Vận hành các hồ thủy điện: Đã có câu trả lời
Việc xả lũ đã đúng quy trình và hợp lý hay chưa, giải pháp nào để hạn chế thấp nhất tình trạng lũ lụt cho vùng hạ du, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương như thế nào?… Đó là những vấn đề đặt ra tại Hội nghị bàn về phát triển thủy điện và công tác quản lý nhà nước về thủy điện do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/11 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì hội nghị
|
Các hồ thủy điện góp phần quan trọng cắt, giảm lũ
Theo khẳng định của đại diện lãnh đạo các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, các hồ thủy điện (TĐ) đều xả lũ đúng quy trình, có sự phối hợp chỉ đạo của địa phương. Mặc dù không thể cắt lũ hoàn toàn nhưng hầu hết các hồ đều xả tràn thấp hơn mực nước về, góp phần giảm cường độ lũ về hạ du. Báo cáo của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho thấy: Hồ Sông Hinh cắt lũ cao nhất (87,9%, nước về hồ 447m3/s nhưng chỉ xả 54m3/s); hồ thủy điện Sông Tranh 2 cắt lũ được 59,1% (đỉnh lũ về hơn 8.333 m3/s nhưng lượng xả tràn cao nhất chỉ tới 3.407m3/s). Hồ Sông Ba Hạ cắt lũ được 26% (đỉnh lũ về lên tới 5.300m3/s nhưng mức xả cao nhất chỉ 3.900 m3/s). Thủy điện Đăkmi 4 cũng xả gần 3.900m3/s (lưu lượng nước về hồ trên 4.360m3/s). Hồ Đăk Đrinh xả tràn 1.769 m3/s (nước về hồ 2.500 m3/s), cắt lũ 29,24%. Hồ Vĩnh Sơn A xả 75,7 m3/s (nước về 258 m3/s), cắt lũ 70%. Hồ Ka Nak xả 924 m3/s (nước về 1.456 m3/s), cắt lũ 36%. Hồ A Vương xả 871,8 m3/s (nước về 898m3/s) cắt lũ 2,91%...
Ông Đỗ Đức Quân – Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng - cho biết, ngoài nhiệm vụ phát điện, các hồ TĐ còn nhiệm vụ cắt và chống lũ trong mùa mưa bão, điều tiết dòng chảy, xả nước chống hạn cho vùng hạ du trong mùa khô. Tuy nhiên, hồ nào cũng chỉ có dung tích nhất định, nếu lượng nước về vượt quá sức chứa thiết kế, các hồ buộc phải xả xuống hạ du, nhưng bao giờ lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ. Nếu không có hồ TĐ, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua sẽ còn nặng nề hơn.
Ông Bùi Minh Tăng- Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương- khẳng định, trận lũ tháng 11 vừa qua là trận lũ lịch sử 70 năm qua mới lặp lại. Lý do là mưa quá lớn trong 2-3 ngày, lại mưa chủ yếu ở vùng thượng du, địa hình miền trung Tây Nguyên dốc nên nước về rất nhanh. Mặc dù trước môi trận bão lũ đều đã được thông báo trước, các hồ TĐ, thủy lợi đều được lệnh xả bớt đưa mực nước xuống thấp hơn bình thường để chuẩn bị tích nước cắt lũ nhưng do nước về vượt quá sức chứa nên các hồ buộc phải xả bơt để bảo vệ đập. Vì vậy, hồ TĐ chỉ góp phần giảm lũ chứ không thể gây lũ được.
Cần bắt đầu từ quy trình
Cũng theo ông Tăng, việc lũ lên nhanh thoát chậm còn có nguyên nhân từ quy hoạch nâng cấp, xây dựng mới các đường giao thông đã lấp các cống cạn, hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa khiến cửa sông ven biển bị bồi lấp chắn dòng thoát lũ. Đó là chưa kể, nhiều hồ chứa chưa được phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa. Nhiều đập chưa cắm chỉ giới bảo vệ an toàn đập hoặc đã có chỉ giới nhưng dân vẫn vi phạm làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam, các hồ chứa có thể không cắt được lũ hoàn toàn nhưng nếu có quy trình vận hành liên hồ khoa học và nghiêm túc thì việc giảm lũ sẽ hiệu quả hơn. Bởi vì, dù đã xả lũ đúng quy trình nhưng vấn đề là quy trình đó đã phù hợp hay chưa. Theo ông Quang, các bộ, ngành cần rà soát lại việc điều tiết và xây dựng bản đồ ngập lụt đơn hồ, liên hồ để có sự điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ cho phù hợp với thực tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:
Việc đầu tư xây dựng các dự án TĐ nhỏ còn nhiều bất cập. Năng lực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình TĐ nhỏ ở địa phương còn hạn chế. Công tác lựa chọn chủ đầu tư chưa chặt chẽ, nhiều nhà đầu tư yếu cả về năng lực tài chính và năng lực quản lý dự án. Nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.
|
Đặc biệt, cần tăng cường hệ thống quan trắc tới các địa phương để chủ động phòng chống lũ tốt hơn.
Công tác dự báo lũ cũng cần liên tục, chính xác hơn. Các nhà máy TĐ cần thông báo đầy đủ, kịp thời việc xả lũ và xả lũ đúng quy trình, cần có hệ thống cảnh báo phù hợp. Bởi vì mỗi khi mưa bão là mất điện, bà con không thể nghe đài, xem ti vi, điện thoại không phải đâu cũng có, lãnh đạo địa phương phải đi báo tận nơi. Nếu chỉ báo trước vài giờ thì khi thông tin đến với người dân thì đã muộn. Hầu hết các địa phương và các chủ hồ đều cho rằng thông tin dự báo lũ còn chậm, chưa cụ thể đã dẫn đến việc xả lũ bị động, việc điều tiết lũ chưa thật hiệu quả.
Sẽ có chế tài kiên quyết hơn
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận việc đầu tư xây dựng các dự án TĐ nhỏ còn nhiều bất cập. Năng lực quản lý đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình TĐ nhỏ ở địa phương còn hạn chế. Công tác lựa chọn chủ đầu tư chưa chặt chẽ, nhiều nhà đầu tư yếu cả về năng lực tài chính và năng lực quản lý dự án. Nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong điều kiện biến đổi khí hậu, chiến lược chính vẫn là chủ động phòng tránh và thích nghi với lũ bão, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình để nâng cao mức chống lũ, giảm ngập lụt, trong đó công tác quản lý hạ lưu các sông cần được tăng cường. Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch, rà soát các công trình đang triển khai xây dựng. Nếu chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định của pháp luật thì sẽ yêu cầu dừng thi công để khắc phục hoặc thu hồi dự án. Tiếp tục rà soát quy trình vận hành hồ chứa; kiên quyết xử lý những nhà máy TĐ không thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc việc trồng bù rừng và xây dựng cơ chế đặc thù cho công tác bồi thưòng di dân tái định cư các dự án TĐ. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành quy trình vận hành liên hồ các lưu vực sông còn lại cả mùa lũ và mùa cạn, bổ sung mạng lưới các trạm đo trên các lưu vực sông. Bộ Xây dựng lưu ý quy hoạch các công trình giao thông không làm ảnh hưởng dòng thoát của lũ. UBND các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc làm tốt hơn công tác tuyên truyên, giải thích để người dân hiểu đúng về TĐ.
Ngọc Loan
công thương
|