Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Tự bơi, tự phát và… lay lắt sống
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng có nguy cơ bị thu hẹp quy mô. Dù số lượng doanh nghiệp (DN) đã phục hồi và thành lập mới của năm 2013 này có nhỉnh hơn so với năm 2012, song con số DN phá sản vẫn đang rất nhức nhối.
Tự bơi, tự phát…
Chiếm tới 97% tổng số, sử dụng hơn 50% lao động, sản xuất hơn 40% hàng tiêu dùng, đóng góp 47% GDP, 40% ngân sách… nhưng nhìn chung, cộng đồng DN nhỏ và vừa , đặc biệt ở khu vực nông thôn vẫn luôn ở thế yếu, trong tình trạng "tự bơi, tự phát”. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế khi nói về cộng đồng DN nhỏ và vừa hiện nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng đầu năm 2013, có khoảng 42.000 DN ngừng hoạt động, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ tính riêng TP Hà Nội, có khoảng 10.079 DN buộc phải rời bỏ thương trường. Như vậy, có thể thấy, số DN nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động vẫn gia tăng. Hơn thế, thực trạng DN thu hẹp quy mô từ vừa thành nhỏ, từ nhỏ thành siêu nhỏ… cũng đang diễn ra cấp tập như một xu hướng. Những giải pháp mà các nhà quản lý đưa ra trong thời gian qua hầu như không phát huy được nhiều tác dụng. Đặc biệt, không ít ý kiến cho rằng các giải pháp, chính sách được đưa ra hỗ trợ DN chưa trúng, thậm chí là thiếu hợp lý.
Một trong những giải pháp được cho là thiết thực nhất là giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều lãnh đạo DN, lãi suất cao hay thấp hiện tại không phải là vấn đề nan giải, mà khúc mắc nằm ở chỗ là điều kiện cho vay của ngân hàng đưa ra quá khắt khe. Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc một công ty TNHH chuyên sản xuất bao bì ở Hà Nội, việc ngân hàng đưa ra yêu cầu phải có tài sản thế chấp mới cho vay thì quá bằng "đánh đố nhau” ở thời điểm này. Và khi không tiếp cận được nguồn vốn, DN buộc phải chấp nhận từ giã thương trường là điều đã thấy trước.
Nhưng, có điều cần nhắc lại đó là khi cộng đồng DN nhỏ và vừa "kêu mãi trời không thấu”, nhưng với các DN "đại gia”, DNNN, cứ gặp khó và than khóc là y như rằng sẽ nhận được những ưu ái, cứu vớt kịp thời từ phía nhà nước.
Hệ lụy của sự phân biệt đối xử
"Cộng đồng DN nhỏ và vừa dường như đang bị phân biệt đối xử, họ đang phải tự gồng mình chống chọi với những khó khăn cho đến khi không trụ được thì tự phải chết. Trong khi các DN lớn lại được những chính sách ưu ái từ phía Nhà nước. Điều đó lý giải tại sao có những DN "con cưng” lỗ triền miên mà chả bao giờ chết” – một chuyên gia kinh tế nhận định.
Điều này liệu có khiến các nhà làm quản lý suy nghĩ? Ngay như Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đã từng đưa ra nhận định rằng, dường như thời gian qua, chúng ta đã để DN nhỏ và vừa phát triển một cách tự phát, hỗ trợ của Nhà nước đến cộng đồng DN này chưa được nhiều. Và Thứ trưởng cũng khẳng định thêm rằng, hầu hết các chính sách, nguồn vốn vẫn đổ dồn vào DN lớn, DNNN.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam vẫn cần tiếp tục có những cải cách trong chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các DN với qui mô lớn hơn, để Việt Nam có thể đạt được sự tăng trưởng bền vững và đồng đều hơn. Theo vị chuyên gia này, khu vực DN tư nhân trong nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ áp lực của các điều kiện kinh tế cả trong và ngoài nước. "Điều quan trọng là cần nỗ lực khuyến khích sự phát triển DN nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho họ gia nhập các ngành cung ứng toàn cầu, nhất là thông qua việc tăng cường cải cách chính sách, tiếp cận về tài chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính” - ông Tomoyuki Kimura nhận định.
Nhận định của vị giám đốc ADB dường như đưa ra thông điệp rằng, nếu không có sự "cải thiện” trong tư duy của các nhà làm quản lý, sự đầu tư đúng mực và hợp lý cho khu vực DN nhỏ và vừa, thì khu vực DN này sẽ tiếp tục ở tình trạng tự bơi, tự phát và lay lắt sống.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam mới đây đã ký một hiệp định vay vốn ưu đãi trị giá 50 triệu USD nhằm phát triển DN nhỏ và vừa (SME), để hỗ trợ nỗ lực cải cách của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển và năng lực cạnh tranh của các DN này. Thông tin từ ADB cho biết, khoản vay này sẽ hỗ trợ nỗ lực phát triển DN nhỏ và vừa ở Việt Nam thông qua đơn giản hóa quy trình kinh doanh, cải thiện tiếp cận về tài chính, các chương trình hỗ trợ DN do doanh nhân nữ quản lý, tạo lập môi trường bình đẳng cho sự phát triển của các DN tư nhân.
|
Duy Phương
Đại đoàn kết
|