Thứ Sáu, 22/11/2013 08:20

Ngân hàng Trung ương Việt Nam: Khó học mô hình ngoại!

Nghị định số 156/2013/NĐ-CP đưa NHNN lên hoạt động với chức năng NHTƯ mà Chính phủ vừa ban hành có ý nghĩa như thế nào đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế VN? Chuyên gia ngân hàng Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã có cuộc trao đổi với DĐDN.

Ông Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

- Trước hết, ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi mô hình hoạt động của cấp cơ quan quản lí NHNN cấp cao nhất?

Nếu nói ngắn gọn, NHTƯ có quyền độc lập khi thực thi chính sách tiền tệ cũng như chức năng giám sát ngân hàng cao hơn NHNN, bởi chính sách tiền tệ đòi hỏi có sự vừa độc lập vừa linh hoạt rất cao. Nếu ngân hàng phụ thuộc vào sự chỉ đạo và các chính sách khác của nền kinh tế thì sẽ rất khó cho NHNN hoạt động. Nhưng một khi chuyển sang hoạt động với chức năng của một NHTƯ, sẽ có sự chủ động cao hơn. Và như vậy chúng ta hi vọng các chính sách của NHNN sẽ ngày càng phù hợp hơn với tình hình chung và phù hợp với quy luật của thị trường.

- Có thể hiểu cụ thể “quyền lực” cao hơn của NHTƯ là gì, thưa ông?

Cao hơn, tức NHTƯ có quyền lực và chủ động. Ví dụ nói đơn giản, trước đây muốn thực thi một số chính sách, NHNN phải xin phép Chính phủ, phải giải trình với các cơ quan có liên quan. Nhưng nếu chuyển sang NHTƯ đúng nghĩa, thì họ sẽ chủ động được những vấn đề đó. Đó là sự cao hơn về mặt quản lí thẩm quyền.

- Đã có nhiều quốc gia phát triển NHTƯ độc lập. VN có thể học tập kinh nghiệm vận hành, quản lí và sử dụng thẩm quyền của mình từ các mô hình này?

Thực ra để ra được Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN VN, thực hiện chức năng của NHTƯ, chúng ta chắc chắn đã nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm của nhiều nước. Nhưng chúng ta phải xét trên xuất phát điểm của VN, là một nền kinh tế có những đặc thù riêng, do đó theo đúng mô hình của một nước nào đó là rất khó, trong điều kiện của VN. Chúng ta hẳn cũng đã xem xét các mô hình, kinh nghiệm của các nước có điều kiện gần tương đồng với VN. Nhưng khi vận dụng vào VN, vẫn phải trên những điều kiện, đặc thù riêng của nước ta mà vận hành. Nhưng chúng tôi tin là một khi đã giao cho NHNN chức năng hoạt động như một NHTƯ, thì chúng ta sẽ có sự chủ động và linh hoạt nhiều hơn so với trước trong quá trình vận hành, xử lí, điều hành chính sách tài chính… Mặt khác, tôi không tin chúng ta có thể học theo đúng mô hình của một nước nào bởi từ thể chế, cách hoạch định chính sách, những điều kiện kinh tế của chúng ta cũng có sự khác nhau. Thế nhưng chúng ta cũng không quá khác biệt và chính quyết định này là một bước đưa VN đi theo con đường phát triển phù hợp thông lệ quốc tế và phù hợp thực tiễn chung.

- Có thể hình dung đây là một bước đi để nền kinh tế VN được công nhận là kinh tế thị trường?

Đúng như vậy, đây là một bước đi. Thực tế việc có những nước chưa công nhận VN có nền kinh tế thị trường cũng là do nhiều nguyên do. Các thước đo nền kinh tế thị trường và phi thị trường cũng có những chuẩn khác nhau. Cho nên khi các nước đưa ra các thước đo đó, chúng ta không nhất thiết phải đáp ứng mọi chuẩn mực, mặc dù chúng ta đã có rất nhiều bước đi tích cực của một nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

- Đối với tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sự “nâng cấp” NHNN lên hoạt động với chức năng NHTƯ có ý nghĩa gì? Và dự đoán những chính sách trong các lĩnh vực nào có thể thay đổi sớm nhất, từ sự thay đổi của mô hình quản lí, thưa ông?

Một khi NHTƯ có quyền chủ động, linh hoạt hơn thì những vấn đề của ngành ngân hàng sẽ được xử lí linh hoạt hơn, tất nhiên trong đó có lĩnh vực tái cấu trúc.

