Dự phòng rủi ro lớn ăn mòn lợi nhuận
Theo TS. Cấn Văn Lực, dù không dễ dàng nhưng trong giai đoạn khó khăn các ngân hàng cố gắng để tận thu ít nhiều từ các khoản ngoại bảng. Ngoài ra, tiết kiệm chi phí vẫn rất cần thiết đối với các ngân hàng. Tăng đầu tư phát triển dịch vụ tạo ra nguồn thu bền vững và lâu dài cũng là lời khuyên của TS. Cấn Văn Lực đối với các ngân hàng.
Lãi biên chỉ còn dưới 3%
Đến thời điểm này đã có 14 ngân hàng công bố Báo cáo tài chính quý III. Song, trái ngược với những con số lãi “khủng” năm trước, có tới 9/14 ngân hàng giảm lợi nhuận, trong đó Techcombank giảm tới 88% so với cùng kỳ… và 1 ngân hàng báo lỗ là VIB...
Theo Báo cáo tài chính của VIB, đến 30/9, tín dụng tăng chưa đến 2% là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận thuần của ngân hàng này giảm 23% so với cùng kỳ, đạt hơn 117 tỷ đồng trong quý III. Trong khi đó, nợ xấu tăng cao khiến ngân hàng này phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) lên tới hơn 320 tỷ đồng. Do đó, VIB đã lỗ hơn 200 tỷ đồng trong quý III/2013.
Theo báo cáo của một số NHTMCP lớn khác, lý do chính khiến họ bị giảm lãi đều do khoản trích lập DPRR tăng mạnh. Ví dụ: tính đến 30/9, MB tăng gấp đôi trích lập DPRR so với cùng kỳ 2012. Bởi trong số 2.000 tỷ đồng nợ xấu của MB có gần một nửa là nợ nhóm 5. So với đầu năm cũng như quý vừa rồi, nợ xấu của MB tiếp tục tăng, chiếm 2,58% tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng của MB trong năm nay cũng không thực sự tốt khi chỉ đạt 8% sau 9 tháng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái…
Như vậy, có thể nói, nguyên nhân lớn nhất khiến ngân hàng giảm lãi trong năm 2013 đó là nợ xấu của các ngân hàng còn ở mức cao. Mặt khác, theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực: hiện các ngân hàng đang đánh giá, phân loại nợ sát hơn quy định Thông tư 02 để “giảm xóc” khi Thông tư này có hiệu lực vào tháng 6/2014. Do đó, tỷ lệ nợ xấu đưa ra ở mức khá cao, đồng nghĩa trích lập DPRR cũng lớn là tác nhân gây ăn mòn lợi nhuận của ngân hàng.
Lợi nhuận ngân hàng giảm do phải củng cố lại chất lượng tín dụng
|
Một lý do khác làm cho ngân hàng giảm lãi đó là tăng trưởng tín dụng thấp. Tuy có những ngân hàng vẫn báo lãi từ các mảng kinh doanh khác, nhưng bình quân thu nhập từ tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn chiếm tới 80% tổng thu nhập, nên sự sụt giảm trong kinh doanh tín dụng truyền thống đã tác động mạnh vào suy giảm chung của lợi nhuận. Dù thời gian qua, các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN, nhưng kinh tế khó khăn, khả năng tiêu thụ hàng hóa kém nên hàng tồn kho cao, khiến các DN không mấy mặn mà với việc vay thêm vốn. Ngoài ra, năng lực tài chính giảm sút, nợ xấu… cũng hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới của DN.
Cũng vì giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với DN nên lãi biên của các ngân hàng cũng bị thu hẹp dần. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, năm 2012, lãi biên của ngân hàng còn ở mức 3,2 – 3,4%, nhưng đến thời điểm này chỉ còn dưới 3%. “Nói như thế để mọi người hiểu hơn tại sao lợi nhuận hệ thống ngân hàng trong năm 2013 lại thấp như vậy. Vì chính họ đã dùng khả năng tài chính của mình để xử lý nợ xấu và cũng vì bị vốn “bất động” trong kho không cho vay được làm cho thu nhập bình quân trên tài sản có của ngân hàng thấp”, TS. Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bình luận.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Ngọc Hà - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn số liệu cho thấy, hệ thống ngân hàng giúp DN giảm gánh nặng chi phí tài chính qua việc giảm lãi suất. Theo phân tích của bà Hà, lãi suất cho vay giảm 3-5% so với đầu năm 2013. Nhờ vậy, tính đến 30/6/2013, tỷ trọng chi phí tài chính/tổng chi phí giảm xuống còn khoảng 3%, giảm tương ứng 2,65 và 1,52 điểm phần trăm so với năm 2011 và 2012. Trong đó, chi phí lãi vay/tổng chi phí chỉ còn 2,29%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2012.
Lợi nhuận – có phải câu chuyện lớn?
Vẫn biết lợi nhuận giảm sẽ “khó ăn khó nói” hơn với các cổ đông, nhưng lãnh đạo các ngân hàng đều xác định, năm 2013 mức lợi nhuận không phải là trăn trở lớn, mà tính bền vững trong phát triển mới là mối quan tâm hàng đầu. Ở góc độ khác, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc ngân hàng giảm lãi là phản ảnh đúng hoạt động thực tế và phù hợp với hoàn cảnh chung của các ngành khác trong nền kinh tế. Bởi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng, sức hấp thụ vốn thị trường thấp, nếu các ngân hàng công bố con số lãi lớn thì rõ ràng… có vấn đề.
Lãnh đạo một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thậm chí có những ngân hàng chủ động trích lập DPRR cao hơn so với quy định. Vì đó chính là “của để dành” giúp ngân hàng ứng phó kịp thời nếu có xảy ra biến cố. Đặc biệt, lãnh đạo những ngân hàng có cổ đông lớn, đối tác chiến lược “ngoại” đều cho rằng, đây là thời điểm ngân hàng cần phải tái cơ cấu, nâng cao năng lực tài chính.
“Trong thời gian tới, việc ngân hàng có hoạt động tốt hơn hay không, sự đồng lòng ý chí của các cổ đông có ý nghĩa quan trọng. Ví như, nếu cổ đông nhận thấy phải xây dựng ngân hàng phát triển theo hướng bền vững thì họ phải đồng tình tăng trích lập DPRR, giảm lợi nhuận và ngược lại”, một lãnh đạo NHTMCP lớn lưu ý.
Kinh doanh tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế phát triển chưa bền vững luôn có xác suất rủi ro cao, nên theo TS. Cấn Văn Lực, việc chấp nhận trích lập DPRR đầy đủ tương xứng với mức độ rủi ro là đương nhiên. Mặt khác, khi tình hình hoạt động kinh doanh ngân hàng cải thiện cùng với sự ổn định của nền kinh tế, nợ xấu giảm dần và, khi đó, khoản trích lập DPRR được “trả lại” cho ngân hàng, làm tăng lợi nhuận trở lại.
Hơn nữa, trên thực tế, cấu trúc thu nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam ngày càng đa dạng hơn. Các ngân hàng có nhiều nguồn thu khác nhau như cho vay, mua bán ngoại tệ, đầu tư, rồi các dịch vụ bán lẻ: dịch vụ thẻ, thanh toán… giúp lợi nhuận của những ngân hàng đó không bị giảm mạnh khi tín dụng gặp khó.
Tuy nhiên, trước mắt, những mảng kinh doanh trên đang chiếm rất nhỏ trong cấu trúc thu nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong khi trên thế giới, lợi nhuận từ tín dụng truyền thống chỉ chiếm 50 – 60% cấu trúc thu nhập ngân hàng, nên khi tăng trưởng tín dụng giảm, thu nhập của ngân hàng vẫn không bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, như trên đã nói, hệ thống các NHTM của Việt Nam tín dụng truyền thống vẫn đóng góp khoảng 80% thu nhập.
Đây là vấn đề bất cập mà TS. Cấn Văn Lực lưu ý các ngân hàng trong thời gian tới cần khắc phục.
Và để giúp lợi nhuận tăng trở lại, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các ngân hàng nên tận thu các khoản ngoại bảng (tức những khoản tài sản xấu, đã được ngân hàng đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản gọi là ngoại bảng – PV). Dù không dễ dàng, nhưng trong giai đoạn khó khăn các ngân hàng cố gắng để tận thu ít nhiều từ các khoản này. Ngoài ra, tiết kiệm chi phí vẫn rất cần thiết đối với các ngân hàng. Tăng đầu tư phát triển dịch vụ tạo ra nguồn thu bền vững và lâu dài cũng là lời khuyên của TS. Cấn Văn Lực đối với các ngân hàng.
Huyền Thanh
thời báo ngân hàng
|