Đề xuất lùi thông qua Luật Đất đai
“Thời gian từ nay đến cuối kỳ họp còn rất ít, vì vậy tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu có thể thông qua dự án luật này vào kỳ họp thứ 7”, đại biểu Phạm Xuân Thường nói tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Đất đai, chiều 22/11.
Đây là phiên thảo luận mới được bố trí thêm ngoài nghị trình ban đầu, được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích “do tính chất quan trọng của dự thảo luật, để đáp ứng yêu cầu của một số đại biểu mong muốn được tiếp tục thảo luận, góp ý thêm dự thảo luật”.
Trong số 24/31 đại biểu đăng ký đã phát biểu, chỉ duy nhất đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp thứ 6 này, song các phát biểu khác cũng chứa đầy băn khoăn khi đáp án giải bài toán làm sao để đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng không để một số cá nhân làm giàu bất chính như thời gian qua vẫn còn quá ngổn ngang.
Lý do đề nghị lùi thời gian thông qua dự án luật của đại biểu Thường là qua phát biểu của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật còn rất nhiều nội dung cần phải trao đổi, cần phải điều chỉnh. Trong khi thời gian từ nay đến cuối kỳ họp còn rất ít.
Ở phần góp ý của mình, vị đại biểu này cũng nêu ra không ít bất cập tại dự án luật.
Nhất trí rất cao với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng theo đại biểu Thường, các quy định hiện hành và thực tế quản lý sử dụng đất đai thời gian qua lại cho thấy quyền sở hữu toàn dân về đất đai nói chung, đất sản xuất nông nghiệp nói riêng đã không được thực hiện trên thực tế, đặc biệt từ năm 2003 đến nay.
Ông Thường cũng dẫn con số từ năm 1993 lại đây đã có thêm khoảng 14 triệu người trực tiếp sản xuất hoặc sống dựa vào nông nghiệp. Nhưng chỉ có 4,2 triệu người thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp từ ông bà, cha mẹ, còn lại 9,8 triệu người không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.
“Con số này sẽ là 33,8 triệu sau 50 năm nữa, có chuyển hết họ sang công nghiệp dịch vụ được không, họ làm gì để sống, con số này với Quốc hội, cơ quan hoạch định chính sách không có ý nghĩa gì sao, mà suốt chiều dài của 212 điều luật không có bất kỳ quy định nào liên quan đến số người này trừ con em của đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Thường đặt câu hỏi.
Các ý kiến khác cũng cho thấy, đã qua ba kỳ họp, băn khoăn các quy định về thu hồi đất và đặc biệt là giá đất vẫn chưa hề giảm.
Đại biểu La Ngọc Thoáng cho rằng, giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những bức xúc trong xã hội cũng như những vụ khiếu kiện lớn kéo dài. Việc đảm bảo giá đất sát thị trường không được quy định rõ ràng và minh bạch đã tạo cơ hội cho một số cá nhân làm giàu bất chính một cách nhanh chóng. Trong khi nhà nước và nhân dân có đất bị thu hồi thì thiệt đơn, thiệt kép.
Lên tiếng sau cùng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Độ chỉ tập trung góp ý về giá đất, vấn đề mà theo ông là cực kỳ phức tạp, cực kỳ nhạy cảm trong thời gian qua.
Vị đại biểu này cho rằng chính sách hai giá đất cũng như việc định giá đất không thật đúng đắn, khách quan, sợ công khai, minh bạch, công bằng là nguyên nhân làm phát sinh đám đầu cơ đất, phát sinh những vụ việc tiêu cực tham nhũng trong thời gian qua. Tạo điều kiện cho một số người làm giàu bất chính trên đất thuộc sở hữu của toàn dân.
Nhưng, đã qua rất nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo luật hầu như chưa có quy định để thu hẹp và xóa bỏ tình trạng hai giá đất để khắc phục tình trạng không công bằng giữa người có đất bị thu hồi và những người có đất thương mại.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng chưa có một quy định thật cụ thể thể hiện là giá đất được định giá phù hợp với cơ chế thị trường là như thế nào, ông nhận xét.
Điểm nữa khiến vị đại biểu này rất sốt ruột là trong dự thảo không hề thấy bóng dáng của quy trình định giá đất, không có quy định về cơ quan tham mưu đặc biệt là cơ quan thẩm định giá đất độc lập.
Việc luật giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, vừa có thẩm quyền thu hồi đất, vừa có thẩm quyền định giá đất, tức là vừa đá bóng, vừa thổi còi mà không quy định các cơ chế độc lập lẫn nhau trong tham mưu, thẩm định thu hồi đất và định giá đất thì rất khó được sự minh bạch, rõ ràng, công khai, công bằng như chúng ta mong muốn, đại biểu Độ phân tích.
Ông đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế tham mưu thu hồi đất, trong đó có quy định về cơ quan tham mưu thu hồi đất; về cơ quan thẩm định đất độc lập trong từng trường hợp thu hồi đất cụ thể do ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, trong đó có đại diện các cơ quan chức năng của Ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân và một số chuyên gia độc lập trong lĩnh vực tài chính, môi trường, bất động sản .... và cũng quy định là giá trị pháp lý về giá đất do cơ quan thẩm định này xác định.
Quy định cơ chế giám sát đặc thù của hội đồng nhân dân, của công dân trong thù hồi định giá đất, theo đại biểu Độ cũng rất cần được bổ sung.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Kim Ngân nói, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng, giải trình rõ các ý kiến của đại biểu Quốc hội về những nội dung cụ thể và báo cáo Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật vào buổi sáng 29/11/2013.
Nguyễn Lê
vneconomy
|