăng trưởng tín dụng của Eximbank đạt 8,15%, mức tăng thuộc vào loại trung bình so với thị trường.
Trên thực tế, còn nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng rất thấp. DongABank, chẳng hạn, có dư nợ tín dụng chỉ tăng 1,4% so với cuối năm ngoái. Nhưng cũng có một số ngân hàng đang ngược dòng xu hướng với tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao. VPBank là một ví dụ. Tín dụng của ngân hàng này đã tăng 28% so với cuối năm ngoái; NamABank tăng trưởng 26%; Sacombank (STB), 13,5%. Có vẻ như các ngân hàng này đang tranh thủ đẩy tín dụng để giành thị phần.
Nếu quy mô tín dụng của VPBank vào cuối năm ngoái chỉ khoảng 36.500 tỉ đồng thì đến cuối quý III/2013, con số này là 46.700 tỉ đồng. Trong khi đó, DongABank vẫn giậm chân tại chỗ với quy mô tín dụng 49.700 tỉ đồng vào đầu năm và 50.500 tỉ đồng vào cuối quý III. Nghĩa là VPBank đã rút ngắn đáng kể chênh lệch thị phần tín dụng với DongA Bank.
Thu nhập lãi thuần ở những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao dường như cũng tăng trưởng tốt hơn so với các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng thấp. VPBank, NamABank hay Sacombank đều có thu nhập lãi thuần tăng trưởng tốt, hoặc ít nhất cũng duy trì mức tăng trưởng dương. Ở nhiều ngân hàng khác, thu nhập lãi thuần thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Ở Eximbank, chẳng hạn, thu nhập từ lãi trong 9 tháng đầu năm nay chỉ bằng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, ở Vietcombank (VCB), con số này là 95%.
Một câu hỏi được đặt ra: lúc này có phải là thời điểm để các ngân hàng ra sức giành thị phần tín dụng và hưởng mức thu nhập lãi thuần cao?
Một lãnh đạo của ngân hàng quy mô vừa có hội sở ở TP.HCM (xin được giấu tên) cho biết, trong lúc này, các ngân hàng nên tập trung vào chất lượng tín dụng và hơn nữa, bản thân con số tăng trưởng không phản ánh hết được tính chất phức tạp của hệ thống tín dụng ngân hàng. Tức nên coi trọng chất lượng tăng trưởng hơn số lượng.
Một điều nữa là dù có gia tăng được thu nhập lãi thuần, nhưng chi phí trích lập dự phòng cao hơn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận chung của ngân hàng. Tại VPBank và NamABank, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng và thu nhập lãi thuần đều ở mức cao, nhưng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm lại giảm lần lượt 29% và 64%. Lý do chủ yếu là chi phí trích lập dự phòng cũng tăng theo. Vì vậy, nếu tăng trưởng tín dụng không cẩn thận, có thể lặp lại vết xe đổ nợ xấu.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay ở nhiều ngân hàng xem như đã không đạt được. Sang năm 2014, các ngân hàng vẫn sẽ phải tiếp tục tái cấu trúc, cắt giảm chi phí do phình to quá nhanh trong quá khứ. Còn về mặt tín dụng, ngân hàng có tiếp tục e dè hay không sẽ phụ thuộc vào nợ xấu. Trên thực tế, dù công ty mua bán nợ xấu VAMC đang tích cực mua vào, nhưng cho đến nay, nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu được xử lý triệt để.
Thanh Phong
ncđt
|