Bảo hộ mía đường, người dùng chịu thiệt hàng ngàn tỉ đồng
Trong suốt tuần qua, ngành mía đường Việt Nam trở thành tâm điểm của dư luận sau vụ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có ý định đưa 30.000 tấn đường thô từ Lào về tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc.
Mỗi năm, như tính toán, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả thêm hơn 4.000 tỉ đồng cho khoản chênh lệch giá đường.
|
Từ cuộc tranh cãi này, chính hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã xác nhận thông tin chỉ cần đưa trót lọt 30.000 tấn đường thô vào Việt Nam, sẽ kiếm được khoản lợi nhuận tương đương khoảng 80 tỉ đồng do ngành đường đang được bảo hộ, có chênh lệch giá khá lớn giữa đường nội địa và đường của các nước trong khu vực và thế giới. Chính các nhà máy đường cũng thừa nhận giá đường tại Việt Nam cao hơn các nước là yếu tố quan trọng góp phần kích thích đường lậu tràn vào. Số liệu thống kê từ VSSA cho thấy, đường lậu từ Thái Lan tuồn vào nội địa gia tăng đáng kể trong vài ba năm gần đây, từ 300.000 tấn năm 2011 lên 500.000 tấn năm 2012; và dự kiến năm nay chiếm khoảng gần 1/3 trong tổng số 1,6 triệu tấn đường tiêu thụ của cả nước.
Từ số liệu trên, có thể ước tính với sản lượng đường tinh luyện mà người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng trung bình mỗi năm 1,6 triệu tấn, tức là cần 1,648 triệu tấn đường thô, sẽ thấy phần thặng dư lợi nhuận mà các nhà máy đường bỏ túi là vô cùng lớn, hơn 4.320 tỉ đồng.
4.320 tỉ đồng, số tiền lợi nhuận kiếm được không phải từ nỗ lực trong cạnh tranh, mà nhờ vào chênh lệch giá đường trong nước cao hơn thế giới do chính sách bảo hộ mang đến. Như vậy, có thật sự là VSSA đang bảo vệ cho lợi ích của người trồng mía hay bảo vệ cho chính lợi ích của họ. VSSA phản đối HAGL, vì cho rằng nếu công ty này nhập khẩu đường thô vào sẽ giết nông dân, bởi hiện giá thành sản xuất đường ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước, nguyên nhân chính là do nông dân được bảo hiểm giá mua mía cao hơn các nước gấp hai, ba lần.
Bảo hộ bất cứ một ngành nghề kinh tế nào cũng phải đạt được các mục tiêu hài hoà: có lợi cho người sản xuất, người tiêu dùng, doanh nghiệp và cuối cùng là lợi ích quốc gia. Vụ việc VSSA ra sức phản đối nhập khẩu khẩu đường vừa qua, phải chăng hàng triệu nông dân đang bị VSSA bắt làm con tin? Cho rằng, VSSA đặt cao lợi ích nông dân trồng mía thì tổ chức này cũng phải có trách nhiệm với hàng chục triệu người tiêu dùng, đối tượng khách hàng chính của họ, có thể là bằng cách đầu tư cho nông dân tăng năng suất để cạnh tranh. Mỗi năm, như tính toán, người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả thêm hơn 4.000 tỉ đồng cho khoản chênh lệch giá đường. Chưa kể, chính sách bảo hộ đồng thời tạo ra giá đường trong nước cao còn dẫn đến hậu quả đường nhập lậu tràn vào, Nhà nước mất đi một khoản thu thuế và chi phí chống buôn lậu đường là chi phí mà người tiêu dùng đường phải trả.
Như vậy là không khó để có thể trả lời được câu hỏi đối tượng nào đang hưởng lợi từ chính sách bảo hộ ngành đường. VSSA có thể kêu ca về chính sách điều hành ngành mía đường thời gian qua trồi sụt, chưa đồng bộ, nhất quán; cây mía chưa được Nhà nước đầu tư đúng mức… Nói đi thì phải nói lại, ngành mía đường Việt Nam phát triển hàng chục năm nay nhưng lại được bao cấp quá kỹ làm cho các nhà máy ỷ lại không mạnh dạn đổi mới, tiết giảm giá thành để có thể tự đứng bằng đôi chân của chính mình. Vụ HAGL có ý định nhập khẩu đường thô chỉ là giọt nước tràn ly, là bề nổi phản ánh tảng băng chìm về sự yếu kém cạnh tranh của cả ngành đường. Giả sử không có vụ HAGL thì các nhà máy đường vẫn phải đối mặt với thực tế mỗi ngày có không dưới 1.000 tấn đường lậu từ Thái Lan tuồn qua, được bán với giá thấp hơn 2.000 – 3.000 đồng/kg so với đường nội địa. Người tiêu dùng, các doanh nghiệp sử dụng đường chế biến thực phẩm, hẳn không thể dành sự ưu ái lâu hơn nữa cho các nhà máy đường được nữa.
Minh Khoa
Sài gòn tiếp thị
|