Trong lĩnh vực tiền tệ, sự thay đổi cơ bản rất nhanh và theo đó từ nay đến lúc Nghị định mới cho ngân hàng hoạt động như NHTƯ có hiệu lực, còn một thời gian nữa. Đặc biệt nó sẽ rơi vào thời điểm cuối năm, khi các nền kinh tế thường có những thay đổi, biến động. Vì vậy, NHTƯ sẽ dựa trên thực tiễn tình hình mà ra chính sách.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, cơ quan thanh tra giám sát NHNN: Tăng tính chủ động

NHTƯ của VN thực sự sẽ không “lột xác” theo nhiều kì vọng, bởi Nghị định156/2013/NĐ-CP, hoàn toàn tương tự Nghị định 96/2008/NĐ-CP, đã khẳng định: “NHNN là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ”. Trên thực tế, NHNN vẫn là một cơ quan của Chính phủ.

Tuy nhiên, những điểm mới của Nghị định156/2013/NĐ-CP nằm trong “nhiệm vụ và quyền hạn” của NHNN. Điểm mới nhất, đó là nhiệm vụ cơ bản của NHNN: “xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm” thay vì quy định chung chung “xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia” như trong quá khứ. Như vậy, chúng ta có thể kì vọng vào một NHNN với trọng tâm hoạt động là ổn định giá cả thay vì phải “phân tâm” bởi những mục tiêu như duy trì hoặc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng vốn dĩ hay gây ra mâu thuẫn chính sách. Tuy nhiên, nội dung “sử dụng các công cụ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia” vẫn được giữ nguyên khiến nhiều người băn khoăn: Liệu chính sách tiền tệ quốc gia có phải chỉ nhằm tới mục tiêu ổn định giá cả hay còn các mục tiêu nào khác?

Có thể khẳng định, dù về chức năng, vị trí, NHNN vẫn không độc lập với Chính phủ, song tính chủ động của cơ quan này đã được nâng lên. Nhiệm vụ, quyền hạn cũng đã được quy định rõ ràng, cụ thể và trọng tâm hơn trước kia. Nghị định mới chưa thể thay đổi toàn diện NHNN VN, nhưng là bước ngoặt khẳng định vị thế của tổ chức này, phù hợp với xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trí Hiếu -Chuyên gia tài chính ngân hàng: Phải tiến kịp thế giới

Trước khi Pháp lệnh ngân hàng ra đời, hệ thống ngân hàng hoạt động theo mô hình một cấp, tức là NHNN vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi:Thế nào là một NHTƯ hiện đại? Câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản nhưng không dễ trả lời. Trong khi đó, trên thế giới đã biết đến 3 mô hình NHTƯ: NHTƯ độc lập với Chính phủ; NHTƯ là một cơ quan thuộc Chính phủ; và NHTƯ thuộc Bộ Tài chính. Theo một nghiên cứu được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về cơ bản, các NHTƯ trên thế giới được phân thành 4 cấp độ độc lập tự chủ gồm: Độc lập tự chủ trong thiết lập mục tiêu hoạt động; Độc lập tự chủ trong thiết lập chỉ tiêu hoạt động; Độc lập tự chủ trong lựa chọn công cụ điều hành; và Độc lập tự chủ hạn chế.

Trước yêu cầu cấp thiết này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 156/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN VN. Theo tôi, đây là bước thay đổi trong hoạt động của hệ thống. Về cơ bản việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra, NHNN VN đã được trao quyền độc lập, tự chủ hơn trong việc đưa ra các quyết định chính sách. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm thế nào để mô hình NHTƯ tiến kịp với các mô hình của hệ thống NHTƯ thế giới.

P.Hà ghi


Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Rủi ro khi hệ thống ngân hàng chỉ trông chờ vào vài 'ông lớn' (22/11/2013)

>   Đến cuối tháng 11 tín dụng tăng 9%, khả năng cả năm đạt 11-12% (21/11/2013)

>   Seabank dự kiến phát hành hơn 13 triệu cp trả cổ tức (21/11/2013)

>   Điều hành thị trường vàng: Cần 2 chiều mua và bán (21/11/2013)

>   Cuộc "đại tu" hệ thống ngân hàng bước đầu thành công (21/11/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước lên phương án mua vàng (21/11/2013)

>   Ngân hàng Đông Á đòi món nợ... 1 đồng (21/11/2013)

>   TienPhongBank nhận giải Ngân hàng sáng tạo tiêu biểu Việt Nam 2013 (20/11/2013)

>   Dự trữ ngoại hối “nhảy” 10 tỷ USD sau hai năm? (21/11/2013)

>   Vốn ngàn tỷ lãi vài tỷ: Đại gia ngân hàng khốn đốn (21/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật