Không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng với mức tăng trưởng tín dụng năm nay khó đạt được mục tiêu 12% như đề ra khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại sẽ có những ảnh hưởng tới khả năng tăng tín dụng của năm 2014. Nhiều khuyến nghị về chính sách tiền tệ năm 2014 đã được các chuyên gia kinh tế đề cập.
Tín dụng 2014 chỉ nên tăng ở 10%?
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 là trung gian, có thể được cân nhắc cho phù hợp với thực tiễn. Hiện tín dụng đang đạt mức 7,18 %, những tháng cuối năm thường tăng cao nên chúng tôi tin sẽ đạt được mức tăng từ 10-11% vào cuối năm. NHNN sẽ linh hoạt điều chỉnh đối với những tổ chức tín dụng có mức tăng cao hơn và đẩy nhanh xử lý nợ xấu thông qua VAMC”.
Dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 có nhiều yếu tố cải thiện hơn so với năm 2013 nhờ tăng trưởng đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng thuận rằng: Không thể chủ quan với lạm phát bởi để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3%, rủi ro lạm phát có thể xuất hiện. Hoạt động sản xuất- kinh doanh vẫn còn khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, để đạt được mức tăng trưởng kinh tế 5,8% năm 2014, đòi hỏi phải có có sự triển khai đồng bộ từ các giải pháp khác và từ phía nhiều bộ, ngành khác để thúc đẩy dòng vốn tín dụng vào nền kinh tế. TS. Cao Sĩ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa- đánh giá: NHNN đã sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường; đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo sự đồng tình của xã hội, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, các giải pháp mang tính hệ thống vẫn chờ ở phía trước, đặc biệt xử lý nợ xấu phải là nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh lại cho rằng: “Kinh tế vĩ mô năm tới sẽ không có những biến động mạnh nên chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì như đã làm cũng là tốt lắm rồi. Chính sách tiền tệ không nên nới lỏng, không nên đặt mục tiêu tăng tín dụng 12%; tín dụng 2 năm (2014 – 2015) chỉ đạt 10% là phù hợp bởi bản thân ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã hiểu khó khăn của họ là gì”.
TS. Vũ Đình Ánh:
Quan trọng nhất đối với tín dụng Việt Nam không phải là con số tăng trưởng mà là chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là đừng để cho nợ xấu mới phát sinh. Nếu nới chuẩn tín dụng thì chỉ trong vòng từ 3-6 tháng nợ xấu sẽ tăng lên.
|
“Tạm ứng” lợi nhuận để xử lý nợ xấu
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ cần tiếp tục hướng tới sự linh hoạt và ổn định, đặc biệt phải đẩy nhanh cuộc chiến với nợ xấu. Ví von một cách đầy hình ảnh, ông Trương Văn Phước- Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia- nhận định: Xử lý nợ xấu nghĩa là một lượng tín dụng sẽ bị hạ thấp, mức tăng trưởng tín dụng được 9% đã là tốt. “Chúng ta đã tạm ứng lợi nhuận 3 năm tới để đem về xử lý nợ xấu của quốc gia”- ông Phước nói.
Ông Summit Dutta- Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam- khuyến nghị, việc thành lập cơ quan xử lý nợ xấu là một giải pháp tốt trong bối cảnh hiện nay. TS.Cao Sĩ Kiêm cũng đồng thuận rằng, năm tới hoạt động xử lý nợ xấu vẫn phải là nhiệm vụ trung tâm, nếu không giải quyết được nợ xấu thì không thể nói doanh nghiệp phục hồi hay ngân hàng ổn định.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá: Nếu ngân hàng giải quyết tốt nợ xấu thì tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới có thể lên 14 – 15%. Ông Nghĩa kiến nghị: NHNN cần đặc biệt chú trọng việc xử lý nợ xấu, đồng thời tăng cường công tác quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế, tăng cường giám sát và công khai, minh bạch thông tin nhằm tăng cường lòng tin của thị trường đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Duy Minh
Công thương
|