Sau lễ, nên mua bán cổ phiếu nào?
Trong tuần vừa qua, thị trường chứng kiến đợt bán ròng mạnh của khối ngoại, theo đó mà VN-Index đã mất gần 20 điểm. Trước bối cảnh này, các công ty chứng khoán chủ yếu đưa ra các khuyến nghị mua hay nắm giữ cho mục tiêu trung và dài hạn.
PET: Khởi sắc trong trung hạn
Trong báo cáo phân tích công ty ra ngày 30/08, CTCK Rồng Việt (VDS) đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu PET của tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí.
VDS đánh giá cao khả năng tăng trưởng trong dài hạn của PET. Nguyên nhân, PET đang có lượng tiền mặt dồi dào, hơn 1,300 tỷ đồng tại thời điểm 30/06/2013. Thứ hai, việc bắt tay hợp tác với Samsung sẽ tạo điều kiện cho PET mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh chính với sản phẩm công nghệ thông tin. Thêm vào đó, từ quý 3/2013, công ty được nhận chuyển giao thêm 15% thị phần phân phối sản phẩm Samsung trên thị trường Việt Nam từ nhà sản xuất này, nâng vị thế của PET trên lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ thông tin, đặc biệt là sản phẩm của Samsung. Ngoài ra, việc PET đều đặn duy trì trả cổ tức tiền mặt trong năm năm qua (mức cổ tức thấp nhất 16%) là điểm cộng.
Năm 2013, VDS dự báo doanh thu của PET vào khoảng 11,856 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 377 tỷ đồng. Do lợi ích cổ đông thiểu số tăng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 219.5 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và EPS dự phóng khoảng 3,143 đồng/cp. Theo đó, giá trị ước tính của PET vào khoảng 25,000 đồng/cp, cao hơn giá tham chiếu hiện tại của công ty.
Tuy nhiên, VDS lưu ý là sản phẩm kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc khá lớn vào xu hướng phục hồi của nền kinh tế. Cho nên những dự phóng của VDS có thể thay đổi tùy thuộc tình trạng của nền kinh tế.
Xem chi tiết tại đây
LAS: Chưa có động lực tăng
Bên cạnh PET, Chứng khoán Rồng Việt cũng đánh giá cao sự ổn định trong hoạt động kinh doanh của CTCP Supe Phốt Phát Và Hóa Chất Lâm Thao (HNX: LAS). Tuy nhiên, do tính mùa vụ nên lợi nhuận trong 2 quý cuối năm dự kiến sẽ thấp hơn so với hai quý đầu năm. Chính vì vậy, VDS nhận thấy chưa có động lực tăng giá thực sự cho cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm và chỉ đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với LAS.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của LAS phục thuộc vào sự biến động giá của các nguyên liệu sản xuất như lưu huỳnh, đạm Amoni Sunfat, Kali… Hơn nữa, thị trường phân NPK ở miền Bắc có thể sẽ gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong những năm tới khi cầu đang có xu hướng bão hòa.
Xem chi tiết tại đây
VNS: Mua với giá mục tiêu 51,900 đồng
Theo khuyến nghị của CTCK APEC, nhà đầu tư có thể tiếp tục mua vào cổ phiếu VNS của CTCP Ánh Dương Việt Nam với mức giá mục tiêu 51,900 đồng/cp.
Những thông tin từ Vinasun cho thấy, doanh thu lũy kế công ty mẹ đến tháng 8 đạt khoảng 2,016 tỷ đồng, hoàn thành 73% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 144.5 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch. APEC nâng dự phóng lợi nhuận năm 2013 và 2014 lên 200 tỷ đồng và 240 tỷ đồng.
VNS sắp có kế hoạch phát hành riêng lẻ 3 triệu cổ phiếu cho các cổ đông lớn để đầu tư thêm 400[U1] xe cho năm 2013. APEC đánh giá cao khả năng phát hành thành công do mức P/E hiện tại khá thấp so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 2 năm tới vào khoảng 20-30%.
Về kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động sang các thành phố Nha Trang, Cần Thơ và Hà Nội cũng được đánh giá khả thi nhưng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Đó là đặc điểm giao thông tại Hà Nội tương đối khác so với TPHCM và đối thủ chính Mai Linh tuy đang gặp khó khăn về tài chính nhưng thương hiệu, thị phần tương đối mạnh.
Xem chi tiết tại đây
GMD : Nên bán do bước vào xu hướng giảm
Trong bản tin ngày 30/08, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng CTCP Đại lý liên hiệp vận chuyển (HOSE:GMD) đang bị mất đi động lực tăng giá và sẽ rơi vào xu hướng giảm.
Nguyên nhân, trong đợt bán ròng mạnh kể từ ngày 20/08, khối ngoại đã bán ròng 600 ngàn cổ phiếu GMD. Theo đó, mô hình giá của GMD tạo thành các đỉnh và đáy sau thấp hơn kể từ mức đỉnh cao nhất 40,700 đồng vào tháng 3/2013. Xu hướng giảm giá hàm ý rằng giá có xác suất tiếp tục đi xuống cao hơn. Các chỉ báo kỹ thuật cũng xác nhận chiều hướng giảm, MACD Histogram đang rớt xuống dưới đường tín hiệu.
Về yếu tố cơ bản, GMD đạt lợi nhuận cao nhờ thanh lý tài sản trong khi hoạt động kinh doanh chính không có nhiều nổi trội, ROE thấp. MBKE không lạc quan về triển vọng dài hạn của công ty.
Do đó, MBKE khuyến nghị nhà đầu tư có thể bán mạnh quanh mức giá hiện tại 23,200 đồng.
IMP: Tiếp tục nắm giữ
CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) đang được giao dịch với EPS năm 2013 là 7.6x, khá hợp lý với một công ty có mô hình tăng trưởng khiêm tốn trong 1-2 năm tới. Theo đó, CTCK Sài Gòn (SSI) khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu này.
Trong 7 tháng đầu năm 2013, IMP đạt doanh thu 473 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế 64.3 tỷ đồng, giảm 5% và mới hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013.
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm chủ yếu do tác động của Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC do Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành quy định về thủ tục đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế có hiệu lực từ ngày 1/6/2012. Theo thông tư, khi đấu thầu các mặt hàng thuốc cùng loại, sản phẩm nào có giá rẻ nhất sẽ được chọn. Tỷ trọng doanh thu bán cho các bệnh viện của IMP là 59%, cao hơn hầu hết các công ty dược khác. Do vậy, tỷ suất lợi nhuận của IMP chịu tác động nhiều nhất từ Thông tư 01.
Để tháo gỡ khó khăn do Thông tư 01, IMP có kế hoạch tăng tỷ trọng doanh thu thông qua các cửa hàng bán lẻ thuốc bằng cách thành lập thêm các đại lý bán hàng và mở rộng khu vực hoạt động mà lực lượng bán hàng có thể vươn tới. Bên cạnh đó, công ty sẽ tập trung vào việc bán các sản phẩm có uy tín, có giá và tỷ suất lợi nhuận cao.
Mặc dù đã đưa ra các biện pháp như trên, SSI vẫn cho rằng IMP vẫn khó đạt tăng trưởng cao trong năm 2013. SSI dự báo doanh thu năm 2013 sẽ đạt 884.6 tỷ đồng và lợi nhuận ròng sẽ đạt 79 tỷ đồng; tăng nhẹ so với năm trước, tương ứng EPS 4,817 đồng.
Trần Việt tổng hợp
infonet
|